"To-do-list" không thể bỏ qua dành cho học sinh lớp 12 trong tháng 3 này

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 13/03/2021

Tháng 3 với học sinh là tháng chớm hè, nhưng riêng với các sĩ tử lớp 12 thì đây chính là giai đoạn “chạy đà”, chuẩn bị cho đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học vào tháng 4, trước khi chính thức bước vào kỳ thi quyết định.

Dưới đây là "to-do-list" không thể bỏ qua dành cho sĩ tử trong thời điểm quan trọng này!

Tập trung học tập nhưng không quên ôn tập

Học tập vẫn là "nhiệm vụ số 1" do các bạn vẫn chưa kết thúc học kỳ 2 lớp 12. Tuy nhiên, các bạn cũng nên bắt đầu chuẩn bị một kế hoạch ôn tập "dài hơi" cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - gồm những môn đăng ký thi, những môn thế mạnh để xét tuyển đại học... Phân bố thời gian cụ thể, có thể kết hợp vừa học vừa ôn, không nên đợi "nước đến chân mới nhảy". Những kiến thức rơi vào giai đoạn học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cần được lưu ý nhiều hơn, ôn tập kỹ hơn để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

To-do-list không thể bỏ qua dành cho học sinh lớp 12 trong tháng 3 này - Ảnh 1.

Kết hợp tự học với ôn tập theo nhóm có thể giúp ôn tập hiệu quả hơn

Ngoài ra, do học kỳ 2 lớp 12 rơi vào giai đoạn vừa học vừa ôn khiến các bạn không thể "dồn toàn lực" học tập, những thí sinh muốn xét tuyển học bạ cũng có thể sử dụng điểm học kỳ 1 lớp 12 và hai học kỳ của lớp 11 để đăng ký xét tuyển. Năm 2021, một số trường đại học xét tuyển học bạ 3 học kỳ như Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), hoặc xét 5 học kỳ (thêm 2 học kỳ lớp 10) như Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF)...

To-do-list không thể bỏ qua dành cho học sinh lớp 12 trong tháng 3 này - Ảnh 2.

Nhiều thí sinh chọn "giữ vé" đại học bằng cách xét học bạ 3 học kỳ tại HUTECH

Tìm hiểu cụ thể các ngành học hợp sở thích

Hẳn nhiên là để xét tuyển hiệu quả, các bạn không chỉ cần điểm tốt mà còn cần chọn được ngành học hợp sở thích, đúng sở trường. Chia sẻ trong chương trình tư vấn "Your Future - Your Choice" (do Tạp chí Giáo dục TP.HCM và HUTECH tổ chức), TS. Tô Nhi A - chuyên gia tâm lý khuyên thí sinh nên dựa vào 4 yếu tố gồm năng lực, đam mê, điều kiện tài chính và thông tin ngành học để chọn ngành phù hợp nhất.

To-do-list không thể bỏ qua dành cho học sinh lớp 12 trong tháng 3 này - Ảnh 3.

TS. Tô Nhi A (áo đỏ) giới thiệu 4 căn cứ để chọn ngành gồm năng lực, đam mê, tài chính và thông tin ngành học

Cụ thể, các bạn có thể dựa vào kết quả học tập, tổ hợp môn sở trường, các bài test năng lực, tham khảo ý kiến ba mẹ, thầy cô để hiểu rõ năng lực bản thân. Đối với đam mê, các bạn có thể hình dung qua mức độ yêu thích đối với các môn học, các hoạt động ngoại khóa (tình nguyện, văn nghệ, thể thao...). Về tài chính, cần xác định được khả năng đầu tư khi học đại học (nguồn lực từ gia đình, khả năng làm thêm, học bổng...). Cuối cùng là tìm hiểu thông tin ngành học như chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp. Có thể tìm các thông tin này ở các website hướng nghiệp, trang tư vấn của các trường đại học, cẩm nang hướng nghiệp của các nhà xuất bản uy tín.

"Check profile" trường đại học, nắm chắc các phương thức xét tuyển phù hợp

Sau bước chọn ngành, thí sinh nên lập danh sách các trường đào tạo nhóm ngành mình yêu thích. Thông thường, với cùng một ngành, mỗi trường sẽ có định hướng đào tạo riêng gắn liền với một số thế mạnh nhất định. Ví dụ như ở HUTECH là trường đại học đa ngành (gồm 50 ngành đào tạo), định hướng chung là mô hình đào tạo thực tiễn theo hướng ứng dụng, kết hợp thế mạnh cơ sở vật chất khá hiện đại và kết nối doanh nghiệp chặt chẽ, giúp sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế ngay từ trên giảng đường.

To-do-list không thể bỏ qua dành cho học sinh lớp 12 trong tháng 3 này - Ảnh 4.

Sinh viên Công nghệ thông tin HUTECH ứng tuyển trong một Ngày hội việc làm ngay tại trường

Một số yếu tố khác mà các bạn nên quan tâm là môi trường đào tạo (có nhiều hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm không), cơ hội nghề nghiệp, cơ hội tham gia giao lưu quốc tế... và nhất là phương thức xét tuyển. Năm 2021, hầu hết các trường đều áp dụng đồng thời nhiều phương thức, ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn có xét điểm thi đánh giá năng lực, xét học bạ 3 kỳ (hoặc 5 kỳ), xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn... Tìm hiểu cụ thể điều kiện xét tuyển của từng phương thức sẽ giúp thí sinh chủ động chọn được các phương thức phù hợp nhất với năng lực của bản thân, nâng cao cơ hội trúng tuyển.

Xây dựng lối sống "healthy" để học tập, thi cử hiệu quả

Sức khỏe luôn là chìa khóa quan trọng để bạn giải quyết hết những công việc trên đây. Sắp sửa bước vào mùa thi cử căng thẳng, các sĩ tử càng nên chú ý đến sức khỏe của mình bằng cách ngủ đủ giấc, ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, bổ sung trái cây và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày... Tất nhiên là còn đến vài tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 mới chính thức diễn ra, nhưng cơ thể bạn cũng cần một khoảng thời gian kha khá để thích nghi với đồng hồ sinh học mới, nên tốt nhất là "chạy đà" lành mạnh ngay từ thời điểm hiện tại đi thôi!

Duy trì các thói quen tốt như chơi thể thao, xen kẽ học tập với thư giãn vừa phải cũng là cách giúp đầu óc minh mẫn để học tập hiệu quả trong thời gian dài. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở nhiều nơi vẫn còn phức tạp, đừng quên thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng nữa nhé!