Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ "wa": Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp

Negroni, Theo Helino 09:10 23/12/2019
Chia sẻ

Nghĩ nhanh sống vội sẽ dễ khiến con người có những quyết định sai lầm. Lúc này, chữ "hòa" sẽ khiến con người bình tâm, thanh thản và tìm lại được sự an ổn.

Wa - khái niệm hòa hợp của người Nhật

Sự hòa hợp có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi tại Nhật Bản. Cho dù đó là những đường nét trên các công trình kiến trúc hay cách thức sắp xếp có trật tự trong một bữa ăn, hoặc món ăn trên đĩa cũng đều tập trung vào sự hòa hợp. Điều đó được định hình qua chiều dài lịch sử phong phú đi cùng những truyền thống lâu đời, nó cũng là tất cả các khía cạnh của pháp luật và phong tục Nhật Bản.

Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ wa: Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp - Ảnh 1.

Trong môi trường gia đình, xã hội hay kinh doanh, wa nhấn mạnh vào sự phụ thuộc lẫn nhau, hợp tác và kiên nhẫn đối kháng. Đó là lý do tại sao Nhật Bản thường được coi là nền văn hóa tránh xung đột, thậm chí đối với một số người, Nhật Bản là một đất nước thiếu quyết đoán, dè dặt hoặc thận trọng.

Việc đạt được wa rất quan trọng đối với các giá trị xã hội của Nhật Bản. Trong khi văn hóa phương Tây có thể coi điều này là đạo đức giả, nhưng người Nhật hiểu rằng việc vượt lên trên cảm xúc cá nhân vì lợi ích xã hội nói chung có nghĩa rằng bạn là một công dân tốt.

Nguồn gốc của sự hòa hợp

Sự cô lập về địa lý của Nhật Bản, địa hình đồi núi và thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên đòi hỏi sự hợp tác giữa nông dân, những người này đã dựa vào nhau để duy trì hệ thống tưới tiêu cần thiết để trồng lúa và các loại cây trồng khác. Để tồn tại và phát triển, nông dân phải làm việc cùng nhau và đặt nhu cầu của cộng đồng nông nghiệp lên trên chính họ thì mới có thể duy trì được năng suất lao động. Sự hòa hợp, không đơn giản chỉ là một khái niệm mà nó còn cần thiết cho sự sống còn.

Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ wa: Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp - Ảnh 2.

Khế ước xã hội không chính thức giữa nông dân đã được chính thức hóa cho xã hội Nhật Bản khi Hoàng tử Shotoku Taishi đưa vào Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản: "Wa nên được coi trọng. Khi cấp trên hòa hợp với nhau và cấp dưới thân thiện, thì các vấn đề sẽ được thảo luận một cách lặng lẽ và quan điểm đúng đắn về các vấn đề sẽ chiếm ưu thế."

Sự hòa hợp trong thần đạo, trà đạo, ẩm thực và trang phục

Cùng tồn tại hòa hợp với nhiên nhiên được gọi là Thần đạo. Người Nhật thấy rằng mọi sinh vật đều có linh hồn và do đó chúng nên nhận được sự tôn trọng. Khi thiên nhiên có được sự tôn trọng xứng đáng, con người sẽ phát triển hơn. Người ta tin rằng tôn trọng thiên nhiên sẽ thúc đẩy cây trồng khỏe mạnh hơn và thậm chí có thể khiến sức khỏe và khả năng sinh sản của con người tốt hơn. Mặc dù đất nước này có nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau nhưng thực hành Thần đạo vẫn chiếm ưu thế mạnh mẽ.

Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ wa: Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp - Ảnh 3.

Sự hòa hợp cũng được thể hiện trong nền văn hóa ẩm thực của người Nhật. Nghệ thuật ẩm thực Washoku đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003. Washoku không chỉ biểu thị cho món ăn Nhật Bản mà còn tượng trưng cho tính chất hài hòa của ẩm thực Nhật Bản. Sự hài hòa của các nguyên liệu tươi kết hợp với một vài gia vị chủ yếu đơn giản tạo nên phần lớn các món ăn Nhật Bản.

Tinh thần của trà đạo cũng được nhắc đến với 4 điều sau: Wa (hòa thuận) chỉ sự có đi có lại, Kei (tôn trọng) chỉ về sự nhận thức vai trò và trách nhiệm cá nhân của mỗi người, Sei (tinh khiết) chỉ một cam kết để giữ gìn sự toàn vẹn xã hội và Jaku (yên tĩnh) chỉ sự tận hưởng khoảnh khắc yên bình.

Không chỉ trong lời ăn tiếng nói, người Nhật cũng mang cả sự hòa hợp vào trong trang phục truyền thống. Bộ lễ phục Kimono của Nhật Bản còn được gọi là Hòa phục. Hay mới đây, khi Nhật hoàng mới lên ngôi đã công bố tên triều đại mới là Reiwa (Lệnh Hòa).

Wa đã phát triển từ một hợp đồng xã hội thành nền tảng giá trị của Nhật Bản

Trong văn hóa phương Tây, nơi mà việc nói lên suy nghĩ của bạn và giải quyết những khác biệt trực diện được xem là đúng với bản thân của một người, thì khái niệm wa có vẻ đã cổ hủ. Nhưng nhìn theo một cách khác, những người thích thúc đẩy sự hòa hợp của một cộng đồng hơn lợi ích cá nhân của anh ta là một phẩm chất độc đáo trong xã hội tôn thờ chủ nghĩa cá nhân ngày nay.

Người Nhật vẫn duy trì sự hòa hợp trong gia đình, trường học hoặc nơi làm việc. Để xã hội hoạt động hài hòa, mọi người cần quan tâm, yêu thương, tôn trọng người khác và ngược lại. Người Nhật tôn trọng văn hóa tập thể, hay nói cách khác, họ sẽ ưu tiên mong muốn và nhu cầu của nhóm thay vì từng cá nhân.

Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ wa: Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp - Ảnh 4.

Người Nhật, ở một mức độ nhất định, sẽ tuân theo khái niệm này để "giữ thể diện", không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cả những người họ yêu thương như gia đình, bạn bè.

Điều đó cũng là để thể hiện sự tôn trọng đối với danh tiếng của công ty nơi mà họ làm việc. Gây rối có thể khiến cho một cá nhân bất lợi và dẫn đến những điều xấu hổ, căng thẳng không chỉ cho một người mà còn cho rất nhiều người. Và đó là việc làm mà người Nhật thường hay tránh.

Tinh thần của nước Nhật gói gọn lại trong một chữ wa: Giá trị cốt lõi đến từ sự hòa hợp - Ảnh 5.

Xã hội hiện đại đang khiến con người bị cuốn đi một cách nhanh chóng, cũng khiến cho cảm xúc con người bất biến khó lường. Làm việc nhanh chóng, suy nghĩ nhanh chóng, sống vội sẽ dễ khiến con người có những quyết định sai lầm. Lúc này, chữ "hòa" sẽ khiến con người bình tâm, thanh thản và tìm lại được sự an ổn.

(Theo culturallyours)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày