Bao dung và tha thứ, là cách họ đã chọn để khép lại tất cả những mất mát đớn đau...

Quỳnh trân, Theo Trí Thức Trẻ 07:18 08/10/2016

Có một gia đình mất con vẫn xin miễn xử lý người chở tôn vô tình gây tai nạn. Một cô gái viết thư xin giảm tội cho kẻ chặt tay mình để cướp xe SH. Và một người cha gác bỏ hận thù để xin giảm án cho những thanh niên đoạt mạng con trai mình.

Linh - một chàng trai là cháu đích tôn của dòng họ, từng đoạt nhiều giải thưởng Quốc gia về Toán và Tin học. Trong đêm khuya ở Sài Gòn cách đây 4 năm, vì can ngăn một nhóm thanh niên có ý cự cãi sau khi va quẹt xe với người khác, anh đã bị nhóm thanh niên này đánh tới chết.

Sau khi bà nội của Linh hay tin đã bị ốm nằm liệt giường hơn 10 ngày, rồi cũng ra đi theo cháu. Cùng một lúc gánh hai nỗi đau mất con, mất mẹ, ông Phạm Ðức Lợi (cha của anh Linh) không thể không oán hận những kẻ vô cớ tước đoạt mạng sống con mình. Nhưng rồi, trằn trọc bao đêm, ông quyết định gác bỏ lòng hận thù, nén chặt nỗi đau mất con, đến tham dự phiên tòa để xin xem xét giảm án cho các bị cáo.

"Xử tử hình các bị cáo, con tôi cũng không sống lại được, chúng tôi vẫn không nguôi ngoai được nỗi đau. Xin quý tòa mở lòng nhân đạo, giảm án cho tụi nhỏ, để các bị cáo có cơ hội cải tạo, sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội...", lời cầu xin khẩn thiết và đầy bao dung của người cha năm đó đã khiến những ai có mặt trong phiên tòa gần như chết lặng.

Bao dung và tha thứ, là cách họ đã chọn để khép lại tất cả những mất mát đớn đau... - Ảnh 1.

Các đối tượng giết chết con trai của ông Lợi, được chính ông xin miễn tội chết.

Cách đây 2 năm, người Sài Gòn hoang mang trước thông tin một cô gái bị nhóm cướp chặt tay hòng cướp xe SH giữa đêm khuya. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Q.2, TP.HCM), người phải gánh thương tật vĩnh viễn 47% sau khi bị tướng cướp và đồng bọn tàn nhẫn ra tay. Nhưng rồi khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc với mức án tử hình mà tướng cướp Hồ Duy Trúc phải nhận lấy, chị Thúy đã tự tay viết một lá thư gửi đến Chủ tịch nước, xin giảm án tử hình cho Trúc. 

Bao dung và tha thứ, là cách họ đã chọn để khép lại tất cả những mất mát đớn đau... - Ảnh 2.

Lá thư viết tay của nạn nhân gửi đến Chủ tịch nước.

Trong thư, chị Thúy trình bày rằng tuổi đời Duy Trúc còn quá trẻ, lại có vợ và con thơ, do không nhận thức và hiểu biết về pháp luật nên gây ra tội lớn. Nhưng trước sự hối hận ăn năn của Trúc và gia đình, chị mong Chủ tịch nước xem xét ban cho Trúc một cơ hội, được ân huệ là giảm án tử hình để Trúc còn được cơ hội mà sửa chữa hoàn lương.

"Vì có một đứa bé cần có cha trong cuộc đời sau này. Kính mong Ngài ân xá cho Trúc giảm tội chết", chị Thúy viết trong thư.

Bao dung và tha thứ, là cách họ đã chọn để khép lại tất cả những mất mát đớn đau... - Ảnh 3.

Vì nghĩ đến tương lai của người vợ trẻ và đứa con thơ của Trúc mà chị Thúy đã viết đơn xin ân xá cho tử tù này.

Chuyện nạn nhân hoặc gia đình bị hại cầu xin giảm án cho các bị cáo trước vành móng ngựa vốn là những chuyện tử tế không hề hiếm thấy trong xã hội. Mới đây nhất, người ta lại thêm một lần nữa xúc động khi người lính Vị Xuyên được trở về đoàn tụ với người thân, sau khi phía gia đình em bé tử vong xin miễn án hình sự cho ông.

Một người bạn của tôi từng nói rằng điều khiến anh ám ảnh nhất khi theo dõi diễn tiến của vụ tai nạn thương tâm này, chính là hình ảnh người cựu binh già Đinh Ngọc Bình đứng trước vũng máu của cháu bé 10 tuổi, tay ông cứ chạm nhẹ vào mép tôn sắc bén trên xe mình với dáng vẻ của một người bất lực, bất lực trước số phận của mình và trước cái chết của một đứa trẻ.

Bao dung và tha thứ, là cách họ đã chọn để khép lại tất cả những mất mát đớn đau... - Ảnh 4.

Hình ảnh người lính cựu binh tay vịn vào mép tôn sắt với vẻ bất lực.

Tất cả chúng ta đều cầu mong một cái kết nhân ái để khép lại nỗi đau cho cả hai gia đình. Và điều tử tế cuối cùng đã xuất hiện, khi gia đình của bé trai đã đến với gia đình nghèo của người cựu binh, cùng chia sẻ những mất mát, đau đớn mà số phận trớ trêu khiến hai bên đều phải chịu đựng.

Có lẽ, bao dung là điều mà những người tử tế lựa chọn, để họ viết cho mình một đoạn kết nhân ái, xoa dịu nỗi đau và mất mát cho câu chuyện về chiếc xe chở tôn này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày