Mới đây, các cơ quan chức năng huyện Củ Chi, TP HCM đã phối hợp mời bà Lê Thị T. (SN 1959) lên làm việc vì hàng chục người tố cáo bà có hành vi giật hụi. Hay tin bà T. bị công an mời làm việc, nhiều người đã tìm đến trụ sở để tìm hiểu.
Đứng ngồi không yên
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị R., một người chơi hụi, cho biết: "Nghe người quen nói thấy bà T. ở trụ sở công an, tôi tức tốc chạy qua. Sau nhiều ngày lẩn trốn, khi giáp mặt tôi, bà ấy hứa sẽ bán nhà trả".
Những người chơi hụi ở huyện Củ Chi, TP HCM đang đứng ngồi không yên vì bà Lê Thị T.
Bà R. là một trong số hàng chục nạn nhân của bà T. Nhiều ngày qua, bà ăn không ngon ngủ không yên do không liên lạc được với chủ hụi này. Trong đơn tố cáo, bà R. trình bày đã gom tiền của người thân và con cái để chơi 4 dây hụi do bà T. làm chủ. Đến nay, tổng số tiền bà R. góp cho bà T. lên đến 289 triệu đồng.
"Thông qua một người thân, tôi đã chơi 4 dây hụi vì nghĩ nhà cửa chủ hụi bề thế, chồng làm cán bộ trong ấp, chắc không có chuyện gì xảy ra. Khi mất liên lạc với bà T., chúng tôi cũng điên đảo. Giờ không biết phải làm sao vì bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào 4 dây hụi này" - bà R. lo lắng.
Chung cảnh ngộ, bà Phan Thị Đ. (ngụ xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi), một giáo viên nghỉ hưu, đã gom góp tiền lương hưu chơi hụi. Đến giờ, bà chỉ biết nhờ đến công an vì số tiền chơi hụi của gia đình là rất lớn.
Chuyện chủ hụi bỗng dưng "mất tích" không phải xảy ra lần đầu và đã có không biết bao nhiêu gia đình điêu đứng. Dù đã nhiều năm trôi qua, chị Nguyễn Ngọc T.A (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) vẫn không thể quên những năm tháng khó khăn tưởng chừng "không thể sống nổi" khi chủ hụi bỏ trốn, đem theo tất cả tài sản tích góp của chị. Anh Trần Văn N. (ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) sau khi bị giật hụi, tán gia bại sản, phải bỏ quê lên TP HCM mưu sinh. Trước đây, gia đình anh N. kinh doanh vật liệu xây dựng, tham gia nhiều dây hụi của một người cùng xóm. Không những vậy, anh N. còn đứng ra bảo lãnh cho nhiều người cùng chơi.
"Cả gia tài tôi đều đổ vào các dây hụi. Rồi một ngày, chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn khỏi địa phương. Sau nhiều tháng mất tích, chủ hụi trở về trả mỗi tháng 10 triệu đồng, được một thời gian rồi quỵt luôn. Chịu không nổi, tôi phải bán nhà, dẫn vợ con lên TP" - anh N. kể lại.
Mở hụi phải thông báo với địa phương
Trước tình trạng vỡ hụi xảy ra ở nhiều nơi, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 19/2019 quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, các điều kiện chơi, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý các bên.
Theo luật sư (LS) Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM), NĐ 19/2019 quy định rất rõ về độ tuổi được làm chủ hụi và người chơi. Quan trọng hơn, NĐ này quy định rất rõ về việc tổ chức dây hụi phải lập thành văn bản, phải được công chứng, chứng thực khi có các thành viên yêu cầu. Đặc biệt, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp phường - xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại 1 kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.
Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm - VKSND TP HCM, nhìn nhận: "Rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử, chủ hụi lãnh án rất nặng nhưng khả năng thu hồi vốn rất thấp vì khi bỏ trốn, khi bị bắt, phần lớn chủ hụi đều tuyên bố do làm ăn thua lỗ, phá sản. Chính vì vậy, khi tham gia chơi hụi, người dân phải có giấy tờ đầy đủ theo quy định của pháp luật, có giấy giao nhận tiền để khi gặp sự cố, các cơ quan chức năng còn có cơ sở để xem xét, giải quyết".
Nạn nhân phải chứng minh giao dịch
LS Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP HCM, cho rằng việc góp hụi đã hình thành nên thỏa thuận dân sự, có thể xem như một hợp đồng mà các bên phải tuân thủ nội dung đã thống nhất, như: số tiền mỗi lần góp, thời hạn góp, nhận tiền vào cuối kỳ.
Giao dịch này có thể không thể hiện bằng văn bản, chỉ bằng miệng nhưng vẫn có giá trị pháp lý. Chủ hụi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền lẽ ra đến kỳ phải trả là đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, để khẳng định thật sự có giao dịch, nạn nhân phải chứng minh bằng các chứng từ, giấy tờ hoặc tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc nói chuyện…
Nếu chủ hụi gom tiền bỏ trốn thì đây được xem là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điều 175 BLHS). Số tiền chiếm đoạt càng lớn, mức hình phạt càng cao. Nếu số tiền chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Trường hợp chủ hụi "mất tích", nạn nhân cần tập trung lại và gửi đơn tố cáo đến CQĐT công an quận, huyện hoặc công an tỉnh, TP.