Khu bếp nhà tôi khá nhỏ, nó nằm ở đằng sau phòng tắm. Hình ảnh dưới đây chính là khu vực bàn bếp của nhà tôi, dùng để đựng đồ và đặt bồn rửa bát, phía đối diện sẽ là 1 bàn nhỏ khác để đặt bếp điện và nấu ăn tại đó.
Nghe 2 bàn bếp tưởng là tiện lợi và thoải mái, nhưng vấn đề là kích thước bàn ở nhà tôi lại khá hẹp, trong khi đồ dùng thì nhiều, nhất là các loại thiết bị gia dụng. Thành thử ra tôi buộc phải nghĩ cách để "cơi nới" không gian, nếu không sẽ rất bất tiện khi sinh hoạt.
Tính đi tính lại, tôi cảm thấy thứ duy nhất có thể mở rộng là khu vực bệ cửa sổ. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu thiết kế và vẽ nhiều bản phác thảo khác nhau, từ hình vuông đến hình tròn, từ gắn liền đến tách rời, kiểu nào cũng có đủ. Cho đến bản thảo cuối cùng, tôi đã "chốt" được hình lục giác tổ ong. Ngay sau đó, tôi tìm bìa cứng và bắt đầu chuyển sang công cuộc đo đạc ở khu vực bậu cửa sổ để tính toán chính xác kích thước.
Tôi thiết kế 2 phần nhô có kích thước khác nhau thay vì bằng nhau là có dụng ý. Một bên tôi dùng để đựng máy làm sữa hạt, bên còn lại sẽ dùng để đựng nồi cơm điện. Thành quả đã gần xong, đây chính là bản phác thảo chi tiết về chiếc bàn có thiết kế hình lục giác tổ ong của nhà tôi, chứ không phải bo tròn hay vuông vắn như tưởng tượng ban đầu.
Sau khi hoàn thiện bản phác thảo, tôi gửi cho bên xưởng sản xuất để họ chế tác theo đúng những yêu cầu mà tôi đưa ra. Và đây chính là chiếc bàn đá mà tôi đã bỏ nhiều tâm huyết thiết kế, đồng thời cũng là món đồ giúp "cơi nới" không gian bếp của nhà tôi. Lý do tôi đặc biệt chọn bề mặt bằng đá nhân tạo màu trắng là vì chúng vừa sáng sủa vừa dễ lau chùi.
Khâu lắp đặt cũng không quá khó khăn, tôi chỉ cần khoan lỗ, cố định ống giãn nở, đặt bàn vào và dùng keo kết cấu (loại keo chuyên dụng dành cho bề mặt nội thất và công trình xây dựng) để kết dính chiếc bàn vào khu vực bậu cửa sổ.
Tôi đặt thêm 2 ống PPR để bề mặt bàn thêm phần chắc chắn. 1 ngày sau tôi mới tháo chúng ra vì lúc này bàn đá đã rất kiên cố và bền chặt.
Cuối cùng là chỉ cần đặt lần lượt các thiết bị gia dụng lên trên mặt bàn, tiện lợi cho sinh hoạt và thoáng đãng cho không gian. Vì nhà tôi thường xuyên nấu nướng nên tần suất sử dụng các loại thiết bị là rất đều đặn. Do đó, việc có thêm 1 chiếc bàn "lơ lửng" thực sự thuận tiện trong việc lưu trữ đồ cũng như quá trình nấu nướng của gia đình.
Trên thị trường đúng là không thiếu các loại kệ đựng, nhưng chúng thường có thêm chân bàn, điều này rất vướng víu khi đặt đồ ở dưới gầm, và quan trọng là gần như chẳng có kích thước nào thực sự phù hợp với bậu cửa sổ nhỏ bé của nhà tôi.
Sau khi tôi chia sẻ toàn bộ quá trình thiết kế chiếc bàn lên 1 diễn đàn về nhà cửa, đã có rất nhiều cư dân mạng dành lời khen cho ý tưởng này. Thật vui khi thấy thiết kế bàn đá được mọi người đón nhận, thậm chí một số người còn muốn áp dụng cho gia đình của họ. Dưới đây là một số bình luận tiêu biểu của cư dân mạng tại bài đăng của tôi:
- Thật là mở mang đầu óc. Tôi sẽ suy nghĩ để làm một cái tương tự.
- Tôi rất ấn tượng với khả năng của bạn. Thiết kế này rất độc đáo!
- Chiếc bàn nhỏ nhưng thiết thực. Nếu tôi mua nhà, bạn có thể thiết kế cho tôi được không? ^^
- Tiện quá nhưng tôi không biết vẽ và không có ý tưởng, thôi lại đành đi mua vậy...
Nguồn: Zhiyou