Tại lễ bế mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2018, PGS. Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa – Đại học Gachon (Hàn Quốc), đã đại diện cho nhóm của mình, trình bày kết quả và nêu những đề xuất, kiến nghị sau quá trình thảo luận về đề tài: "Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư".
Theo PGS. Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa, giáo dục STEM đã và đang được xem là một trong những giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại mới, thời đại bùng nổ công nghệ mà chúng ta đang sống.
"Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như Học qua dự án - chủ đề, Học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp Học qua hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp. Các kiến thức và kĩ năng này phải được giảng dạy tích hợp giúp người học có thể áp dụng những kiến thức đó trong những bối cảnh cụ thể", chị Hoa chia sẻ.
PGS. Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa trình bày những kiến nghị của các Trí thức trẻ nhóm thảo luận: “Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Nhằm thúc đẩy STEM phát triển hơn nữa, tại diễn đàn này, các đại biểu trí thức trẻ đã cùng thảo luận, trao đổi đưa ra kiến nghị, cần tiến hành điều tra đầy đủ về hiện trạng giáo dục STEM ở các cấp; xây dựng hệ thống chiến lược, chính sách và chương trình hành động quốc gia về phát triển STEM.
Bộ giáo dục và đào tạo cần sớm xây dựng các chương trình cụ thể, áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy ở các cấp học. Đồng thời, xây dựng chương trình, tài liệu, học cụ, mô hình giáo dục định hướng STEM chuẩn, chất lượng và phù hợp với đặc trưng kinh tế – văn hóa – xã hội – môi trường Việt Nam từ bậc mầm non đến cấp đại học và chuyên nghiệp, ở cả khối công lập và tư thục đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng như người khuyết tật, dân tộc thiểu số trong xã hội.
Đặc biệt chú trọng vai trò chiến lược của giáo dục STEM các khu vực nông thôn. Tổng kết, đánh giá, lựa chọn và nhân rộng những mô hình phù hợp để được triển khai ở nông thôn.
Trao đổi với PV, Tiến Sĩ Trần Hoàng Sơn (University Paris Nord), cho biết: "Trong thời đại công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển, đòi hỏi con người phải có trình độ cao, do đó học sinh cũng cần được học kỹ thuật ngay từ nhỏ. Mà STEM là cách tích hợp giúp người học tiếp cận kỹ thuật một cách tự nhiên nhất có thể, từ đó có thể tưởng tượng để tạo ra những thứ phức tạp hơn. Hiện nay giáo dục STEM đã được đưa vào chương trình học chính thức tại một số nước phát triển trên thế giới. Do đó, chúng tôi hi vọng chính phủ sẽ sớm đưa STEM vào chương trình giảng dạy chứ không đơn thuần là môn ngoại khóa. Giáo dục STEM thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có khả năng làm việc tức thì, có tính sáng tạo cao hơn".
Theo Tiến Sĩ Trần Hoàng Sơn (bên trái), cần áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy ở các cấp học.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hồng Phúc (Queensland University of Technology) tham luận: "Trong xu thế mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; nguồn nhân lực được đào tạo phải có đủ các năng lực cần thiết để có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ. Để có nguồn nhân lực này, nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo ra được nguồn giáo viên chất lượng cao, gốc rễ của sự phát triển dân trí và năng lực của cả đất nước. Để làm được điều này, bản than người giáo viên không những phải có kiến thức và đạo đức tốt mà còn cần có các năng lực mạnh mẽ, nhất là năng lực công nghệ thông tin, năng lực nghề nghiệp và năng lực tư duy sáng tạo. Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu của các giảng viên ở các trường sư phạm là đào tạo cho được nguồn nhân lực này thông qua việc cập nhật các phương pháp dạy học mới, hiện đại và hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học".
Đặc biệt, cần có chính sách cụ thể thu hút các trí thức trẻ, nhất là trí thức trẻ được đào tạo tại nước ngoài đóng góp cho sự phát triển STEM cho đào tạo từ trung học chuyên nghiệp trở lên.
Xây dựng lộ trình, từng bước thay đổi cách thức thi cử, đánh giá kiến thức ở các cấp học theo hướng lý thuyết gắn với thực hành, đề cao đánh giá kỹ năng và tư duy sáng tạo.
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục STEM trong đó có sự tham gia của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu; các doanh nghiệp; các tổ chức chính trị xã hội; được cùng nhau phát triển chương trình STEM. Xây dựng cơ chế khuyến kích, tạo điều kiện cho các tổ chức, diễn đàn, mạng lưới câu lạc bộ về STEM theo hình thức xã hội hóa.
"Để STEM thực sự phát huy hiệu quả, việc áp dụng phải bắt đầu cho học sinh từ bậc tiểu học đến THPT trước khi theo đuổi đam mê STEM ở khối nghành đại học. Cần thúc đẩy sự sáng tạo trong giới trẻ, tạo ra một thế hệ trí thức mới có trình độ cao, tối đa hóa việc làm cho giới trẻ…", Tiến sĩ Nguyễn Như Bảo (Đại học Tổng hợp kỹ thuật Giao thông đường bộ Mátxcơva, Lb Nga), tham luận.