Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua

Thy Huệ / VTC News, Theo VTC News 15:59 28/12/2022
Chia sẻ

Sau hơn 2 tuần xét xử, sáng mai (29/12), HĐXX sẽ tuyên án Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba.

Sáng 8/12, lực lượng hỗ trợ tư pháp Công an TP.HCM áp giải CEO Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đến TAND TP.HCM chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm. Ngày đầu tiên xét xử, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa công bố cáo trạng vụ án.

Các bị can đều làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện

Theo cáo trạng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba. Sau đó, Luyện giao nhân viên và một số người thân trong gia đình đứng tên làm người đại diện theo pháp luật của các công ty để tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp và bắt đầu hành vi lừa đảo.

Tại cơ quan điều tra, các bị can đều khai nhận làm việc theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, dốc sức tìm cách bán hàng mà không biết gì về pháp lý các dự án.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện

Bị can Trương Thị Hồng Ngọc, Giám đốc Công ty Tia chớp khai, Ngọc đứng tên đại diện theo pháp luật cho công ty. Công ty Tia chớp được thành lập theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện. Thủ tục đăng ký thành lập công ty do bộ phận pháp lý Công ty Alibaba thực hiện, vốn điều lệ đăng ký 20 tỷ đồng nhưng thực tế không có việc góp vốn vào công ty.

Ngọc chỉ đứng tên còn việc quản lý, điều hành hoạt động của Công ty Tia chớp được thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện và Công ty Alibaba. Ngọc được Luyện chỉ đạo thực hiện việc đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mua của người dân. Nguồn tiền mua đất của Công ty Alibaba và do Công ty Alibaba trực tiếp thanh toán cho các hộ dân.

Bị can Bùi Minh Đức làm việc cho Công ty Alibaba từ 6/3/2017 với mức lương 34 triệu đồng/tháng, đến tháng 7/2018 Đức được bổ nhiệm làm Phó TGĐ phụ trách kinh doanh. Tháng 3/2019, bị can Đức được Luyện thông báo bằng văn bản chuyển qua làm Phó TGĐ phụ trách đầu tư. Theo chỉ đạo của Luyện, Đức ký hợp đồng mua bán và đứng tên chủ quyền, sau đó ký ủy quyền lại cho Công ty Tia chớp để phân lô bán nền.

Bị can Nguyễn Văn Kiên khai, từ tháng 7/2018, Kiên được Ban TGĐ và bộ phận văn phòng luật của Công ty Alibaba chỉ định làm giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Spartaland. Kiên không tham gia góp vốn vào công ty mà chỉ được bộ phận pháp lý của Công ty Alibaba đưa ký các thủ tục liên quan, tất cả giấy tờ pháp nhân và con dấu Công ty Spartaland đều do bộ phận pháp lý của Công ty Alibaba giữ.

Bị can Trang Chí Linh khai, từ tháng 5/2019, Linh giữ chức vụ Phó TGĐ phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba. Linh được giao phụ trách ký kết các hợp đồng với khách hàng mua dự án của công ty, nhận ký các ủy quyền từ các công ty con làm chủ đầu tư dự án để Công ty Alibaba ký hợp đồng với khách hàng. Ngày 23/11/2018, Linh và Công ty Spartaland có ký giấy ủy quyền, mục đích để Công ty Alibaba được phân phối đất nền tại dự án Alibaba Phú Mỹ Central City. Hợp đồng này được soạn sẵn và đưa ký theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện.

Bị can Bùi Minh Đức khai, Đức được nhận vào làm việc tại Công ty Alibaba từ 6/3/2017 với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tháng 7/2018, Đức được Nguyễn Thái Luyện ký quyết định bổ nhiệm làm Phó TGĐ phụ trách kinh doanh. Tháng 3/2019, Đức tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó TGĐ phụ trách đầu tư. Bộ phận của Đức quản lý gồm 13 người, chủ yếu phụ trách mảng xây dựng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 2.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 3.

Các bị can khai đều làm theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện.

Từ tháng 7/2018, Đức được giao nhiệm vụ đại diện pháp luật kiêm TGĐ Công ty TL Land. Về pháp nhân, thực tế toàn bộ việc thành lập, điều hành cũng như việc góp tiền thành lập Công ty TL Land đều do Nguyễn Thái Luyện thực hiện, không ai góp bất cứ khoản tiền nào để thành lập. Toàn bộ hồ sơ pháp lý và con dấu công ty đều do bộ phận pháp lý, bộ phận kế toán thuộc Công ty Alibaba quản lý dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện.

Nhóm cổ đông tham gia thành lập Công ty Chiến Binh Thép khai, không ai có nhu cầu thành lập công ty, tất cả đều là nhân viên của Công ty Alibaba. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, họ phải đứng tên góp vốn thành lập công ty để hoạt động độc lập tham gia phát triển dự án của Công ty Alibaba. Hồ sơ việc thành lập công ty do bộ phận pháp lý Alibaba chịu trách nhiệm đăng ký. Bản chất Công ty Chiến Binh Thép chỉ là công ty con của Công ty Alibaba, mọi vấn đề hoạt động vẫn do Công ty Alibaba chịu trách nhiệm và Nguyễn Thái Luyện quản lý, điều hành, chỉ đạo...

Tin nhân viên Alibaba, người bán nhà, kẻ cả dòng họ ly tán

Ông Đào Văn Chiến (58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) kể, năm 2018, đang ngồi với bạn ở một quán nước tại TP Thủ Đức, ông được một nhân viên môi giới của Công ty Alibaba tới bắt chuyện. Sau khi giới thiệu bản thân, nhân viên này bắt đầu giới thiệu về Công ty Alibaba và các dự án công ty đang triển khai, mời chào ông Chiến mua đất nền.

Là người khá thận trọng từ trước đến nay, ông Chiến khéo léo từ chối. Bị từ chối, nhân viên này vẫn một mực xin bằng được số điện thoại của ông với lý do "sau này có dự án tốt hơn sẽ báo chú". Để không bị làm phiền cuộc trò chuyện với bạn, ông Chiến đành cho số điện thoại để qua chuyện.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 4.

Ông Đào Văn Chiến (58 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM).

"Tôi chỉ cho số điện thoại thôi, thế mà mấy hôm sau nhân viên đó tìm được nhà tôi mới khiếp. Người đó đến nhà, cùng vài người khác nữa, họ mang theo sơ đồ phân lô dự án để giới thiệu. Lúc đó ở nhà tôi còn có mấy anh chị em tới chơi", ông Chiến nói.

Anh chị em của ông Chiến gồm 5 người, đều đã có gia đình riêng, kinh tế không mấy khá giả, còn phải ở nhà thuê. Ông Chiến là người hiểu biết hơn trong nhà, tài chính cũng ổn nhất. Nghe lời mồi chài của mấy nhân viên Công ty Alibaba, ông Chiến đã một mực từ chối, đồng thời can ngăn các anh chị em. Song, ông vẫn bất lực.

"Tôi can lắm, nhưng không được. Chú em tôi lúc đó ở nhà trọ, tài sản được vài ba trăm triệu, thấy họ giới thiệu đất nền ở Bà Rịa - Vũng Tàu giá cũng hợp lý quá nên nhất quyết mua. Kiểu là ở trọ lâu quá rồi, khát khao có được miếng đất làm nơi an cư, nên lúc đó quyết tâm lắm. Chú ấy một mực nhờ tôi đứng tên mua, còn nói là nhỡ có bị lừa thì chú ấy chịu", ông Chiến kể lại.

Cứ thế, các anh chị em khác của ông Chiến cũng lần lượt gom góp tiền bạc, vay mượn đủ đường nhờ ông Chiến đứng tên mua đất. Tổng cộng, mấy anh em của ông mua 8 lô, đã đóng đủ 95% với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Đến năm 2019, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và các nhân viên lần lượt bị bắt. Công an kết luận Công ty Alibaba lừa đảo, các dự án đều là dự án "ma". Hay tin, ông Chiến và mấy anh em như chết đứng.

"Ly tán hết rồi, bỏ nhà, bỏ cửa đi hết rồi, có 2 người thì ly hôn luôn rồi. Mấy anh em cũng không trách tôi, nhưng họ tự trách mình, rồi số xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng xử sao cho hợp tình hợp lý, nếu được thì cứ giao đất đó cho người dân, chứ chúng tôi khổ quá", ông Chiến rầu rĩ.

Bước đi không còn vững, tóc phủ bạc hết đầu, cụ ông Hứa Minh Mẫn (92 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) run rẩy ôm bộ hồ sơ mua "đất ma" của Công ty Alibaba đứng một góc tại TAND TP.HCM.

Cụ nói, năm 2019, sau khi nghe nhân viên Công ty Alibaba quảng cáo, cụ quyết định bán căn nhà đang ở để gom tiền mua đất nền cho 2 người con. Với 2 lô đất ở dự án Khu đô thị Bàu Cạn Riverside Long Thành, số tiền cụ đã đóng cho giai đoạn đầu lên tới gần 400 triệu đồng.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 5.

Cụ Hứa Minh Mẫn (92 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM).

Sau khi bán nhà, cụ chuyển qua ở trọ, mong đến ngày nhận đất để cất nhà ở cùng các con.

“Hồi đó họ quảng cáo thấy cũng hợp lý, con của cụ cả 2 đứa đều ở nhà thuê nên cụ cũng muốn có chút đất cho 2 đứa. Tiền không có, cụ chỉ biết các bán nhà thôi, mà bán nhà cũng được có mấy trăm thôi”, cụ Mẫn thở dài.

Đến hiện tại, dù số tiền đã đóng ở Công ty Alibaba là tiền bán nhà, không phải vay mượn, nhưng cụ Mẫn vẫn lo lắng những ngày tháng tiếp theo sẽ sống trong nợ nần. Bởi mỗi tháng, cụ đều phải đóng tiền nhà, tiền điện nước…

Cùng cảnh ngộ, cụ bà Bùi Thị Thanh Thảo (77 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngồi thẫn thờ ở hàng ghế đầu dành cho các bị hại tại phiê tòa. Ôm tập hồ sơ là những hợp đồng mua đất nền 12 lô đất tại rải rác các dự án của Công ty Alibaba, bà Thảo nói "đây là thành quả của việc dễ tin người" .

Lục lại ký ức 4 năm trước, bà Thảo không nhớ rõ bằng cách nào Minh, cậu thanh niên bà không hề quen tìm được nhà bà. Bà chỉ nhớ, hồi đó Minh 19 tuổi, biết bà ở một mình, có vài phòng trọ cho thuê và sức khỏe không mấy tốt. Ban đầu, Minh tới bắt chuyện với bà, thấy Minh bằng tuổi mấy đứa cháu lại nói chuyện có duyên nên bà cũng không ngần ngại mà tiếp chuyện.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 6.

Bà Bùi Thị Thanh Thảo (77 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM).

"Cái người nhân viên đó đến nhà chăm sóc bà kỹ lắm. Anh ta đi chợ, nấu cơm, rửa chén, rồi giặt đồ cho bà. Thấy sức khỏe bà không tốt nên cái gì cũng làm hết...", bà Thảo kể lại.

Dần dà, khi thấy bà Thảo đã đủ tin tưởng, Minh giới thiệu bản thân đang làm ở Công ty Alibaba. Minh nói, công ty đang bán nhiều dự án tốt lắm, mua để dành hay đầu tư thì lợi nhuận đều rất cao.

Không nghĩ một đứa trẻ lại đi lừa bà cụ bệnh tật như mình, bà Thảo tin tưởng mà đi gom tiền đầu tư. Các hợp đồng của bà Thảo đều thực hiện dưới dạng đầu tư lấy lãi, lãi suất 2%/tháng. Với 12 lô đất, tổng số tiền bà đầu tư là gần 1,7 tỷ đồng.

"Tiền đó là tiền đi vay, chứ bà làm gì mà có nhiều tiền như vậy. Giờ bà vẫn còn nợ người ta 700 triệu đồng, lãi 5%/tháng... Bệnh tai biến của bà phải đi bệnh viện thường xuyên, nhưng may là có bảo hiểm hỗ trợ nên cũng đỡ chút. Sáng nay bà đón Grab một mình đi đến đây nên hơi trễ", bà Thảo nói.

Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận tội lừa đảo

Trong phần xét hỏi tại phiên sơ thẩm sáng 9/12, bị cáo Nguyễn Thái Luyện thừa nhận mình là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp, giá mua theo khung giá do mình chỉ định. Vị trí đất do Luyện định hướng, chỉ khi Luyện đồng ý thì Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, Giám đốc tài chính Công ty Aibaba) mới yêu cầu nhân viên lập phiếu chi (tiền mặt) hoặc uỷ nhiệm chi (chuyển khoản) tùy theo yêu cầu của người bán.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 7.

Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận tội lừa đảo

Luyện cũng là người yêu cầu, chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, người duyệt khi lên sơ đồ lô, thửa đất, giá cả hàng hóa khi bán cho khách hàng.

Thế nhưng, bị cáo Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Luyện khẳng định bản thân không lừa đảo và cho rằng nội dung cáo trạng có nhiều điểm không đúng sự thật.

Bị cáo Luyện cho rằng, bản thân không quảng cáo gian dối, không chiếm đoạt tiền của ai, không phân lô trái pháp luật. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có quy hoạch rõ ràng. Việc phân lô bán nền được Luyện chỉ đạo các nhân viên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều khách hàng chỉ muốn nhận lại đất, không nhận tiền

Trong phần xét hỏi các bị hại ngày 12/12, dù vụ án được nhiều luật sư đánh giá khá phức tạp, tỷ lệ đòi lại tiền hoặc đất sẽ mất khá nhiều thời gian, thế nhưng một số bị hại vẫn khăng khăng chỉ muốn nhận lại đất mà không nhận tiền.

HĐXX hỏi một bị hại có yêu cầu gì? Một bị hại nói muốn lấy lại lô đất mà mình đã mua. HĐXX tiếp tục hỏi người này có muốn tòa án giải quyết cho lấy lại số tiền không, bị hại này trả lời: "Không, tôi chỉ muốn nhận đất thôi!".

Tương tự, một bị hại khác trả lời trước tòa: “Tôi yêu cầu nhận lại đất. Dù đất nông nghiệp tôi cũng nhận, tôi không đồng ý phương án nhận tiền”.

Nhiều khách hàng chỉ muốn nhận lại đất, không nhận tiền.

Bên cạnh một số bị hại khăng khăng chỉ nhận đất, nhiều bị hại khác mong muốn nhận đất hay tiền đều được, miễn sao lấy lại được tài sản.

Cụ thể, bị hại Lê Thị Phương Hoa mua đất nền tại 2 dự án của Công ty Alibaba với tổng số tiền hơn 480 triệu đồng. Trước khi ký hợp đồng mua đất, bà Hoa được nhân viên dẫn đi xem dự án nhưng thấy xung quanh toàn là rừng. Dù lo lắng, nhưng lập tức được nhân viên công ty trấn an nên bà vẫn tin tưởng xuống tiền. Hiện bà Hoa mong muốn lấy lại đất, nếu không được thì lấy lại tiền.

"Tôi muốn lấy lại đất... nếu không được tôi hy vọng sẽ được hoàn trả đầy đủ số tiền mà tôi đã đưa cho công ty của bị cáo Luyện", bà Hoa trình bày.

Bị hại Ninh Thị Bích Thu đầu tư gần 4 tỷ đồng cho 10 lô đất tại các dự án của Công ty Alibaba. Bà Thu có yêu cầu 1 phần lấy đất, 1 phần lấy tiền.

Bị hại Đoàn Tố Nhi mua đất tại 2 dự án của Công ty Alibaba với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Bà Nhi yêu cầu lấy lại tiền vốn và tiền lãi 3 năm qua vì thời điểm ký hợp đồng với Công ty Alibaba có yêu cầu nếu công ty không làm được sổ đỏ sẽ trả lãi cho khách hàng 30%.

Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị tù chung thân

Sáng 19/12, sau nhiều ngày xét hỏi các bị hại, HĐXX bắt đầu phần luận tội.

Theo HĐXX, mặc dù Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng thủ đoạn rất tinh vi. Luyện đã huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp tác kinh doanh, mua bán dự án không có thật để chiếm đoạt tiền của hàng nghìn khách hàng, do đó cần phải có mức án nghiêm khắc.

Sau bản luận tội, đại diện VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, các bị cáo khác đều bị đề nghị mức án từ 12 - 20 năm tù.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị đề nghị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,12 - 14 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,10 - 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung bị đề nghị là 30 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền

VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại với hơn 2.400 tỷ đồng. Buộc Võ Thị Thanh Mai nộp lại 13 tỷ đồng đã thu lợi bất chính.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba trong hơn 2 tuần qua - Ảnh 9.

Sáng mai 29/12, HĐXX sẽ tuyên án Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm.

Trong 2 ngày bào chữa (19 - 20/12), các luật sư đại diện cho các bị cáo luôn cho rằng, mức án đề nghị của VKSND là quá nghiêm khắc, chưa thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Các luật sư cũng trình bày quan điểm rằng, các bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ phạm tội vi phạm quy định về sử dụng đất. Do đó, luật sư và các bị cáo đồng loạt xin được giảm mức án so với mức án VKSND đề nghị.

Đối đáp những quan điểm của luật sư và các bị cáo, ngày 21/12, đại diện VKSND khẳng định vẫn giữ nguyên mức án đã đề nghị trước đó đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và 22 đồng phạm.

Nguyễn Thái Luyện xin nhận hết trách nhiệm dân sự thay các nhân viên

Ngày 22/12, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm nói lời sau cùng trong phiên sơ thẩm. Về trách nhiệm dân sự, Luyện khẳng định mình là người nhận toàn bộ trách nhiệm. Do đó, Luyện xin HĐXX không xem xét trách nhiệm dân sự với những bị cáo khác là nhân viên của mình.

"Có thể HĐXX vẫn cứ xem xét rằng tôi có tội thì trách nhiệm đó tôi nhận. Bản thân tôi không xin xỏ gì về chuyện của tôi, trách nhiệm dân sự tôi xin nhận hết... mong Chủ toạ xem xét cho các bị cáo", Nguyễn Thái Luyện nói.

Về trách nhiệm hình sự, Luyện mong HĐXX xem xét cho các nhân viên của mình được hưởng mức án tù hợp lý để họ có thể làm lại cuộc đời.

"Các bị cáo khác cũng chỉ vì tin tưởng lời của bị cáo, thực tế các bị cáo này không biết gì hết, không hưởng lợi”, Luyện nói.

Ngoài ra, Luyện xin HĐXX không cho tiêu huỷ 20 thỏi kim loại màu vàng mà trước đó giám định không phải là vàng. Về việc thực sự số kim loại trên có phải vàng hay không, Luyện xin không ý kiến. Lý do Luyện đưa ra để xin không tiêu hủy do trong hộp đựng chúng, còn có nhiều giấy tờ quan trọng, có giá trị, cần giữ lại.

Tất cả bị cáo còn lại khi nói lời sau cùng đều bày tỏ hối hận. Các bị cáo xin được HĐXX giảm mức án và gửi lời xin lỗi đến gia đình, khách hàng. Trong tất cả 23 bị cáo của vụ án, duy chỉ Nguyễn Thái Luyện không xin giảm mức án cho mình.

Sau hơn 2 tuần xét xử với các phần tranh luận, đối đáp, luận tội và nghị án. Dự kiến, sáng mai (ngày 29/12), HĐXX tuyên án Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm vụ Công ty Alibaba.

Việc tuyên án cũng như bản án sau khi tuyên án sẽ được trực tuyến và niêm yết trên kênh thông tin điện tử của TAND TP.HCM.

TAND TP.HCM thông báo cho người tham gia tố tụng biết để theo dõi việc tuyên án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày