Manimatana Lee đã dành 5 năm qua để xây dựng kênh TikTok có lượng theo dõi gần 10.000 người. Họ xem những video cô hút bụi trong nhà mình ở Wisconsin trong khi cô con gái út ngủ trưa trong chiếc địu trên lưng. Một video Lee nhảy múa và rửa bát đĩa — trong khi địu đứa con đang ngủ —được xem hơn một triệu lần kể từ tháng 11.
Nhưng khi TikTok có nguy cơ bị cấm tại Mỹ, Lee và nhiều người khác đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như Xiaohongshu, một ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài.
"Sẽ thật buồn cười nếu họ cấm TikTok và tất cả chúng ta chuyển sang ứng dụng Trung Quốc này", Lee viết trên TikTok để khuyến khích những người theo dõi của mình cùng tham gia ngôi nhà mới.
Từ cái tên không mấy ai biết đến, Xiaohongshu bỗng trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng Apple của Mỹ hồi đầu tuần này. Trước đó, ứng dụng có hơn 300 triệu người sử dụng này chủ yếu có người dùng ở Trung Quốc, nơi họ chia sẻ các video ngắn cũng như các bài đăng tĩnh.
Những người Mỹ chuyển sang ứng dụng mới muốn thể hiện rằng họ không đồng tình với mối quan ngại của Washington về mối quan hệ của TikTok với Trung Quốc.
Những người sáng tạo ở Mỹ đăng video trên TikTok cho biết ứng dụng này đã trở thành nguồn kết nối, giải trí và thông tin kể từ khi trở thành hiện tượng trong dịch bệnh Covid-19. Điểm hấp dẫn đến từ thuật toán độc quyền, công nghệ đề xuất luồng video ngắn liên tục nhằm mục đích giữ chân mọi người.
Nhưng các nhà lập pháp Mỹ đưa ra lý do cấm đến từ nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để truy cập dữ liệu về người dùng như vị trí và lịch sử duyệt web. Tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một đạo luật yêu cầu công ty mẹ Bytedance thoái vốn khỏi ứng dụng video này trước ngày 19/1/2025, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ.
Xiaohongshu có nghĩa là "tiểu hồng thư" hay "cuốn sách nhỏ màu đỏ". Nhiều người gọi ứng dụng này là "Red Note".
"Tôi không thực sự quan tâm đến việc mình đang sử dụng ứng dụng Trung Quốc hay gì", Lee nói về lựa chọn mới thay cho TikTok. "Nó giống như một nơi để trốn tránh thực tại. Và nếu khiến tôi cảm thấy thoải mái, tôi sẽ sẽ ở lại".
Một nhóm nhà sáng tạo người Mỹ đã kiện chính phủ về dự luật có thể khiến TikTok bị bán hoặc cấm tại Mỹ, và TikTok đang trả phí pháp lý cho họ. Người Mỹ trên Xiaohongshu đã tập hợp lại dưới hashtag "TikTokrefugee", đã đạt 100 triệu lượt xem và tạo ra khoảng 2,5 triệu chủ đề thảo luận trên ứng dụng.
Việc tham gia ứng dụng này đã giúp người Mỹ tiếp xúc gần hơn với với người dùng trực tuyến ở Trung Quốc so với TikTok. Tại Trung Quốc, mọi người sử dụng Douyin – một ứng dụng tương tự - thay vì TikTok. Douyin khó có thể truy cập bên ngoài Trung Quốc.
Theo Similarweb, cho đến cuối tháng 12, 85% lưu lượng truy cập Xiaohongshu đến từ Trung Quốc.
Xiaohongshu thường được so sánh với Instagram. Ứng dụng cung cấp nguồn dữ liệu cuộn vô hạn được hỗ trợ bởi các đề xuất thuật toán. Người dùng Xiaohongshu thường sử dụng để trao đổi mẹo về du lịch, mua sắm và các chủ đề về lối sống khác.
Ứng dụng đặc biệt phổ biến với phụ nữ trong độ tuổi 20 và 30, và các chuỗi bình luận dài của Xiaohongshu đã trở thành nguồn thông tin phổ biến để mọi người trao đổi các câu hỏi về những mối quan tâm hàng ngày, tương tự như Reddit.
Ngoài những mẹo về phong cách sống cá nhân, Xiaohongshu cũng định hình xu hướng du lịch toàn cầu. Người dùng đã biến Düsseldorf thành điểm đến ẩm thực hấp dẫn, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến các nhà hàng và tiệm bánh Nhật Bản của thành phố.
Tương tự như vậy, nền tảng này đã thúc đẩy sự quan tâm đến du lịch Đông Nam Á, khi người dùng chia sẻ các hành trình độc đáo và các bức ảnh chụp những danh lam thắng cảnh ít biết đến đã thúc đẩy du lịch Trung Quốc đến các nơi như Thái Lan và Việt Nam.
Ở bên ngoài Trung Quốc, ít người biết rằng Xiaohongshu đã tồn tại được 12 năm. Nền tảng được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2013 bởi Charlwin Mao và Miranda Qu Fang. Các nhà đầu tư bao gồm Tencent, Alibaba và DST đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào công ty, nâng định giá lên 17 tỷ USD vào năm 2024.