Cuối năm học, trong khi các bé còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì các phụ huynh đã rầu rĩ: Giờ ai trông chúng nó đây? Con ở nhà thì đi làm, đi du lịch với công ty kiểu gì? Hay là cho chúng nó về quê...
Nhưng về quê thì ai trông? Chắn chắn là hội ông bà nội ngoại cô dì chú bác chứ chẳng ai khác. Nhưng bây giờ chẳng phải ngày xưa, ai cũng có công việc của người đấy, thậm chí người lớn tuổi cũng áp lực cuộc sống kiếm tiền không kém người trẻ tuổi. Con cái cứ nghĩ rằng trường không mở lớp thì đem con về cho ông bà, cô chú chăm giúp, nhưng có bao giờ đặt câu hỏi ngược lại: Trông trẻ có vất vả không? Bao nhiêu tiền công mới xứng? Liệu cầm đồng tiền ấy có vui vẻ?
Ảnh minh hoạ
Chuyện con cháu trong gia đình là chuyện tế nhị. Nhưng nếu cứ giữ mãi ấm ức trong lòng thì chắc chắn một lúc nào đó sẽ "tức nước vỡ bờ".
Có lẽ nhiều người cũng đang ở trong tình cảnh này: Bối rối không biết gửi con đi đâu vài tháng nghỉ hè, đem về cho ông bà liệu có phải là phương án tốt?
Mới đây nhất, một bài chia sẻ trên MXH đã chạm đúng "tim đen" của nhiều người. Nội dung xuất phát từ 1 tâm sự đầy ấm ức của một người mẹ trẻ, khi có ý định gửi con về quê 2 tháng nhưng chỉ sau 2 ngày đã nhận được "tâm thư" của chị chồng. Nhiều người cũng cảm thấy khó xử trong tình huống này, tuy nhiên, đa số đều vote rằng: Nên tìm trường dạy trẻ xuyên mùa hè cho cháu học, đừng về quê gửi ông bà.
Nguyên văn tâm sự của người mẹ trẻ trong group tâm sự chuyện gia đình như sau:
Chào các chị, em năm nay 28 tuổi, sống ở Hà Nội - lấy chồng Hưng Yên, đã có 1 cháu năm nay sắp lên 3. Cháu học trường công nghỉ hè đâu đó tầm 2 tháng. Thấy ông bà nội với cháu cũng quấn quýt, mỗi lần về quê chơi đều không nỡ để cháu đi, có lần còn khóc lóc. Thế là hè này em nghĩ đến phương án hay đem cháu về cho ông bà trông.
Dù sao sắp tới tháng 6 tới công ty em cũng tổ chức teambuilding ở Hàn Quốc, đi tầm 1 tuần. Từ lúc sinh con đến nay, em chưa có lúc nào được nghỉ ngơi giải stress hoặc đi du lịch nước ngoài. Em cũg rất muốn tham gia. Trong tuần đó em dự định sẽ gửi con về quê cho ông bà nội. Khi ông bà nghe được ý định này thì rất vui, bà nội nói rằng: Con cứ mang nó về đi, ở 2 tháng hết hè rồi lên Hà Nội lại cũng được!
Nghe bà nói vậy em yên tâm lắm. Em với chồng đồng ý đem con về nội 2 tháng, mỗi tháng biếu ông bà thêm 5 triệu coi như là tiền sinh hoạt mua đồ ăn, đồ chơi cho cháu, còn lại ông bà muốn tiêu gì thì tiêu.
Tuy nhiên, vì cháu chưa bao giờ ở một mình với ông bà lâu như thế nên cuối tuần vừa rồi vợ chồng em cho cháu về quê, thử cảm giác ở nhà ông bà nội mà không có bố mẹ trước xem sao. Em đâu có ngờ mọi thứ lại ra tan nát như thế. Chỉ mới 2 ngày sau, em đã nhận được tâm thư gửi qua điện thoại, từng lời lẽ của cô (chị gái của chồng) khiến em choáng váng. Cô là chị cả, chồng em thứ tư trong gia đình. Cô ở sát nhà ông bà hay sang để phụ nấu nước, chăm sóc nhà cửa, năm ngoái bố chồng em đột quỵ, cô ấy cũng là người gánh vác những lúc vợ chồng em ở Hà Nội.
Cô ấy nhắn thế này:
"Em dâu, chị biết em không có ý gì nhưng chị thấy việc em đem con về cho ông bà trông 2 tháng hè là không ổn. Vợ chồng em đừng nghĩ với vài đồng tiền đó là đủ đề ông bà tuổi già đau mỏi nhiều vấn đề còn phải còng lưng chăm cháu.
Đồng ý rằng ông bà nào cũng thương cháu nhưng em cũng phải nhìn thấy những vất vả khi sống cùng với 1 đứa bé. Nó đâu thể tự nấu ăn, đâu thể tự bón ăn, đâu thể tự đi tắm, đi ngủ... chưa kể những lúc ốm sốt quấy khóc? Bố mẹ đã già rồi, tình thương của họ lúc nào cũng vượt lên tất cả, họ không chấp nhận rằng mình đã không còn đủ sức để gồng gánh việc nuôi con hay nuôi cháu đâu. Em đừng nghĩ mẹ đồng ý giữ con cho em là em vô tư mang về nội ngay. Em có thấy mẹ bị thiếu máu não, rối loạn tiền đình hay không? Thử vài hôm mất ngủ vì cháu quấy xem? Chuyện gì sẽ xảy ra...
Chị cũng có gia đình riêng của chị, không thể vì sự thoải mái của gia đình em mà bắt ông bà, cô chú phải gánh vác trách nhiệm mà đáng ra bố mẹ đứa trẻ nên tự lo liệu. Chị cảm thấy việc suy tính của gia đình em không ổn. Em nên bàn lại với chồng về việc gửi con về quê cho ông bà nội. Chị nói ra em có giận, có trách chị cũng chịu thôi. Vì chị không thể gồng gánh thêm việc không phải của mình.
Đừng để cha mẹ già rồi, gồng gánh nuôi mình lớn rồi, giờ lại phải "cõng" thêm cả con mình. Chữ hiếu thảo thấy vậy mà cũng khó để vẹn trò lắm".
Em sốc.
Sốc vì không nghĩ chỉ mới 2 ngày mà gia đình xào xáo ra thế này. Con em rất hiếu động, có lẽ chị ấy không nỡ nhìn bà chăm cháu cực nhọc nên đã sang phụ giúp và cảm thấy mệt mòi...
Dù vậy, chị ấy còn nâng quan điểm về việc hiếu thảo khiến em không thể hoàn toàn đồng tình. Giờ không cho cháu về nội cũng bị nói là để ông bà xa cách cháu, giờ đem về thì bị nói là lợi dụng ông bà. Vậy sống sao cho vừa hả các chị?
Em còn chưa đi du lịch 1 tuần nữa mà đã có biến rồi. Sao ai cũng giành phần hơn, chỉ có em là phải chấp nhận vậy!
Ảnh minh hoạ
Sau khi câu chuyện này xuất hiện lên MXH, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Tuy nhiên, đa phần ý kiến góp ý xây dựng đều cho rằng bà chị bên chồng nói đúng dù có hơi thẳng thắn. Nhưng nói trước đỡ mất công sau này xảy ra những điều không hài lòng, mọi chuyện còn tệ hơn...
Đồng ý rằng quãng thời gian riêng tư sau khi có con là khao khát của nhiều mẹ trẻ nhưng khi quyết định sinh con phải lường trước được việc này, trong giai đoạn từ 1 đến 5 tuổi, trẻ hầu như chưa thể tự lập, phải phụ thuộc vào mẹ hoặc những người xung quanh rất nhiều. Quyết định đem con về gửi ông bà đã già, sức khoẻ lại không đảm bảo, có thể khiến việc chăm sóc cho bản thân người già lẫn đứa trẻ trở thành gánh nặng cho bà cô - chứ không phải người này có ác ý.
Việc đặt ra câu chuyện "hiếu thảo hay không" đã làm người mẹ trẻ chạnh lòng, vì có thể người mẹ đã không lường được tình huống đó, chưa suy nghĩ sâu xa, chỉ vội vàng làm theo đề nghị của ông bà.
Việc đi du lịch nước ngoài trong 1 tuần cũng rất khó sắp xếp nếu không có sự hỗ trợ từ người thân, người chồng bận công việc, không dễ để thay thế vai trò của mẹ. Nhiều phụ huynh hiến kế rằng để được một công đôi việc, người mẹ có thể thuê thêm giúp việc từ bây giờ hoặc đăng ký lớp giữ trẻ xuyên hè để người chồng có thể phụ chăm nom khi bé tan lớp - không thể nghỉ việc để ở nhà coi con.
Một số netizen khuyên người mẹ nên đáp lại chị chồng một lời ý nhị, tinh tế và tự lo liệu việc của mình, đồng thời cũng không nên làm mất lòng ông bà. Có thể hai vợ chồng viện ra lý do gì đó để mang cháu đi mà không làm ông bà sốc sau khi đã hứa hẹn cho cháu về quê 2 tháng.
Việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần của người lớn tuổi cũng rất quan trọng, bên cạnh sức khoẻ về thể chất.
Hiện tại, bài đăng vẫn thu hút lượng bình luận rôm rả từ cư dân mạng. Nhiều gia đình cho biết họ cũng rơi vào cảnh lúng túng tương tự khi con nghỉ hè, đem về quê thì phiền ông bà mà để ở phố thì không ai trông nom.