Ngày 22/11, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả cho biết vừa cứu sống thành công một bệnh nhân nữ L.T.D (59 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả) bị ngộ độc thuốc chống trầm cảm.
Được biết, thời điểm nhập viện, nữ bệnh nhân trong trạng thái giảm ý thức nhiều, gọi hỏi không trả lời, khoảng nửa tiếng sau thì chuyển sang hôn mê sâu, thở máy.
Qua hỏi bệnh, gia đình bệnh nhân D. cho biết người bệnh được phát hiện mắc bệnh trầm cảm, đang uống thuốc Amitriptyline theo kê đơn của bệnh viện chuyên khoa. Khi gia đình phát hiện bệnh nhân trong tình trạng không tỉnh táo nên đã đưa đến Bệnh viện cấp cứu.
Nghi ngờ đây là trường hợp ngộ độc thuốc nặng, bệnh nhân được các bác sỹ đặt nội khí quản cấp cứu, thở máy kiểm soát, an thần chống co giật, rửa dạ dày, than hoạt hấp phụ, kiềm hoá nước tiểu, theo dõi điện tâm đồ liên tục trên moniter…
Những giờ đầu điều trị, bệnh nhân xuất hiện nhiều cơn co giật mạnh toàn thân, rối loạn nhịp tim nguy hiểm đe doạ ngừng tim. Đến nay, sau khi được Bệnh viện điều trị hồi sức tích cực đã qua cơn nguy kịch, rút được ống nội khí quản, tự thở khí phòng, ăn uống khá. Hỏi lại bệnh nhân và gia đình kiểm tra lại lọ thuốc thì thấy rằng bệnh nhân đã tự uống gần hết 1 lọ Amitriptyline 10mg (khoảng 100 viên). Đến hôm nay, bệnh nhân đã được ra viện.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo, thuốc Amitriptyline là thuốc dùng để điều trị bệnh trầm cảm theo kê đơn của bác sỹ. Tuy nhiên, cần có sự thận trọng trong việc sử dụng thuốc; phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ. Gia đình có người bệnh trầm cảm cần có sự theo dõi và hỗ trợ đối với việc dùng thuốc của người bệnh, đề phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra do uống quá liều.
Trầm cảm là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc. Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Bệnh ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần.
Bệnh trầm cảm phổ biến đến mức, có đến 80% dân số trên thế giới từng bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời mình. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 - 25%. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến hơn ở nữ giới hơn nam giới. Hội chứng này có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.
Trầm cảm là bệnh cần được quan tâm và điều trị. Ở bệnh nhân thể nhẹ, bệnh nhân có thể chưa cần phải dùng đến thuốc và tình trạng không quá nguy hiểm. Nhưng trên hết, người bệnh cần nhận được sự quan tâm của gia đình và người thân và cả bác sĩ để hỗ trợ khắc phục tình trạng này. Nếu không được điều trị kịp thời, trầm cảm có thể tồi tệ hơn, dẫn đến những hành vi nguy hại tới tính mạng của người bệnh.