Lên kế hoạch ra sao để chi tiêu hàng tháng nằm trong tầm kiểm soát là bài toán nhiều người trẻ đang phải đối diện nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời. Thậm chí, có một số bạn trẻ đã phải vay mượn để chi tiêu vì bỗng 1 tháng mọi thứ trong nhà đều hết và họ không có kế hoạch dự phòng cho tình huống này.
Ngọc Linh (23 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa mới đây đã có 1 tháng 3 vô cùng chật vật khi phải chi tiêu gấp đôi so với bình thường để mua những món đồ đang thiếu trong nhà. "Bỗng dưng 1 ngày đèn trần nhà mình hỏng mất 2 cái, máy lọc nước cũng không thể sử dụng được, điều hoà cần phải bơm khí và vệ sinh để chuẩn bị vào mùa hè. Không chỉ dừng lại ở đó, hợp đồng wifi nhà mình cũng đến lúc phải gia hạn, thông thường mình sẽ nộp 6 tháng/ lần để được tặng thêm 1 tháng".
Cô bạn ước tính mình đã chi gần 6 triệu, tức là nửa tháng lương chỉ để sửa những máy móc, món đồ đã bị hỏng trong nhà. Cụ thể: 300 nghìn đồng để thay 2 bóng đèn, 3 triệu để sửa máy lọc nước cũng như thay lõi lọc, 1,3 triệu gia hạn hợp đồng wifi và 1 triệu để bơm hơi, vệ sinh cho điều hoà.
"Mình đang ở trong căn hộ đi thuê cùng em gái học đại học, do vậy toàn bộ những chi phí trong nhà đều do mình chi trả. Tiền thuê nhà có gia đình hỗ trợ nên mình chỉ trả 3,5 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau những khoản chi trên cùng tiền thuê nhà, mình chỉ còn 2,5 triệu để chi tiêu cho những khoản mục khác. Thành thật mà nói mình đã phải rút khoản tiền tiết kiệm để chi trả cho tháng 3".
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Cũng giống như Ngọc Linh, Thảo Nhi (25 tuổi, nhân viên văn phòng) thường xuyên rơi vào tình trạng bỗng dưng có 1 tháng phải chi tiêu nhiều hơn mà không có kế hoạch trước. "Kỳ lạ là dường như tất cả mọi thứ trong nhà, đặc biệt là sản phẩm dưỡng da và đồ trang điểm. Mình thường xuyên phải chi đến 3,4 triệu/ lần để mua các sản phẩm này trong cùng 1 tháng. Mỗi lần như vậy, chi tiêu của mình gần như bị xáo trộn, có tháng còn phải mượn tiền bạn bè mới cầm cự đến cuối tháng".
Thu nhập hàng tháng của Thảo Nhi khoảng 8 triệu, nếu trừ đi 3-4 triệu để mua đồ dùng cá nhân, cô bạn gần như khó có thể xoay xở để chi trả chi phí sinh hoạt tháng đó. Dù mỗi tháng cô bạn đều lên kế hoạch để mua sắm sao cho không bị vượt quá ngân sách, những tháng có chi phí phát sinh cao vẫn khiến Thảo Nhi vô cùng đau đầu.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Sau trải nghiệm phải cân đo đong đếm đầy "đau đầu" vào tháng 3, Ngọc Linh đã quyết định sẽ không chỉ lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng mà phải tính toán xa hơn. "Sau tháng 3, mình luôn để riêng 500 nghìn đồng/tháng cho khoản mục gọi là dành cho trường hợp bất ngờ. Bởi vì nếu không có kế hoạch chuẩn bị tiết kiệm trước, mình có thể dễ dàng bị rơi vào tình trạng chi tiêu cực kỳ cặn kẽ 1 lần nữa. Việc đó thật sự khiến cho tâm trạng mình trong tháng 3 khá tệ, áp lực tiền bạc đè nặng trên vai".
Bên cạnh đó, Ngọc Linh cũng tính toán lên kế hoạch mua sắm cũng như bảo trì nội thất và các đồ dùng trong nhà thường xuyên hơn. Cụ thể, nếu có món đồ nào đó như máy lọc nước đã lâu không bảo trì, cô bạn sẽ lên kế hoạch để gọi thợ đến kiểm tra. Việc lên kế hoạch và giãn những lần bảo trì ra cũng giúp cô bạn "dễ thở" hơn trong tài chính. Đồng thời, cô bạn cũng kiểm tra lại những hoá đơn trả theo đợt như wifi, các tài khoản xem phim nghe nhạc để không bị động trong việc lên kế hoạch trả hoá đơn hàng tháng.
Đối với Thảo Nhi, cô bạn cũng cố gắng dành ra khoản tiền tiết kiệm hàng tháng nhiều hơn, hạn chế chi tiêu tự thưởng. Khi có tiền tiết kiệm, ít nhất cô bạn sẽ không rơi vào trạng thái phải vay mượn bạn bè mới có thể "sống sót" trong tháng đó. Ngoài ra, Thảo Nhi cũng hình thành thói quen kiểm tra đồ dùng trong nhà để có thể liên tục bổ sung các sản phẩm, tránh trường hợp tất cả mọi thứ đều hết cùng 1 lúc.