Cuối năm 2022, sau khi xin được công việc Trợ lý Kế toán trưởng cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Thanh Ngọc - khi đó đang sống ở Hà Nội, quyết định chuyển hẳn về Bắc Ninh sinh sống mà không đắn đo quá nhiều.
“Mình không lấn cấn nhiều vì dù ở Hà Nội hay Bắc Ninh thì cũng đều xa nhà cả, vẫn là đi làm kiếm sống, vẫn phải thuê nhà để ở thôi, nên chỗ nào lương cao hơn thì mình chọn. Bản thân mình cũng không ngại việc thay đổi môi trường sống nên còn cảm thấy hứng thú khi chuyển về Bắc Ninh cơ” - Thanh Ngọc chia sẻ.
Công việc của Thanh Ngọc ở Bắc Ninh bắt đầu từ tháng 10/2022. Sau khoảng 2-3 tháng, khi đã quen với môi trường làm việc mới và kết thân được với một vài người đồng nghiệp, họ còn giúp cô tìm được thêm 2 công việc “tay trái” đúng chuyên ngành kế toán.
Đến hiện tại, Thanh Ngọc đã duy trì việc có 3 nguồn thu nhập được gần 1,5 năm.
3 công việc mang lại cho Thanh Ngọc mức thu nhập 23 triệu hàng tháng. Trong đó, tiền lương full-time là 16 triệu, còn 7 triệu là lương từ 2 “job ngoài”. Khoảng thời gian đầu mới chuyển về Bắc Ninh sống, Thanh Ngọc chỉ tiết kiệm được 6-7 triệu/tháng.
Tuy nhiên sau khi có thêm thu nhập và quen với cuộc sống mới, đồng thời kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn, cô đã tiết kiệm được 14 triệu/tháng.
Cách phân bổ thu nhập của Thanh Ngọc
Thanh Ngọc dùng từ “dễ thở hơn” để miêu tả cảm giác của bản thân sau khi chuyển về Bắc Ninh sinh sống và làm việc. Cô không gọi quyết định này là “bỏ phố về quê” vì ở Bắc Ninh, nhịp sống cũng sôi động không kém Hà Nội là mấy. Tuy nhiên, chi phí sống thì rẻ hơn nhiều, đặc biệt là tiền thuê phòng.
“Mình thuê được 1 phòng rộng 27m2, ban công rộng 3m2 với giá 2,3 triệu đồng/tháng, điện nước giá dân và không mất thêm phí gì vì phòng này là của 1 bác có nhà to quá, chẳng ở hết nên cho thuê lại. Mỗi tháng tiền thuê nhà cộng thêm tiền điện nước của mình tốn 2,7 triệu đồng là kịch kim, chưa có tháng nào hơn.
Ở Hà Nội thì khó mà thuê được phòng rộng thoáng như vậy với ngân sách dưới 3 triệu. Điểm trừ duy nhất là ở chung chủ và nhà vệ sinh ở ngoài, nhưng mình cũng ít khi về muộn và cũng không phải dùng chung nhà vệ sinh với ai nên cũng không bất tiện quá” - Thanh Ngọc chia sẻ.
Phòng trọ của Thanh Ngọc ở Bắc Ninh
Sau khi chuyển về Bắc Ninh, Thanh Ngọc vẫn giữ thói quen đi siêu thị lớn để mua đồ chứ không mua ở chợ truyền thống, nên gần như không có nhiều thay đổi trong chi phí mua thực phẩm. Dẫu vậy, Thanh Ngọc vẫn tiết kiệm được kha khá tiền ăn so với khi ở Hà Nội vì bây giờ, cô hiếm khi đi ăn ngoài hay đặt đồ ăn về nhà mà sẽ tự nấu nướng.
“Mình vẫn chưa có bạn thân ở Bắc Ninh, nên cũng ngại đi ăn hàng vì mình không thích đi ăn một mình. Đặt đồ ăn về nhà thì cũng được nhưng thú thật cũng không có nhiều quán ngon, hợp khẩu vị mình ở Bắc Ninh để đặt. Thế nên thi thoảng mình mới đi ăn ngoài cùng đồng nghiệp thôi, chắc 3 bữa/tháng là căng. Tiền ăn giảm từ 6-7 triệu xuống còn 4 triệu mỗi tháng vì thế” - Thanh Ngọc bộc bạch.
Ngoài tiền ăn và tiền thuê nhà, còn một khoản chi phí khác cũng giảm hẳn sau khi Thanh Ngọc chuyển về Bắc Ninh sống: Tiền shopping online.
“Ít bạn, ít đi chơi nên tự nhiên mình cũng không còn muốn mua quần áo, giày dép nữa. Đồ mặc đi làm thì phải chỉn chu, chuyên nghiệp nên mình không sắm thêm vì có sẵn từ trước rồi. Tiền mua sắm của mình hiện tại chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, chủ yếu là mua đồ skincare và thực phẩm chức năng chống già, chứ quần áo váy vóc thì ít lắm” - Thanh Ngọc kể.
Phòng trọ của Thanh Ngọc ở Bắc Ninh
Nhìn lại các khoản chi của bản thân kể từ khi chuyển về Bắc Ninh sinh sống, Thanh Ngọc cho biết chỉ có chi phí đi lại là tăng vì khoảng 4 tháng đầu, cuối tuần nào cô cũng bắt xe từ Bắc Ninh ra Hà Nội để gặp gỡ bạn bè; hoặc không thì cũng về quê ở Bắc Giang. Nhưng sau khi có thêm 2 job ngoài, cô bận quá nên cũng không ra Hà Nội chơi nhiều nữa.
Thuê được nhà giá rẻ, ít ăn ngoài, cũng ít mua sắm và không còn thường xuyên đi chơi nên cũng chẳng có gì là khi có những tháng, Thanh Ngọc không tiêu hết được 9 triệu đồng trong ngân sách chi tiêu.
Nhu cầu xài tiền giảm, thu nhập tăng nên tiết kiệm được nhiều tiền hơn là điểm cộng mà Thanh Ngọc không thể phủ nhận sau khi chuyển từ Hà Nội về Bắc Ninh. Nếu bạn cũng đang có dự định chuyển từ thành phố lớn về thành phố “nhỏ” hơn, từ trải nghiệm của mình, Thanh Ngọc khuyên bạn nên suy nghĩ kỹ về 2 vấn đề sau để quyết định của mình không trở nên công cốc.
1 - Cơ hội việc làm ở nơi mới thế nào?
Làm việc trong lĩnh vực Kế toán, Thanh Ngọc cho biết bất cứ thành phố nào có nhiều công ty, tập đoàn hoặc các khu công nghiệp lớn đều là “môi trường lý tưởng” với cô. Thậm chí nếu so với Hà Nội, khả năng tìm việc đúng chuyên ngành ở các thành phố khác sẽ cao hơn nhiều vì ít tính cạnh tranh hơn.
Ảnh minh họa
“Trước khi chuyển hẳn về Bắc Ninh, mình cũng có tham khảo thị trường việc làm ở thành phố này và thấy cũng không khan hiếm lắm mới quyết định chuyển.
Mình dự tính sẽ ở Bắc Ninh khoảng 3-4 năm thôi, trong thời gian ấy nếu gắn bó được với công ty hiện tại thì quá tốt nhưng cũng phải tính xa, chẳng may nghỉ việc thì liệu có tìm được việc khác không. Chứ chuyển hẳn tới 1 nơi mới mà lại chỉ làm được vài tháng, xong thất nghiệp thì không đáng” - Thanh Ngọc chia sẻ.
2 - Bản thân mình có “ứng phó” được với cảm giác cô đơn không?
“Nếu không chịu được cô đơn, quyết định chuyển hẳn tới 1 thành phố khác để làm việc có thể khiến bạn tiêu nhiều tiền hơn đấy, chứ không tiết kiệm hơn đâu dù thu nhập có cao hơn đi chăng nữa. Tới nơi mới đồng nghĩa với việc sẽ phải trải qua 1 khoảng thời gian ít bạn, ít các mối quan hệ ngoài công việc.
Bạn mình cũng có người chuyển từ Hà Nội về Hải Phòng vì thu nhập tốt hơn nhưng đến cuối cùng lại chẳng tiết kiệm được nhiều hơn, vì một mình cũng cô đơn nên toàn “đốt” tiền vào ăn uống mua sắm cho đỡ chán” - Thanh Ngọc chia sẻ.