Lê Hoàng là cái tên nổi đình nổi đám hồi thập niên 2000 với những bộ phim 18+ như Gái Nhảy (2003), Lọ Lem Hè Phố (2004) hay Trai Nhảy (2007). Song, lối làm phim của ông dần lỗi thời và đỉnh điểm là thảm họa S.O.S Sói Trắng (2017). Trở lại màn ảnh rộng sau 7 năm vắng bóng, Lê Hoàng vẫn "giữ vững phong độ" khi Trà là bài thử thách mọi giác quan và lý trí của khán giả.
Nội dung Trà xoay quanh thương nhân giàu có tên Hải (Trương Minh Quốc Thái). Ngoài bà vợ là chủ tịch tập đoàn Tuyết (Việt Hương) thì anh còn cô bồ nhí trẻ tuổi là Chích (Đoàn Trinh). Vì mặc cảm tội lỗi, Hải quyết định chia tay Chích. Song, cô gái trẻ không chịu buông bỏ nên giả làm người giúp việc tiếp cận gia đình nhân tình. Những biến cố cũng ập đến từ đây.
Ngay từ những phút đầu tiên, Trà đã tạo cho người xem một cảm giác bất an khi các nhân viên trong công ty quảng cáo của Hải liên tục đưa ra các ý tưởng trời ơi đất hỡi cho khách hàng. Ở cương vị giám đốc, anh này có những sáng kiến còn khó đỡ hơn như kiểu: "Các anh chị có biết vì sao phụ nữ Châu Âu thích da đen không? Vì… đàn ông Châu Âu thích da đen!?!" Và nhân viên thì bất ngờ như thể vừa giác ngộ một chân lý gì đó cao siêu lắm.
Và đúng như dự đoán, cảm giác bất an đó đã trở thành sự thật khi chỉ vài phút sau, Hải lao ngay đến nhà cô bồ nhí và có màn mây mưa nóng bỏng. Giữa chừng, anh đột ngột ngất xỉu. Hóa ra, Hải bị bệnh tim và có thể tắt thở bất cứ lúc nào khi làm chuyện ấy. Song, căn bệnh có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng này lại chẳng nằm trong mắt Chích, Tuyết hay thậm chí là Hải. Cả ba nhân vật cứ quay cuồng trong vòng xoáy ân ái trong hầu hết thời lượng phim. Có vẻ như bất kỳ cuộc hội thoại nào trong Trà mà thiếu ngoại tình hay tình dục thì nhân vật sẽ chết vậy.
Chưa dừng lại ở đây, kịch bản Trà như một sự thử thách trí thông minh của khán giả khi quy tụ hàng loạt tình tiết rời rạc, không đầu không đuôi. Hải chia tay với Chích hóa ra là bởi nhìn thấy cô em gái… giết chồng khi biết gã ngoại tình. Còn Chích thì tìm mọi cách đeo bám, thậm chí là giả vờ là con bé nhà quê ngây ngô để xin vào nhà Hải làm giúp việc. Nhưng xem đến cuối, khán giả cũng chả hiểu mục đích của cô nàng này là gì, trả thù hay chỉ vì yêu? Là giả khờ hay ngu ngơ thật sự?
Có những bộ phim plot twist hay đến mức người ta hào hứng muốn biết cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có những cái chán đến mức chỉ nửa thời lượng là khán giả muốn bỏ về. Trà là loại thứ ba, một tác phẩm dở đến mức khán giả phải tò mò xem đạo diễn dám đưa tình tiết nào đến tiếp theo. Và quả thật, phim không có bớt phi lý mà chỉ có phi lý hơn và phi lý mãi.
Lúc thì phim lan man vào trí tưởng tượng của Chích, khi lại sa đà vào câu chuyện quá khứ. Lúc thì tác phẩm tấu hài, khi thì lại drama giật gân không khác gì nồi lẩu thập cẩm. Những tình tiết vô tri đến mức người xem bật cười vì không ngờ rằng năm 2024 rồi mà chúng vẫn xuất hiện trong phim Việt.
Không chỉ có kịch bản, cách xây dựng nhân vật của Trà cũng khiến khán giả ức chế không kém. Chích là bồ nhí của Hải, nhưng mỗi lần không vừa ý là lại nằm giãy đành đạch và khóc lóc, khua chân múa tay hệt như trẻ em. Cô nàng nói chuyện lúc nào cũng õng ẹo, hành động lại được xây dựng theo kiểu… ngây ngô. Đôi lúc, không ai rõ do gu Hải mặn hay anh chàng đang nuôi thêm một đứa con gái thay vì bồ.
Sau một đoạn hồi tưởng, người xem càng mơ hồ hơn về nhân vật này. Không rõ cô có thật ngoài đời hay không hay chỉ là trong giấc mơ của đạo diễn. Vì tìm đâu ra một nàng bồ nhí vừa ngây thơ như tờ giấy trắng, chỉ vì dòng đời đưa đẩy chứ thực ra rất mê học, vừa không ham tiền, vừa yêu hết lòng, vừa khờ dại tới mức chấp nhận làm giúp việc cho vợ cả chỉ để gần tình nhân như thế? Việc Chích giúp đỡ hết các thành viên trong nhà Hải cũng chẳng có mục đích cụ thể nào.
Và rồi, đạo diễn Lê Hoàng muốn đưa thông điệp gì qua Chích và Hải? Rằng Hải vốn "ngại" ngoại tình nhưng vì tình huống nên thành "nghiện"? Tất cả chỉ xuất phát từ tình thương rồi đến với nhau chỉ là "tai nạn"? Và tình yêu của hai người mới xuất phát từ sự đồng điệu tâm hồn, so với bà vợ Tuyết vừa dữ vừa xấu vừa đanh đá? Lối xây dựng tính cách nhân vật cũ kỹ, phi lý đúng là thử thách tính kiên nhẫn của người xem khi phải chịu đựng gần 120 phút.
Thực tế thì phải dành lời khen cho Trương Minh Quốc Thái vì làm nghề rất có tâm. Tài tử sinh năm 1974 thể hiện nhân vật một cách nghiêm túc, biểu cảm chân thật dù tình huống hay bạn diễn có tệ hại ra sao. Hải là nhân vật tạm coi là có chiều sâu và chuyển biến tâm lý tốt nhất phim, từ sợ hãi, đau khổ cho đến nịnh bợ, phẫn nộ đều được Trương Minh Quốc Thái thể hiện tốt qua ánh mắt.
Cái tên mới Đoàn Trinh gây thất vọng với diễn xuất không khác gì đang trêu ngươi người xem. Cô cứ như đang gồng mình để vào vai một cô bé 6 tuổi nhõng nhẽo với bố chứ không phải bồ nhí với người yêu. Chất giọng chanh chua của Chích gây khó chịu cực độ. Phải là người dũng cảm lắm mới không che mắt, lắc đầu mỗi khi nhân vật này xuất hiện. Còn Việt Hương thì vẫn giữ lối diễn hài hước trong các tiểu phẩm hài quen thuộc. Có lẽ vai Tuyết cũng chỉ có thế nên không có cơ hội để cô thể hiện hết sức.
Dù ở năm 2024 nhưng có vẻ nhiều đạo diễn Việt vẫn nghĩ rằng chỉ cần một đề tài tiểu tam gây sốc cùng vài ba cảnh nóng thì có thể sẽ lừa được khán giả ra rạp. Trà không phải bài học đầu tiên nhưng chắc chắn cũng không phải bài học cuối cùng cho lối làm phim cẩu thả, hời hợt và cũ kỹ. Như chỉ vài tháng trước, Chiếm Đoạt của Phương Anh Đào và Miu Lê cũng lấy câu chuyện tiểu tam và giúp việc y hệt với quá trình quảng bá đánh mạnh vào cảnh nóng. Song, bộ phim cuối cùng chỉ thu về hơn 22 tỷ. Trong quá khứ, không ít tác phẩm rơi vào tình cảnh tương tự như Người Tình (2022). Rõ ràng, kịch bản, nội dung mới là thứ thu hút khán giả chứ không phải cảnh nóng. Thực tế cho thấy Trà dù quảng bá nhiều cảnh nóng nhưng hoàn toàn bị khán giả ngó lơ. Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, phim chỉ thu hơn 1,3 tỷ sau 4 ngày ra rạp và bất ngờ thông báo dời lịch chiếu. Có lẽ thay vì phô trương bối cảnh giàu sang, ê-kíp Trà nên dùng tiền đó đầu tư cho khâu kịch bản thì hơn.