Tiến sĩ Đại học Stanford gợi ý cách "nâng chất" 3 khung giờ vàng giúp trẻ phát triển toàn diện

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 11:44 03/06/2023
Chia sẻ

Thời nay, nhiều cha mẹ bận rộn quá, gần như phó thác chuyện dạy con cho nhà trường, người giúp việc và các "vú em" điện thoại thông minh, máy tính bảng,... Thế nên, ba khung thời gian vàng thuộc hàng cơ bản của nhiều trẻ đang bị xáo trộn, bùi nhùi như lẩu thập cẩm mà vẫn thiếu chất trầm trọng, đẹp vỏ nhưng có khi rỗng ruột.

Theo tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, tác giả các cuốn sách Thay Đổi Vì Con; Giáo Dục, Tương Lai & Đổi Mới,… rất nhiều cha mẹ đang ngày ngày, hoặc vô tình hoặc cố ý, đốt cháy thô bạo 24 tiếng quý giá của trẻ, bắt ép trẻ sống theo ý mình hơn là để giúp chúng hạnh phúc và thành công thật sự trong tương lai.

Với nhiều đứa trẻ ngày nay, phần lớn thời gian trong ngày được dùng để học tập, hết học chính đến học thêm, từ chính khóa qua ngoại khóa, hết kiểm tra lại thi thố. Điều này khiến thời gian vàng của nhiều trẻ đang dần mất chất, teo tóp, biến dạng mỗi ngày.

Tiến sĩ Đại học Stanford gợi ý cách nâng chất 3 khung giờ vàng giúp trẻ phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu

Có 3 khung giờ vàng của con được tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra cũng như cách nâng chất 3 mốc thời gian này:

1. Giờ chú tâm

Khi trẻ chú tâm làm việc gì đó đòi hỏi suy nghĩ, tư duy thì vùng não Prefrontal Cortex (vùng vỏ não trước trán) - anh chàng "phi công" đóng vai trò CEO của bộ não, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch, tư duy logic, sức tập trung,... - sẽ được nạp dinh dưỡng để cứng cáp hơn. Và một khi Prefrontal Cortex đã cường tráng, trẻ sẽ có khả năng lẫn thói quen tập trung cao độ, dễ dàng nạp những kiến thức phức tạp, giải quyết gọn lẹ những công việc khó xơi.

Thế nhưng, làm sao trẻ có thể hình thành thói quen tập trung khi tan học về đến nhà là chúng được thoải mái chơi game, quẹt bấm điện thoại hoặc dán mắt vào truyền hình cáp đến tận lúc đã quá giờ lên giường?

Tôi đã chứng kiến ở trên trăm lớp học đủ các cấp, nhiều con trẻ không có thói quen tập trung, cứ loi nhoi loạn xạ như gà mắc tóc, quay ngược rồi lại quay xuôi, hết khều bạn bên trái rồi chọc phá bạn bên phải.

Một đứa trẻ đã tập trung cao độ thì dù phòng bên cạnh có ồn ào tiếng tivi, tiếng chơi game bùm chíu, hoặc sực nức mùi thức ăn, nó vẫn cứ học hành ngon lành. Sức chú tâm tốt sẽ giúp trẻ bỏ qua những cám dỗ để tập trung xử lý nhiệm vụ được giao hoặc do chính nó tự đặt ra cho bản thân.

Có lần, tôi bảo lũ trẻ lớp Bốn để một tờ giấy trắng và cây bút trên bàn, muốn viết gì thì viết trong vòng hai mươi phút. Một cậu nhỏ là học sinh mới, cứ ngọ nguậy liên tục. Nó nhìn qua trái, thấy bạn đó đã ngoáy bút được nửa trang. Nó liếc qua phải, thấy bạn kia đã phủ kín chữ gần một trang. Nó khều đứa này, chọt đứa kia. Nó hết táy máy cục tẩy của mình thì hỏi mượn bạn cái gọt bút chì. Khi bắt gặp ánh mắt của tôi, nó ngây thơ than vãn:

"Con không biết viết gì thầy ạ, nghĩ mãi không ra...".

Tôi động viên:

"Con cứ ngồi im suy nghĩ. Hai mươi phút nữa mà con viết ra một từ thôi cũng được. Viết được một hai dòng thì càng tốt, không nhất thiết phải viết một hai trang như các bạn đâu. Thầy vẫn OK hết, miễn con tập trung, không nhìn trái, phải, trên, dưới nữa".

Năm phút, mười phút trôi qua, nó bắt đầu nhả chữ, từ từ, chậm rãi. "Rặn" được hai ba từ, nó khựng lại, suy nghĩ một hồi rồi ngoáy bút tiếp. Đôi mày nó cau lại, ra tướng ông cụ non phết, khác xa "con ngựa con" loi nhoi cách đó không lâu.

Hãy tạo điều kiện cho trẻ học cách tập trung cũng như cho trẻ một bộ điều khiển từ xa để trẻ tùy ý "bật - tắt" bộ não của mình. Khi trẻ đã "bật" não mình lên thì dù cái điện thoại bên cạnh có rung, bạn bè có la ó vui chơi ngoài sân, hay ai đó ra vào phòng muốn làm phiền thì nó cũng "Hổng dám đâu, em còn phải học bài". Kiểu miễn nhiễm với xao nhãng ấy làm riết rồi sẽ tự động biến thành thói quen và tính cách.

Tôi không quan trọng cậu nhỏ sẽ viết được mấy câu, mấy dòng. Thu hoạch lớn nhất chính là "chàng phi công" Prefrontal Cortex trong bộ não của nó đang được tập cơ cho khỏe hơn. Sự trưởng thành này còn lớn hơn kết quả điểm số hay độ dài bài văn, vì đứa trẻ về lâu dài sẽ có khả năng vượt qua mọi cám dỗ, chú tâm và học hành tốt hơn, kể cả với những kiến thức, môn học khó nhằn.

Chẳng có một kiến thức nào về bản chất là khó cả. Phương trình bậc ba khó với học sinh cấp hai, cũng giống như phép tính cộng hai chữ số khó với học sinh cấp một, hay phương trình vi phân với sinh viên đại học. Sự khác nhau nhiều khi chỉ là do mức độ tập trung, chú tâm của mỗi người. Còn khi đã học được cách tập trung rồi, bộ não phi công cũng được luyện cơ đều đặn thì thành quả trong học tập cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

2. Giờ ngủ và mơ

Khi vừa ngủ nhưng chưa bước vào giấc mơ, bộ não sau một ngày cày cuốc hơi quá tải sẽ tự động đào thải một lượng kiến thức thông tin tích lũy trong ngày. Đồng thời, nó cũng khởi động cơ chế "nhập cảnh" một phần ký ức từ nhà kho ngắn hạn dùng tạm trong ngày vào vùng lưu trữ ký ức dài hạn.

Còn khi bước vào giấc mơ, bộ não sẽ như một bà tiên hào phóng, tẩy gội những cảm xúc tiêu cực, mát xa cho bộ não để làm dịu những chuyện đau buồn, và tạo ra một khoảng không để những cảm xúc tích cực được ngoi lên. Đó là lý do vì sao khi một người ngủ đủ, dù đêm trước có tích tụ nhiều buồn bực như mây đen ùn ùn kéo đến, thì cái khoảnh khắc đầu tiên thức dậy buổi sớm, họ sẽ tự nhiên cảm thấy vơi đi phần nào nỗi niềm. Bầu trời trong trí óc cũng tươi sáng, quang đãng hơn.

Ngoài ra, khi ngủ cũng là lúc vùng não "phi công" được gia công để khỏe khoắn hơn, đủ sức mạnh để quản lý và điều phối các vùng não khác, để logic không bị lép vế so với cảm xúc. Giấc ngủ còn giúp nạp năng lượng cho hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự xâm nhập và công phá của bệnh tật, giúp điều tiết vị giác và kiểm soát cân nặng cơ thể, kiểm soát thể trạng của hệ tuần hoàn.

Trẻ em 6-13 tuổi nên ngủ 9-11 tiếng/ngày, 14-17 tuổi nên ngủ 8-10 tiếng/ngày, còn 18-21 tuổi thì 7-9 tiếng/ngày. Thế nhưng, giờ đây khối lượng bài tập về nhà, việc luyện thi cho hàng tá kỳ thi kiểu "con nhà người ta", cùng với cuộc xâm lăng toàn diện của mạng xã hội, video game và điện thoại máy tính, khiến nhiều đứa trẻ cấp một không ngủ đủ 8 tiếng/ngày, học sinh cấp hai, cấp ba thậm chí còn không ngủ được 6 tiếng/ngày.

Thế thì chẳng khác nào bộ não của trẻ đang bị đập phá mà không có cơ hội phục hồi. Chúng ngủ dậy mà gần như không có bao nhiêu kiến thức lưu lại trong đầu dẫu rằng hôm qua được thầy cô và gia sư nhồi cho rất nhiều câu chữ, công thức. Chúng mở mắt trong tâm trạng không thoải mái, vì khi mất ngủ, ký ức của những điều tiêu cực được mã hóa cao gấp hai lần so với ký ức tốt đẹp. Và cái não tư duy logic sẽ càng ngày càng suy yếu, khó kiểm soát được những cảm xúc, hành động không hay.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, giáo sư Mary Carskadon của Đại học Brown (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về giấc ngủ của trẻ con, đã phát hiện ra một nửa đối tượng tuổi teen mà bà ấy nghiên cứu chỉ ngủ khoảng 7 tiếng/đêm. Chúng thường rất uể oải vào buổi sáng. Khi "soi" bộ não của chúng, Mary phát hiện nó chẳng khác nào bộ não của những người mắc bệnh narcolepsy - một dạng rối loạn giấc ngủ mạn tính.

Nhiều đứa trẻ vừa sáng ra đến trường đã gục mặt trên bàn vì phải dậy sớm. Giờ trưa lẽ ra có thể vớt vát gỡ gạc một chút giấc ngủ, chúng lại lôi máy ra bấm bấm quẹt quẹt hay lang thang, lượn lờ Instagram. Tối, về đến nhà, học bài xong là chúng lại lướt net, bắn game, tám Facebook với bạn bè đến tận khuya. Chúng cứ lẩn quẩn trong cái vòng tròn của những thứ công nghệ, những thói quen đang đánh phá, trộm cắp giấc ngủ ngon.

Để rồi, dẫu chúng có là những đứa trẻ "cool" trong trường, bắn game thuộc hàng bang chủ trên mạng, hay điểm cao chót vót thuộc hàng sao, nhưng bao nhiêu cơ quan nội tạng trong người đang bị khai thác một cách âm thầm, kịch liệt, không ngưng nghỉ. Vấn đề này chẳng khác nào nạn phá rừng. Đến một lúc nào đó, cha mẹ chúng mới té ngửa: "Đồi núi trọc lóc" rồi, lấy đâu ra cây rừng để bền bỉ đốt củi, học đường dài đây? Lúc đó, sức học đã bị đốt gần cạn đáy, vì sinh lý cơ thể và tâm lý vượt ngưỡng giới hạn, đứt gãy chỉ vì... đói ngủ.

3. Giờ chơi tự do

Chơi tự do là trẻ được tự do vẽ ra những trò chơi, cách chơi trong thế giới sáng tạo rất riêng của chúng. Còn trẻ chơi theo sự sắp đặt chặt chẽ, đóng khung luật lệ của người lớn hay như trong mấy trò chơi điện tử, phần mềm gắn mác "giáo dục" thì đó nhất định không phải là chơi tự do!

Nhiều người vin vào cái cớ là điện thoại, máy tính bảng vừa tiện vì mang đi đâu cũng được, vừa giúp mở tầm mắt vì có thể truy cập rất nhiều nguồn thông tin giải trí. Họ hay bảo là tất cả "bầu trời" được thâu gom vào trong cái ô hình chữ nhật bé bé, gọn gàng bỏ túi ấy. Thế nhưng, cho đứa trẻ một cái "máy bay", tức cho nó cái điện thoại hay máy tính bảng, để chiếm lĩnh bầu trời trí thức hay giải trí mà không chỉ cho chúng cách bay, hoặc không kiểm soát được tốc độ, liều lượng bay của nó thì chẳng khác nào bịt mắt phi công cầm lái, hoặc không hề cung cấp lộ trình bay.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rõ: Khi được chơi tự do, trẻ được phát triển tốt nhất về mặt tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và tư duy trừu tượng. Một trò chơi trong màn hình điện thoại, máy tính bảng dù có thiết kế thông minh và màu sắc bắt mắt đến đâu thì tất cả đều có luật chơi và các level cài đặt sẵn. Chơi hết cấp độ một thì đến cấp độ hai, có bao giờ một đứa trẻ được tự do xoay chuyển trò chơi theo ý nó đâu.

Ngược lại, khi một đứa trẻ được chơi với đám bạn trong khoảng sân quanh nhà thì ở đó, mỗi một trò chơi thường sinh ra muôn hình vạn trạng. Hôm thì chúng đóng vai hoàng tử công chúa, hôm lại là cha mẹ con cái, bữa thì theo các nhân vật hoạt hình vừa xem, có khi lại hóa thân thành chó, mèo, khỉ, gà,... Cái quy luật chơi cũng do chúng tự làm kiến trúc sư, biến tấu như một bản nhạc jazz ngẫu hứng đầy sáng tạo.

Trẻ con vốn dĩ là "thánh sáng tạo". Hầu như lúc nào trong đầu chúng cũng đang rục rịch hình thành cách nhìn, cách cảm và cách nghĩ mang màu sắc rất riêng về thế giới xung quanh, chưa bị rập khuôn bởi những giờ học khuôn mẫu mà ở thời đại này, trước sau gì chúng cũng sẽ phải kinh qua. Sáng tạo nằm ở bầu trời ngoài sân, khoảnh vườn bé con, trang giấy trắng tinh và những hộp bút màu nhiều hơn là ở trong những cái hộp chữ nhật sáng đèn hiện đại, đắt tiền kia.

Khả năng ngôn ngữ của lũ trẻ con cũng phát triển một cách tự nhiên qua thời gian chơi tự do. Trong những trò chơi tưởng chừng rất trẻ con ấy, những nhân vật mà chúng nhập vai, những tương tác liên tục với người thật, việc thật sẽ giúp tụi nhỏ phát triển ngôn ngữ tốt hơn là ngồi ôm máy "cày bừa" mê mệt suốt ngày.

Những phần mềm dạy ngôn ngữ trong máy có thể cho lũ trẻ những ngôn ngữ được lập trình sẵn, nhưng làm sao sánh được nguồn ngôn ngữ sống động, muôn sắc màu chúng có được khi vui chơi với bạn bè cha mẹ?

Tư duy trừu tượng là điều trẻ rất cần cho việc học. Hầu hết chuyện học chính là mã hóa những thứ trừu tượng thành ký hiệu, dù là Toán học, Vật lý, Hóa học, hay Kinh tế, Xã hội học. Về khoản này thì chơi tự do là mảnh đất màu mỡ nhất cho tư duy trừu tượng rục rịch hình thành từ bé và phát triển theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Thử hình dung, một đứa trẻ ngồi trên xe ô tô của cha mẹ, nó sẽ nghĩ cái xe to xịn đó là ô tô. Còn khi chơi với bạn bè, cái ô tô với nó có thể là cái thùng giấy carton bỏ đi. Thậm chí nó hoàn toàn có thể khuỳnh khuỳnh tay trong không trung, giả vờ như đang lái một cái ô tô chạy lòng vòng. Cứ như thế, chúng đã mã hóa cái xe ô tô thành nhiều kiểu biểu đạt, hình tượng, vật thể khác nhau. Đó chính là gốc rễ và nền tảng của tư duy trừu tượng.

Sự sáng tạo cũng sinh ra từ những điều đơn giản ấy. Con nít trước khi đi học, phần lớn được chơi tự do, nên chúng sáng tạo kinh khủng lắm. Cứ thử xem tranh của chục đứa trẻ cỡ 3-4 tuổi vẽ cảnh mặt trời mọc, ta sẽ thấy có bức nào giống bức nào đâu! Đứa thì tô mặt trời màu tím, đứa thì khoái mặt trời có màu hồng, lại có đứa chỉ thích mặt trời đen xì, xám xịt. Nhưng mặt trời của học trò tiểu học thường sẽ có vài màu cơ bản như đỏ, vàng, cam. Điều đáng nói ở đây không phải nên tô mặt trời màu gì cho đúng, mà là nhiều người đang vô tình giới hạn sự tưởng tượng của lũ trẻ.

Tiến sĩ Đại học Stanford gợi ý cách nâng chất 3 khung giờ vàng giúp trẻ phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Chơi tự do là trẻ được tự do vẽ ra những trò chơi, cách chơi trong thế giới sáng tạo rất riêng của chúng.

Đó là chưa kể điện thoại, máy tính bảng chẳng khác nào công cụ làm thu hẹp cái xã hội vốn dĩ rất bao la, rộng lớn của đứa trẻ. Chiếc máy đó khác xa khoảng sân trước nhà hay công viên với bao tương tác người thật, việc thật có thể giúp trẻ rèn sự thông minh xã hội. Trưởng thành trong cảm xúc không đến nhiều từ việc thắng thua một trò chơi với cái máy vô tri vô cảm, mà phần lớn đến từ những cuộc cãi vã chí chóe, những giây phút cười đùa, buồn bã, bực dọc và hân hoan cùng đám bạn.

Ngoài ra, không phải các động tác quẹt quẹt, bấm bấm lặp đi lặp lại mà chính những hoạt động chơi tự do mới giúp trẻ phát triển các thao tác vận động và thúc đẩy sự phát triển của bộ não Cerebellum, tức phần não kiểm soát các hoạt động tinh. Tay chân tụi nhỏ cũng nhờ đó mà khéo léo hơn. Đây là phần não hiếm khi được di truyền nhất. Cerebellum chỉ phát triển qua trải nghiệm như xây lâu đài cát, nhào nặn đất sét, sắp xếp đồ hàng, bịt mắt bắt dê, ném lon tạt hình,...

Những trò chơi tự nhiên ấy mới đủ không gian cho vận động tay chân của lũ trẻ được bung nở muôn hình vạn trạng, thay vì bị gói gọn trong một vài thao tác "eo hẹp" trên những cái ô chữ nhật vài centimet vuông.

Sau 30 năm, thời gian chơi tự do của trẻ em ở Mỹ bị cắt giảm từ 40%/ngày xuống còn 25%/ngày, và giờ đây ở nhiều nơi còn ít hơn 5%/ngày. Thảo nào điểm thi có thể ngày càng cao, huy chương ngày càng nhiều, thành tích ngày càng "khủng", nhưng sức sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức của lũ trẻ vào các tình huống thực tế lại không tỷ lệ thuận với điểm số, thành tích, huy chương.

Những phiếu bài tập, kiểm tra, thi cử triền miên không dứt tựa như căn phòng giam khóa kín, giam hãm tâm trí trẻ. Một khi trẻ mất tự do quá nhiều và quá lâu, những quyền năng trời ban cho trẻ sẽ mục rữa, chết dần chết mòn trong phòng giam ấy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày