Ngày 5/12, cộng đồng mạng chỉ trích mạnh mẽ hành vi sử dụng hình ảnh vị lãnh tụ của dân tộc để so sánh sự yêu thích với các TikToker được đăng tải qua video của TikToker Tuấn không cận (Nờ Ô Nô).
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, lãnh tụ của dân tộc là hình ảnh của sự cao quý và thiêng liêng đối với chúng ta, không một cá nhân đơn lẻ nào có thể mang ra để so sánh với hình ảnh ấy.
Người đăng tải video có hình ảnh lãnh tụ kèm nội dung so sánh, không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, mà nó có tác động rất lớn đến nhận thức, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Hành vi trên sẽ bị xử lý theo luật an ninh mạng, thậm chí còn bị xử lý hình sự.
Theo luật sư Bình, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng 2018 có nêu rõ, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
Đồng thời, tại Điều 16 và Điều 18 Luật an ninh mạng 2018 cũng có quy định hành vi xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc là một trong những dạng thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bị nghiêm cấm.
Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ hậu quả của hành vi đó mà cá nhân có hành vi xúc phạm lãnh đạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể như sau:
Xử phạt hành chính hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo trên mạng xã hội
Căn cứ khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau.
Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hành vi sử dụng hình ảnh, video để bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ thông tin xuyên tạc và có thể tịch thu phương tiện vi phạm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, trường hợp nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người xúc phạm lãnh đạo có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Theo đó, đối với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt lên đến 07 tù.
Song, luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm, hành vi trên đã tác động rất lớn đến nhận thức, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.