Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết sự việc đau lòng này xảy ra với một bệnh nhi 2 tháng tuổi, ngụ TP.HCM.
Theo lời kể từ người nhà, hoàn cảnh gia đình bé rất khó khăn, cha mẹ phải từ TP.HCM xuống Bình Dương làm công nhân. Ban ngày họ làm tối mày tối mặt, tối về thay nhau chăm sóc con.
Khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Tối hôm xảy ra sự việc, bé trai con họ cứ liên tục quấy khóc không chịu ngủ. Dỗ mãi không được, phần vì đi làm cả ngày mệt mỏi nên trong lúc không kiểm soát, người cha đã "chạm nhẹ" vào đầu con.
Đứa bé mới 2 tháng tuổi nên chỉ cần một lực nhỏ của người lớn đã bị chấn thương. Sau hành động bộc phát, người cha hốt hoảng ẵm con đưa đi cấp cứu. Theo lời người cha, lúc đó anh hoàn toàn không uống rượu bia.
Đầu đứa trẻ bị sưng bầm sau tác động của người cha.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi thiếu máu nhiều, lơ mơ, phải thở máy hỗ trợ vì xuất huyết não. Sau khi được truyền máu cũng như hồi sức tích cực hơn 1 tuần, bé trai có thể tự thở, được chuyển sang điều trị tại khoa Ngoại thần kinh 1 tuần.
"Bé đã được cho xuất viện khi tự bú, tự thở được. Dù vậy vẫn cần tái khám để theo dõi các vấn đề về động kinh, di chứng vận động…" – Bác sĩ Mỹ nói.
Ảnh chụp phim cho thấy bé bị xuất huyết não.
Các bác sĩ tại BV kể lại, những ngày con trai nằm viện, cha mẹ bé vô cùng buồn bã. Gương mặt người chồng thể hiện sự hối hận rất nhiều, còn mẹ chỉ im lặng không nói gì. Có lẽ người cha không bao giờ nghĩ mọi chuyện lại diễn tiến tới mức này. Anh chỉ biết cầu mong con đủ sức để hồi phục.
Theo các bác sĩ, thỉnh thoảng BV Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ đi trường mầm non trở về nhà bị sưng bầm mặt, mắt mũi. Một số trẻ vì quá hiếu động, không chịu ăn ngủ, chạy lung tung khiến người lớn đôi khi mất kiềm chế.
Những ngày chăm con ở viện, người cha vô cùng hối hận khiến các bác sĩ cũng thương cảm.
Bác sĩ Mỹ khuyên cha mẹ cần kiên nhẫn và chuẩn bị kiến thức trước khi có con. Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, tâm sinh lý các cháu sẽ thay đổi tùy theo lứa tuổi.
"Thông thường các cháu chỉ quấy khóc khi đói, tã ướt hoặc có gì đó khó chịu trong người. Thay vì nóng giận, khó chịu, hãy bình tĩnh tìm nguyên nhân xem con có bị đói, bị lạnh, bị côn trùng cắn hay quần áo có vấn đề... Nếu vẫn còn quấy khóc liên tục, nên mang tới bệnh viện để kiểm tra vì có thể trẻ đang không khỏe thực sự" – bác sĩ đưa ra lời khuyên.