Tin mừng với thế giới: Hổ Nepal đang hồi sinh, số lượng tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ

J.D, Theo Helino 11:54 25/09/2018

Đây thực sự là một tin đáng mừng, nhất là khi hổ Bengal tại Nepal đang được xếp vào hạng mục nguy cấp trong sách Đỏ.

Hổ Bengal tại Nepal từ lâu đã được IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) xếp vàng hạng nguy cấp trong Sách Đỏ, thậm chí có thời điểm còn gần chạm mốc cực kỳ nguy cấp.

Chính phủ Nepal và các nhóm bảo tồn động vật hoang dã đã phải rất nỗ lực để bảo vệ loài vật này. Những sắc lệnh mới được đưa ra, những chiến lược bảo tồn hiệu quả hơn xuất hiện. Và đến nay, mọi chuyện đã có kết quả rồi.

Tin mừng với thế giới: Hổ Nepal đang hồi sinh, số lượng tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ - Ảnh 1.

Theo như một khảo sát mới đây thì số lượng hổ hoang dã tại Nepal hiện đang là 235 cá thể - nhiều hơn gần gấp đôi so với con số 121 được ghi nhận vào năm 2009. 

Các nhà bảo tồn đã sử dụng đến 4000 máy ghi hình, cùng 600 con voi để di chuyển hơn 2700km trên cao nguyên Nepal để có được những con số này. 

"Đây là kết quả của nỗ lực chung từ chính phủ và cộng đồng địa phương, nhằm bảo vệ môi trường sống của hổ, cũng như ngăn chặn nạn săn trộm," - Man Bahadur Khadka - tổng giám đốc Sở công viên quốc gia và bảo tồn động vật hoang dã Nepal cho biết. 

Phá rừng, thay đổi môi trường sống và săn trộm là 3 lý do chính khiến số lượng hổ Bengal trên toàn châu Á bị sụt giảm. Bởi vậy nên năm 2010, Nepal cùng 13 quốc gia khác đã ký hiệp định bắt buộc phải tăng gấp đôi số lượng hổ trên quốc gia của mình cho đến năm 2022.

Tin mừng với thế giới: Hổ Nepal đang hồi sinh, số lượng tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ - Ảnh 2.

Đây là một con số đáng mừng, nhưng trên thực tế vẫn chưa thấm vào đâu. Năm 1900, có hơn 100.000 con hổ sinh sống trên phạm vi toàn thế giới. Vậy mà hơn 100 năm sau thì chỉ còn khoảng 3.200 con sót lại. Mãi đến năm 2016, WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) mới có được tin vui khi xác định được số lượng hổ đã tăng lên lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ.

Theo tiến sĩ Ghana Gurung - đại diện của WWF tại Nepal, thì đây là một ví dụ điển hình và đáng học hỏi dành cho công cuộc bảo tồn hổ trên phạm vi toàn cầu. "Mỗi con hổ đều đáng giá, cho Nepal và cho toàn thế giới," - Gurung chia sẻ.

"Dĩ nhiên là vẫn còn một chút nữa mới đạt mốc tăng gấp đôi số hổ vào năm 2022, nhưng đây là cột mốc đáng nhớ để chúng tôi tiếp tục làm tốt hơn trong tương lai."

Tham khảo: Daily Mail