Thời gian gần đây, có 1 nội dung (đúng ra là một số) nội dung trên MXH dạng chia sẻ tâm sự của những bạn trẻ khiến tôi bị sốc khi lướt qua. Trong đó có tâm sự với câu mở đầu như thế này: “Tôi bị cận và giấu bố mẹ suốt nhiều năm”.
“Vì sao đến chuyện bị cận cũng không dám nói với bố mẹ?” - câu hỏi bật ra ngay tức khắc. Điều gì khiến những người trẻ sợ hãi khi phải nói với bố mẹ rằng: “Con không nhìn rõ nữa”?
Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được câu trả lời thực sự.
Bắt đầu là câu chuyện của Minh, 17 tuổi. Nhà Minh không nghèo nhưng bố mẹ luôn bận rộn và nghiêm khắc. Mỗi lần Minh muốn chia sẻ điều gì, mẹ cậu thường gạt đi: “Chuyện nhỏ mà cũng làm phiền bố mẹ”. Minh sợ nếu nói ra, mẹ sẽ mắng cậu vì: “Không biết giữ gìn đôi mắt” hoặc tệ hơn là những câu đe nẹt về chuyện “Hỏng người”, “Tương lai không ra sao”... dù thực tế, cậu chỉ bị cận thị.
Minh kể: “Tôi bị cận và giấu bố mẹ suốt nhiều năm. Tôi bắt đầu đầu nhận ra mắt mình có vấn đề từ năm lớp 8. Dấu hiệu đầu tiên là những dòng chữ trên bảng bắt đầu nhòe đi, tôi chọn cách nheo mắt, ngồi gần bảng hơn, hoặc mượn vở bạn chép bài để ‘sống qua ngày’. Suốt 3 năm đó, tôi đã nhiều lần mượn kính bạn để kiểm tra độ cận đến việc tự mua kính rẻ tiền ngoài tiệm. Đến khi mẹ phát hiện ra, câu đầu tiên bà nói không phải là lo lắng mà là: “Sao mày không nói sớm, để giờ nặng thế này?”.
Nhưng Minh không phải là trường hợp duy nhất, nhiều người trẻ khác cũng thừa nhận mình đã ở trong hoàn cảnh tương tự.
Mỹ Hạnh (20 tuổi, sống ở TP.HCM) luôn được bố mẹ kỳ vọng phải “hoàn hảo”. Là con một, Hạnh lớn lên trong những lời khen về vẻ ngoài xinh xắn và thành tích học tập xuất sắc. Nhưng khi phát hiện mình bị cận năm 16 tuổi, Hạnh hoảng loạn.
“Đã có thời điểm tôi sợ bố mẹ sẽ thất vọng, sẽ cho rằng cận thị là dấu hiệu của sự yếu đuối hay thiếu chăm chỉ. Tôi giấu giếm bằng cách học đêm khuya với đèn bàn mờ, tự tra cứu cách giảm cận trên mạng, thậm chí thử đeo kính áp tròng lén lút. Mỗi lần bố mẹ hỏi: “Mắt con sao đỏ thế?”, tôi chỉ cười trừ: “Chắc tại thức khuya học bài”.
Bí mật kéo dài bốn năm, cho đến khi tôi ngất xỉu vì mệt mỏi và đau đầu do mắt quá yếu. Lúc ấy, bố mẹ mới biết sự thật, nhưng thay vì an ủi, họ lại trách: 'Làm thế này là bất hiếu đấy'. Tôi đã khóc rất nhiều”, Hạnh kể.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình vẫn rất “kì thị” với vấn đề cận thị của Mỹ Hạnh. Cô bạn vẫn không hiểu tại sao bố mẹ mình cho rằng việc cận thị là dấu hiệu của việc kém hoàn hảo, luôn so sánh với những người vừa học cao vừa giữ được mắt tốt, ấm ức lớn đến nỗi Hạnh luôn nghĩ về việc sẽ phẫu thuật chữa cận thị ngay khi cô đi làm và tích luỹ được đủ tiền.
Những câu chuyện như của Minh và Hạnh không phải hiếm. Theo nghiên cứu tâm lý học về mối quan hệ gia đình, hiện tượng người trẻ giấu giếm vấn đề cá nhân, dù nhỏ như cận thị, thường bắt nguồn từ nỗi sợ bị phán xét và thiếu sự thấu hiểu từ bố mẹ.
Nhà tâm lý học John Gottman trong nghiên cứu về giao tiếp gia đình chỉ ra rằng, khi trẻ cảm thấy bố mẹ không tạo ra “không gian an toàn tâm lý” (psychological safety), chúng sẽ chọn cách im lặng thay vì chia sẻ. Không gian an toàn tâm lý là nơi trẻ cảm thấy có thể bày tỏ mà không sợ bị chỉ trích, trách móc hay bị coi là gánh nặng. Khi bố mẹ thường xuyên phản ứng bằng sự phán xét (“Sao mày không cẩn thận?”) hoặc bỏ qua cảm xúc của con (“Chuyện nhỏ, đừng làm to chuyện”), con cái sẽ dần mất niềm tin vào việc chia sẻ.
Nghiên cứu của Đại học Harvard về áp lực gia đình cũng chỉ ra rằng, trong những gia đình có kỳ vọng cao hoặc giao tiếp mang tính kiểm soát, con cái thường phát triển cơ chế tự bảo vệ bằng cách giấu đi những vấn đề cá nhân.
Cận thị, dù chỉ là một vấn đề sức khỏe thông thường, có thể bị người trẻ xem như “lỗi lầm” cần che giấu, đặc biệt khi chúng sợ làm bố mẹ thất vọng hoặc bị so sánh với anh chị em, bạn bè.
Câu hỏi này không chỉ phản ánh nỗi sợ của con cái mà còn đặt ra vấn đề lớn hơn: Gia đình có thực sự là nơi an toàn để chia sẻ?
Trong xã hội hiện đại, áp lực từ công việc và tài chính khiến nhiều bố mẹ vô tình bỏ qua việc lắng nghe con. Họ có thể yêu thương con, nhưng cách thể hiện tình yêu đôi khi lại là kiểm soát, áp đặt hoặc phán xét. Khi con cái cảm thấy bố mẹ không sẵn sàng lắng nghe những điều nhỏ nhặt, ai cũng phải tự hỏi: Nếu nói ra, liệu bố mẹ có hiểu mình không, hay chỉ mắng mình thêm?
Hành trình giấu kín cận thị của Minh và Hạnh phản ánh sự thiếu kết nối trong gia đình. Họ không chỉ sợ bị trách móc, mà sâu xa hơn, họ sợ bị từ chối cảm xúc.
Điều này đặt ra một câu hỏi đau lòng: Nếu gia đình không còn là nơi cảm thấy an toàn để chia sẻ, thì phải tìm sự thấu hiểu ở đâu?
(Ảnh minh hoạ)