TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày

Nam An - Ảnh, clip: Di Anh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 07:23 25/07/2025
Chia sẻ

Quán trọ Sài Gòn Bao Dung là mái ấm nhỏ giữa lòng thành phố, nơi cưu mang và chở che những cụ già neo đơn, giúp họ có chốn đi về, bữa cơm ấm lòng và một gia đình thứ hai để nương tựa lúc xế chiều.

Giữa TP.HCM, khi phố xá lên đèn cũng là lúc nhiều phận đời cơ cực lặng lẽ tìm về Quán trọ nhỏ nằm trên đường Lý Thường Kiệt (TPHCM) nơi những con người xa lạ bỗng hóa thân quen, cùng nhau chắp vá lại những mảnh ghép đời còn dang dở. Thành lập từ năm 2022, quán trọ nhỏ bé này đã dang tay chở che cho biết bao cụ già từ 60 tuổi trở lên, không người thân thích, chẳng nơi nương tựa...

Clip: Di Anh

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 1.

Sài Gòn bao dung là nhóm thiện nguyện hỗ trợ và cứu giúp những cụ ông, cụ bà neo đơn có được nơi ăn, chốn ở giữa lòng TP.HCM.

Mỗi ngày trôi qua ở thành phố đông đúc này, đâu đó vẫn còn những cụ ông, cụ bà mưu sinh với đôi chân mỏi mệt. Họ làm đủ nghề để gắng gượng kiếm sống – người bán vé số, người bán đồ lưu niệm, bơm xe, cho thuê xe máy… nhưng sau tất cả, họ lại tìm thấy nhau dưới mái nhà chung mang tên Quán trọ Sài Gòn bao dung.

Dẫu mệt nhọc với mưu sinh, nhưng chỉ cần bước qua cánh cửa quen thuộc, họ lại có sẵn một chỗ ngả lưng, một bữa cơm đạm bạc và những câu chuyện ấm lòng bên nhau. "Sài Gòn bao dung" không chỉ cho họ chỗ ở, bữa ăn mà còn trao đi điều quý giá nhất là một gia đình để về, một mái ấm để an tâm sống tiếp quãng đời xế chiều.

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 2.

Ông Dậu tỉ mỉ từng nét vẽ để hoàn thành bức tranh về quán trọ

Ở đây, các cụ không chỉ chia sẻ với nhau từng bữa cơm, manh áo mà còn san sẻ cả niềm vui, nỗi buồn và một chút hy vọng cuối đời. Ai còn khỏe thì cùng nhau làm việc, góp công góp sức duy trì mái ấm này.

Các cụ ông, cụ bà tại đây vẫn làm việc như bán vé số, bán đồ lưu niệm, bơm xe, cho thuê xe máy,... để có thêm kinh phí, đồng thời họ tham gia vào các hoạt động của nhóm để cùng nương tựa nhau sinh sống.

Những bữa cơm nơi đây chẳng cầu kỳ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người. Ai có gì góp nấy, người dân quanh vùng hay tin cũng mang chút rau, miếng thịt đến san sẻ. Gian bếp nhỏ trở thành trái tim ấm áp của Bao Dung, giữ lửa cho những phận người tưởng như đã cạn hy vọng.

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 3.

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 4.

Chiếc tủ đông đầy ắp thức ăn do những người tốt bụng gửi tới quán trọ để bữa ăn thêm đầy đủ

Mở chiếc tủ đông đặt gọn trong gian bếp, bà Nhung hào hứng khoe những món ăn được những người tốt bụng đem đến để giúp đỡ thêm cho những bữa ăn của các ông bà tại quán trọ. "Nào cá, thịt heo, thịt gà... quá trời đồ, nhiều món lắm cô ơi. Mỗi người đem tới một bịch có cả rau củ nữa. Ta nói tới 6h tối cũng có người đem đến cho. Từ chia sẻ bài viết về hoàn cảnh của các ông bà đang sống tại đây là mọi người gửi đến giúp đỡ, cảm động lắm. Tôi không biết nói sao nữa."

Đối với những con người khốn khó này, mỗi suất cơm, mỗi túi gạo là ấm áp biết bao, bởi đằng sau đó là tấm lòng sẻ chia của biết bao người lạ mà hóa quen.

Ông Trần Văn Dậu (68 tuổi) xúc động khi nhắc về nghĩa tình này: "Lúc đăng lên mạng xã hội tôi mới thấy nhận được nhiều sự tốt đẹp, tấm lòng hảo tâm. Những hoàn cảnh ở đây cũng rất neo đơn, nhiều người già cả không có ai chăm sóc. Khi đến đây mọi người đều hòa hợp với nhau. Mình cũng thấy chạnh lòng lắm. Tôi cũng thèm cảm giác được sum họp gia đình lắm nhưng hoàn cảnh như thế rồi."

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 5.

Sau nhiều biến cố trong cuộc sống, bà Nhung nương tựa tại quán trọ, coi đây như gia đình của mình

Nhiều cụ từng trải qua những biến cố nghiệt ngã của cuộc đời, như bà Đào Thị Nhung (65 tuổi). Trong giọng kể ngắt quãng, bà vẫn thấy ấm lòng vì cuối đời còn có nơi để nương tựa: "Cô có chồng năm 19 tuổi, đến 20 tuổi thì sinh con. Con được 1 tuổi bị bệnh, nhưng khi đem vô bệnh viện thì cũng... mất. Chồng ba mấy tuổi cũng chết. Lúc đó Tám ở Cần Thơ, sau đó mới lên Sài Gòn để làm thuê làm mướn. Nhưng lúc Tám đi về quê thì không may gặp tai nạn. Cuộc đời Tám chỉ có vậy thôi đó.

Sau một thời gian mướn nhà ở, Tám có đi ngang qua đây thì chớt nhận ra 'Ô, sao lại có cơ sở chăm sóc người già ở đây'. Sau đó Tám vô hỏi thì gặp người bạn ở Hooc Môn, bảo Tám vào đây đi. Ở đây mình có bạn bè để nói chuyện, có anh em để tâm sự. Tình cảm lắm."

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 6.

Rau xanh được sắp xếp gọn gàng trong gian bếp để phục vụ những bữa ăn hàng ngày của các ông bà

TP.HCM có một “câu lạc bộ tuổi già” đặc biệt: Bán vé số, bơm xe, nấu cơm chung mỗi ngày- Ảnh 7.

Quán trọ Sài Gòn Bao Dung đã hỗ trợ chỗ ở và những bữa ăn cơ bản cho người già, lớn tuổi, giúp họ có một mái ấm trong cuộc sống.

Đối với bà, Sài Gòn Bao Dung chẳng khác nào ngôi nhà cuối cùng của cuộc đời, nơi bà có thể gọi hai chữ “gia đình” bằng tất cả sự biết ơn.

Ông Vũ Đình Ban (67 tuổi) cũng tìm thấy sự an yên muộn màng nơi mái nhà chung này. "Ở đây ai cũng có nỗi niềm riêng. Giờ già rồi mà có một nơi cưu mang mình như vậy mọi người mừng lắm."

Cùng nhau, những người già neo đơn ấy nương tựa nhau vượt qua những ngày tháng cuối đời. Ở Bao Dung, họ không chỉ được sẻ cơm, sẻ áo mà còn được sẻ chia tình thương – thứ mà đôi khi cả một đời người họ vẫn khát khao mà chẳng thể với tới.

Với những người già đang sinh sống tại đây, họ không chỉ có nơi để đi về, để ngả lưng mỗi đêm mà họ như có thêm gia đình. "Sống ở đây mới thấy có những hoàn cảnh còn khổ hơn mình. Mình trải qua rồi mới thấy trân quý và giúp lại cho những người khác. Vào đây tôi bỏ được thuốc lá tôi mừng lắm. Môi trường này khiến tôi sống tích cực hơn", ông Dậu nói. Ở Quán trọ Sài Gòn Bao Dung, những cụ già tóc bạc, lưng còng, từng long đong bươn chải khắp phố phường giờ có thể tựa vai nhau, chia sẻ bữa cơm giản dị và giấc ngủ bình yên. Họ không còn lủi thủi một mình giữa thành phố rộng lớn, vì nơi đây đã trở thành mái ấm – một gia đình thứ hai của những phận người neo đơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày