Sùng Bầu (tên thật: Sùng Thị Bầu, SN 2002) hiện sở hữu 759k follow trên TikTok. Cô được mệnh danh là "bà trùm" miến dong với thương hiệu Miến dong Sùng Bầu.
Tiktoker Sùng Bầu nổi tiếng với thương hiệu Miến dong Sùng Bầu
Nhờ cách truyền thông gần gũi, chất lượng sản phẩm được giới thiệu kỹ lưỡng cùng câu chuyện thương hiệu gắn liền với đồng bào vùng cao, miến dong Sùng Bầu nhanh chóng tạo được tiếng vang và sự tin tưởng từ người tiêu dùng trên khắp cả nước. Thống kê cho thấy, miến dong Sùng Bầu từng xếp top đầu thị trường trên các sàn thương mại điện tử sau 18 tháng khởi nghiệp, ước tính doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, mới đây, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội đã khiến tên tuổi của TikToker này trở thành tâm điểm tranh cãi. Mọi thông tin đến giờ mới chỉ dừng ở mức xôn xao, chưa được Sùng Bầu xác nhận bởi từ lúc drama bùng nổ tới giờ, cô chưa lên tiếng chính thức. Trong khi người tố cô đã lên khá nhiều clip về sự việc, thẳng thắn có, bóng gió có.
Mọi chuyện bắt đầu khi một người đàn ông tên P. (Điện Biên) tự nhận là bên cung cấp miến dong cho Sùng Bầu. Cụ thể, khi được hỏi miến mà người này bán có phải là miến dong Sùng Bầu hay không, ông P. tự tin trả lời "miến của nhà mình là miến chuyên cung cấp cho Sùng Bầu nên miến của nhà mình và miến của Sùng Bầu là 1. Sùng Bầu chỉ là đại lý cho nhà mình".
Tiếp đó, người đàn ông này còn công khai giá bán của miến nhà mình là 45k khiến nhiều người đã tràn vào kênh tiktok Sùng Bầu công kích cô bán giá gấp đôi, lợi dụng sự tin yêu của cộng đồng mạng thu lại khoản lợi nhuận lớn. Trên các sàn TMĐT, miến dong Sùng Bầu hiện được rao bán với giá 100-110k/1kg.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lại lên tiếng bảo vệ Sùng Bầu, chê trách hành động của ông P. Bởi việc nhập hàng rồi bán với giá chênh lệch cao là chuyện bình thường trong kinh doanh, vì để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Sùng Bầu phải mất rất nhiều các chi phí khác như: Phí cố định (phí hoa hồng cho sàn TMĐT), phí sàn, phí vận chuyển, vận hành và đóng gói, phí huỷ đơn hàng…
Hơn nữa, giá 45k là giá khi Sùng Bầu nhập hàng số lượng lớn, thực tế nếu mua lẻ tại cơ sở sản xuất nhà ông P. thì cũng không có giá 45k như lời ông này chia sẻ.
Bên cạnh đó, sản phẩm mà Sùng Bầu bán là sản phẩm chất lượng và nhiều người mua hàng cho cô không chỉ vì muốn ăn miến dong - mà còn bởi tình cảm yêu thương, ủng hộ cho câu chuyện truyền cảm hứng của nữ TikToker.
Mọi việc chưa ngã ngũ thì mới đây, ông P. tiếp tục lên thêm rất nhiều clip khác, nói về sự "lật lọng" của Sùng Bầu. Người đàn ông này cho biết, Sùng Bầu là khách hàng quan trọng của xưởng sản xuất, thường nhập với số lượng lớn. Mới đây, nữ tiktoker đề nghị ông đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất, cô sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Theo lời ông P, vì tin vào lời hứa, ông P đã đẹm sổ đỏ đi vay ngân hàng, mở rộng quy mô với tổng số vốn lên tới gần 15 tỷ. Tuy nhiên, sau đó, Sùng Bầu yêu cầu điều chỉnh giá nhập miến, chỉ chấp nhận lấy hàng với mức giá thấp hơn.
Ông P. không chấp nhận bởi đồng nghĩa với việc giá bán thấp là phải cân đối lại chi phí sản xuất, sản phẩm làm ra sẽ không đảm bảo chất lượng. Ông không chấp nhận việc đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.
Được biết, hiện tại Sùng Bầu đã ngừng hợp tác, dẫn tới lượng miến tồn đọng tại xưởng rất lớn. Ông P. cho biết bản thân đang rất lo lắng bởi bên cạnh khoản nợ của gia đình, xưởng sản xuất của ông còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác. Hành động ép giá rồi chấm dứt hợp tác của Sùng Bầu đã khiến gia đình ông gặp thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Hiện tại, sự việc vẫn đang thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận và chưa có phản hồi chính thức từ phía TikToker Sùng Bầu về những cáo buộc của ông P. Trong khi đó, những luồng ý kiến trái chiều vẫn tiếp tục chia rẽ cộng đồng mạng.
Vụ việc không chỉ đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh online của các KOLs, mà còn phản ánh mặt trái của những mối quan hệ hợp tác không có ràng buộc pháp lý rõ ràng. Liệu đây là một vụ "lật lọng" trong làm ăn, một chiến lược kinh doanh thiếu đạo đức, hay chỉ đơn giản là mâu thuẫn trong thương thảo hợp đồng giữa hai bên?
Người theo dõi vẫn đang chờ đợi một lời giải thích rõ ràng từ người trong cuộc, cũng như hy vọng câu chuyện sẽ là bài học đáng giá về niềm tin, trách nhiệm và sự minh bạch trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt hiện nay.