Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm

Lam Chi, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 10:34 02/07/2025
Chia sẻ

Một chiến dịch truy quét toàn cầu của Interpol đã đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm với giá trị lên tới 65 triệu USD.

Chiến dịch Pangea là một hoạt động được Interpol tổ chức hàng năm, kể từ năm 2008. Chiến dịch này có mục đích truy quét hoạt động buôn bán dược phẩm bất hợp pháp, bao gồm thuốc không được phê duyệt sử dụng và thuốc giả, trên chợ thuốc online.

Thông thường, Chiến dịch Pangea kéo dài trong 1 tuần. Nhưng năm nay, Chiến dịch Pangea 17 đã có sự thay đổi khi kéo dài tới 6 tháng, từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025. Interpol đã phối hợp với 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để thực hiện chiến dịch truy quét này.

Theo thông cáo báo chí của Interpol vào ngày 25/6, trong Chiến dịch Pangea 17, cơ quan này đã tịch thu được hơn 50,4 triệu sản phẩm dược phẩm bất hợp pháp trị giá 65 triệu USD. Cảnh sát đã bắt giữ 769 nghi phạm và triệt phá 123 nhóm tội phạm buôn bán dược phẩm bất hợp pháp trên toàn thế giới. Theo Interpol, số lượng bắt giữ và tịch thu của Chiến dịch Pangea năm nay là con số kỷ lục trong lịch sử 17 năm tổ chức chiến dịch này. Qua đó, Interpol đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn buôn bán dược phẩm bất hợp pháp trên toàn cầu.

Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm- Ảnh 1.

Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm- Ảnh 2.

Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm- Ảnh 3.

Những sản phẩm thuốc giả, thuốc không được phê duyệt sử dụng bị tịch thu trong Chiến dịch Pangea 17. (Ảnh: Interpol)

Sự nguy hiểm của thuốc giả, thuốc không được phê duyệt sử dụng 

Interpol thống kê, 4 loại thuốc đứng đầu danh sách bị tịch thu là thuốc hướng thần, thuốc chống lo âu, thuốc điều trị bệnh Parkinson và thuốc điều trị rối loạn cương dương. Tiếp theo là các loại thuốc steroid đồng hóa (phiên bản tổng hợp của hormone nam giới testosterone), thuốc chống tiểu đường, sản phẩm cai thuốc lá, thuốc điều trị bệnh da liễu, thực phẩm chức năng, sản phẩm thảo dược và thuốc điều trị tâm lý.

David Caunter, Giám đốc Phòng chống tội phạm có tổ chức và mới nổi của Interpol, cho biết: “Thuốc giả và thuốc không được phê duyệt sử dụng là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Các loại thuốc này có thể chứa những thành phần nguy hiểm hoặc bất hợp pháp, có khả năng gây ra bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong cho con người”.

Vị giám đốc này nói thêm: “Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến đã giúp những loại thuốc không an toàn này dễ dàng tiếp cận người dân hơn, đồng thời mở ra cơ hội mới cho các mạng lưới tội phạm khai thác”. 

Cảnh báo của Interpol về tình trạng tự ý dùng thuốc

Hoạt động truy quét lần này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với thuốc chống tiểu đường và thực phẩm bổ sung peptide do tình trạng tự ý dùng thuốc ngày càng tăng. 

Nhu cầu này được thúc đẩy đẩy bởi việc quảng cáo và cung cấp rộng rãi các loại thuốc nêu trên trên mạng xã hội và các thị trường trực tuyến, tạo ra cơ hội sinh lợi nhuận cho các mạng lưới tội phạm bán các sản phẩm kém chất lượng hoặc giả mạo.

Dữ liệu từ các quốc gia tham gia chiến dịch cho thấy, tình trạng lưu hành thuốc chống tiểu đường bất hợp pháp ngày càng tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ. Tình trạng này đến từ tác dụng giảm cân không theo chỉ định của thuốc. Đây là những loại thuốc không được phê duyệt và có khả năng là thuốc giả. 

Theo ước tính, một cây bút semaglutide (bút tiêm giảm cân thuộc nhóm chất đồng vận GLP-1) có thể được bán với giá vài trăm USD trên thị trường thứ cấp. Loại bút này được quảng cáo có tác dụng giảm cân “thần kỳ”, không cần tập luyện hay ăn kiêng. Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều cơ quan quản lý y tế tại nhiều quốc gia đã cảnh báo những rủi ro sức khỏe mới về loại thuốc tiêm có liên quan tới GLP-1.

Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm- Ảnh 4.

Tịch thu thuốc chống tiểu đường tại Bắc Ireland (Vương quốc Anh). (Ảnh: Interpol)

Chiến dịch Pangea năm nay còn cho thấy một xu hướng mới nổi khác: nhu cầu ngày càng tăng đối với các chất bổ sung peptide với lợi ích về thẩm mỹ hoặc tăng cường hiệu suất, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập cao tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Những chất bổ sung này, chẳng hạn như BPC-157, ipamorelin và melanotan, vẫn chưa được chấp thuận ở nhiều khu vực do những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe và thiếu các thử nghiệm đầy đủ trên người. Cho đến gần đây, các vụ bắt giữ các chất hoạt tính sinh học gốc peptide như vậy vẫn rất hiếm.

Những con số nổi bật khác của Chiến dịch Pangea 17

Theo thống kê của Interpol, các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới đã tiến hành 1.728 cuộc điều tra và ban hành 847 lệnh khám xét nhằm vào các mạng lưới tội phạm tham gia phân phối dược phẩm bất hợp pháp. 

93% dược phẩm bị thu giữ là sản phẩm không có sự phê duyệt sử dụng theo quy định từ các cơ quan y tế quốc gia. Các sản phẩm này có thể chứa các nguyên liệu giả, kém chất lượng chưa được xác định. 7% số dược phẩm còn lại đã được xác nhận là hàng giả hoặc hàng dán nhãn sai.

Kỷ lục: Đột kích hàng nghìn đường dây buôn bán thuốc giả tại 90 quốc gia, tịch thu 50,4 triệu sản phẩm- Ảnh 5.

Phát hiện dược phẩm bất hợp pháp trong một container tại Ethiopia. (Ảnh: Interpol)

Chiến dịch Pangea 17 cũng đã đóng cửa khoảng 13.000 trang web, mạng xã hội tiếp thị và bán thuốc bất hợp pháp hoặc thuốc giả. 

Chiến dịch Pangea 17 có sự tham gia của các cơ quan quản lý y tế quốc gia, Europol, Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế, Viện An ninh Dược phẩm, Liên minh xuyên quốc gia chống buôn bán bất hợp pháp, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm, Liên minh Bưu chính Thế giới, Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.

(Nguồn: Interpol)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày