Tò mò về núi lửa vừa được công nhận là con người

Lộc Liên, Theo Tiền Phong 12:03 03/02/2025
Chia sẻ

Ngọn núi lửa mang tên Taranaki ở New Zealand vừa được công nhận là pháp nhân, sau khi một đạo luật trao cho ngọn núi này mọi quyền và trách nhiệm của một con người.

CNN cho biết, Đạo luật được thông qua hôm 30/1, trao cho núi lửa Taranaki tất cả các quyền của một con người như thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Tư cách cá nhân của nó có tên là "Te Kāhui Tupua" và luật coi là "một tổng thể sống động và không thể chia cắt". Tư cách này bao gồm Taranaki cùng với các đỉnh núi và vùng đất xung quanh, kết hợp với tất cả các yếu tố vật lý và siêu hình của chúng.

Được biết, núi lửa Taranaki - hiện được gọi với tên Taranaki Maunga - là ngọn núi cao thứ hai ở Đảo Bắc của New Zealand với độ cao 2.518m, vốn là một địa điểm du lịch, đi bộ đường dài và trượt tuyết nổi tiếng.

Việc được công nhận là con người sẽ hỗ trợ việc bảo vệ núi Taranaki tốt hơn. Bởi ngọn núi 120.000 năm tuổi này đang trở thành điểm đến thu hút ngày càng đông khách du lịch, nhất là sau khi Lonely Planet xếp nơi này nằm trong top các địa điểm đáng ghé thăm nhất vào năm 2016.

Tò mò về núi lửa vừa được công nhận là con người- Ảnh 1.

Núi Taranaki ở New Zealand được cấp các quyền hợp pháp như một con người. Ảnh: Getty.

Theo tìm hiểu, ngọn núi lửa Taranaki đã ngừng phun trào kể từ năm 1775 và hiện “đang ngủ yên”. Đây là ngọn núi lửa hình thành một cách hoàn hảo nhất của New Zealand và là một trong những ngọn núi lửa hình nón đối xứng nhất trên thế giới.

Debbie Ngarewa Packer - đồng lãnh đạo Đảng chính trị Te Pāti Māori - cho biết, quyền con người của ngọn núi nhằm mục đích duy trì "sức khỏe" và phúc lợi của nó. Chúng sẽ được sử dụng để ngăn chặn việc bán cưỡng bức, khôi phục các mục đích sử dụng truyền thống của nó và cho phép thực hiện công tác bảo tồn bảo vệ động vật hoang dã bản địa phát triển mạnh ở đó.

8 bộ tộc Māori ở địa phương và chính phủ sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm bảo vệ ngọn núi thiêng Taranaki .

Được biết, từ lâu những người trong bộ tộc Māori đã coi ngọn núi như tổ tiên hay thành viên ruột thịt trong gia đình. Vì thế, bất cứ ai có hành vi lạm dụng hay phá hoại Taranaki sẽ được xem như làm hại người trong bộ tộc. Điều này tương tự như con sông Whanganui được trao quyền là một cá nhân hợp pháp hồi tháng 1/2017.

Theo CNN, Lonely Planet
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày