Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Osaka phát hiện ra rằng, 87% bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận sau khi sử dụng thực phẩm chức năng men gạo đỏ beni kōji của hãng dược Kobayashi Pharmaceutical và vẫn tiếp tục bị suy giảm chức năng thận ngay cả sau khi ngừng sử dụng.
Phát hiện này dựa trên kết quả cuộc khảo sát 114 bệnh nhân do các bác sĩ thuộc Hiệp hội Bệnh thận Nhật Bản thực hiện. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi lâu dài các bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu do Yoshitaka Isaka - Giáo sư nội khoa trường Đại học Osaka dẫn đầu - đã phân tích dữ liệu từ những bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4/2024. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi tiến trình của 114 bệnh nhân này cho đến đầu tháng 6/2024.
Thực phẩm bổ sung men gạo đỏ (beni koji) của Công ty dược phẩm Kobayashi. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Mặc dù một số bệnh nhân cho thấy sự cải thiện tình trạng ống thận không tái hấp thu được các chất dinh dưỡng thiết yếu như kali và phosphor, nhưng có tới 87% số bệnh nhân trên vẫn có các chỉ số về chức năng thận dưới mức tiêu chuẩn. Điều này xảy ra mặc dù đã 2 tháng trôi qua kể từ khi công ty Kobayashi Pharmaceutical khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng thực phẩm chức năng này.
Nhóm nghiên cứu đã đề cập tới khả năng giảm nephron - các cấu trúc trong thận chịu trách nhiệm lọc chất thải trong máu và tạo ra nước tiểu.
Trong số 102 bệnh nhân đã trải qua sinh thiết thận, 50% có biểu hiện viêm ống thận kẽ, trong khi 32% có dấu hiệu hoại tử ống thận. Việc sử dụng thuốc steroid ức chế miễn dịch - thường có hiệu quả trong điều trị bệnh thận - không cho thấy lợi ích. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng tổn thương thận có thể bắt nguồn từ các cơ chế không liên quan đến bất thường về miễn dịch.
Giáo sư Isaka kết luận rằng cần phải điều tra thêm trong tương lai vì có nhiều bệnh nhân có chức năng thận vẫn bị suy yếu ngay cả sau khi ngừng sử dụng loại thực phẩm chức năng này.