Ngoài đại dương xa xôi kia, con người đã tìm ra những loài cá hết sức đặc biệt, và một trong số đó chính là cá mặt trời (cá thái dương - sunfish) - hay còn gọi là cá Mola.
Vì sao đặc biệt ư? Vì chúng có một vẻ ngoài rất kỳ quái, với các đường viền gồ ghề đậm chất nghệ thuật như bước ra từ một cuốn truyện tranh vậy. Chúng là loài cá xương cứng (bony fish) nặng nhất thế giới, với trọng lượng lên đến cả tấn - tức là vượt xa phần lớn các loài cá mập hiện nay.
Một điểm đặc biệt khác của cá mặt trời là khả năng sinh sản nhiều đến mức khó tin - có thể đẻ tới 300 triệu trứng/lần - nhiều nhất trong số các loài động vật có xương sống.
Câu chuyện ở đây là cá mặt trời vốn có 3 loài, trong đó loài cuối cùng được tìm thấy cách đây 125 năm. Tuy nhiên mới đây theo như ghi nhận từ National Geographic, khoa học đã tìm ra một loài mới thuộc dòng cá này, qua đó xác nhận cá mặt trời có tới 4 loài chứ không phải 3.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu từ ĐH Murdoch (Úc) do Marianne Nyegaard đứng đầu đã theo dõi và phân tích hơn 150 mẫu ADN của cá mặt trời. Họ kết luận rằng chắc chắn có đến 4 loài khác nhau trong dòng cá này, nhưng mới chỉ có 3 được phân loại. Nói cách khác, một loài cá mặt trời mới đã được tìm thấy.
Chỉ có một vấn đề duy nhất ở thời điểm ấy, là không ai biết loài cá mới này trông như thế nào, vì họ không biết các mẫu ADN của loài cá mới đến từ đâu. Và để... vinh danh sự bí ẩn này, họ đặt tên cho loài cá mới là Mola tecta (tecta có nghĩa là "ẩn giấu" trong tiếng Latin).
Tuy nhiên, cuối cùng thành quả đã được đền đáp. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, năm 2014 Nyegaard đã nhận được tin rằng có một xác Mola tecta đã dạt vào bờ biển Christchurch (New Zealand).
"Khi tôi nhìn thấy con cá mặt trời mới lần đầu tiên, đó là một sự phấn khích tột độ." - Nyegaard chia sẻ.
Nyegaard và con cá kỳ lạ
Cô đã ngay lập tức nhận ra nhiều điểm khác biệt của con cá ấy so với phần lớn cá mặt trời khác. Con cá này có vẻ ngoài không quá phức tạp và kỳ quái như họ hàng của nó, thậm chí có cả... lỗ mũi. Nó nặng khoảng 1 - 2 tấn, nhưng cơ thể mỏng hơn các loài cá thái dương khác. Sau khi thực hiện xét nghiệm ADN, một nhóm chuyên gia quốc tế đã xác nhận rằng đây chính là Mola Tecta mà cả nhóm đã tìm kiếm bấy lâu nay.
Và sau đó vài năm, Nyegaard đã xác nhận được khu vực sinh sống của loài cá này nằm tại các vùng thủy quyển Nam Bán Cầu - như ngoài khơi Tasmania, Chile, Nam Phi. Điều này chứng tỏ, chúng thích sống trong các vùng nước lạnh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoological.