Tin được không, miếng dán như Salonpas này có thể cứu được mạng người

Thanh Lê, Theo Helino 12:37 27/02/2018
Chia sẻ

Chỉ vài năm trước, hẳn không ai trong chúng ta tưởng tượng được rằng một miếng dán mỏng dính như Salonpas có thể giúp bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ.

Vừa qua ở buổi họp của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS), các nhà nghiên cứu công bố một loại miếng dán mỏng như băng cá nhân, có tác dụng cảm ứng được chuyển động của các cơ và dây thanh quản.

Nghe thì có vẻ như rất tầm thường, nhưng thực ra những thông tin này lại cực kỳ quan trọng. Nó giúp các bác sĩ theo dõi và chẩn đoán cho bệnh nhân. Tất cả đều dựa trên tính hiệu quả của các cách điều trị khác nhau với các bệnh nhân đột quỵ.

Tin được không, miếng dán như Salonpas này có thể cứu được mạng người - Ảnh 1.

Đột quỵ não, hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh lý hệ thần kinh cực kỳ nguy hiểm và để lại những di chứng tàn tật vĩnh viễn lên bệnh nhân.

Hiện nay, có đến 65% các bệnh nhân sống sót qua cơn đột quỵ có vấn đề trong việc nhai nuốt, với khoảng 1/3 trong số đó nói chuyện rất khó khăn. Và cách truyền thống để theo dõi họ là sử dụng một microphone có chức năng ghi âm.

Tin được không, miếng dán như Salonpas này có thể cứu được mạng người - Ảnh 2.

Có đến 65% các bệnh nhân sau đột quỵ có vấn đề trong việc nuốt, khiến cho việc ăn uống trở nên rất khó khăn. Chứng này có tên y học là dysphagia.

Tuy vậy, các thiết bị mới này nhìn chung đáng tin cậy hơn microphone thông thường trong việc theo dõi các bệnh nhân đột quỵ. Đơn giản là vì, chúng dò theo chuyển động của các mô, thay vì chỉ ghi lại âm thanh.

Ở cả micro thông thường, khả năng thu lẫn tạp âm là hoàn toàn có thể. Nhưng phát minh mới lại có đặc trưng "không thu lại tiếng ồn xung quanh", theo lời của tác giả John Rogers - kỹ sư sinh học tại ĐH Northwestern (Mỹ). "Ngay cả khi bạn ở ngay kế bên động cơ máy bay thì cũng sẽ chẳng thấy ghi lại trên tín hiệu."

Tin được không, miếng dán như Salonpas này có thể cứu được mạng người - Ảnh 3.

Những miếng dán mỏng dính này có thể giúp theo dõi tình trạng của các bệnh nhân đột quỵ, ngay cả sau khi họ xuất viện.

Dưới sự phát triển của đội ngũ Rogers, thiết bị cảm ứng này có pin sạc đến tận 12 tiếng, và có khả năng tải được thông tin cảm ứng đến điện thoại thông minh. Hiện tại, các nhà nghiên cứu còn đang thử nghiệm chúng lên các bệnh nhân bị chứng đột quỵ, để thay đổi thiết kế sao cho chúng trở nên thân thiện với người dùng hơn.

Nhóm của Rogers nhận ra rằng các bệnh nhân thường không thích đeo các thiết bị cảm ứng quá dễ thấy. Bằng cách thêm nhiều cảm ứng hơn, bệnh nhân có thể dán những thiết bị này ở vị trí thấp hơn một chút dưới cổ, và giấu chúng dưới áo mà thông tin thu được vẫn không bị ảnh hưởng.

Rogers cũng nói rằng các thiết bị cảm ứng trên cũng giúp theo dõi quá trình phục hồi của bệnh nhân ung thư cổ, những người hay gặp khó khăn khi nhai nuốt và nói chuyện sau quá trình xạ trị và phẫu thuật. 

Ngoài ra, chúng còn có thể được sử dụng để đo nhịp thở, nhịp tim, giúp chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, và hỗ trợ bệnh nhân ngủ ngon hơn. Rogers dự đoán công nghệ này sẽ được sử dụng rộng rãi trong vòng 1 - 2 năm tới.

Tin được không, miếng dán như Salonpas này có thể cứu được mạng người - Ảnh 4.

Trong tương lai, thiết bị này có thể giúp các bệnh nhân ung thư cổ có nhiều chuyển biến phục hồi tích cực hơn.

Nguồn: Pharmaceutical journal
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày