Bãi biển Đầm Trấu
Tăng trưởng ấn tượng
Giai đoạn 2021-2025, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với tổng lượng khách đạt khoảng 64 triệu lượt, bình quân tăng 11,34%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 71 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 11%/năm, đóng góp khoảng 4,5% vào GRDP của tỉnh (trừ dầu khí).
Hệ sinh thái du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đa dạng đã hình thành dọc tuyến biển Vũng Tàu - Long Hải - Hồ Tràm - Côn Đảo. Các loại hình nổi bật bao gồm nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, sinh thái, văn hóa-lịch sử, nông nghiệp, vui chơi giải trí và điều dưỡng sức khỏe. Trong đó Hồ Tràm được xem đầu tàu, cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí đẳng cấp quốc tế.
Rùa biển ở Vườn Quốc gia Côn Đảo (Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo)
Đáp ứng nhu cầu du lịch xanh, lựa chọn những điểm đến thân thiện với môi trường làm nơi nghỉ dưỡng, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư, phát triển theo hướng tôn trọng tự nhiên, bền vững. Nhiều mô hình du lịch xanh, đạt chứng nhận "Điểm đến trung hòa carbon-Net Zero Station" đã hình thành mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch hấp dẫn.
Du khách trải nghiệm phao chuối trên biển Phước Hải (Ảnh: Ngọc Minh)
Để có được kết quả này, nhiều khu du lịch đã kiên trì phát triển du lịch phát thải thấp và kinh tế tuần hoàn 15 năm qua, từ việc trồng, chăm sóc cây xanh và rừng; không ngừng cải thiện chất lượng đất nhằm tăng cường khả năng lưu trữ carbon. Đến nay, các chuyên gia, nhà khoa học đã định danh tại đây hơn 1 triệu cây xanh với khoảng 700 loài.
Thu hút khách quốc tế
Sự phong phú về sản phẩm giúp thị trường du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) mở rộng. Nguồn khách chủ lực đến từ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Bắc. Khách quốc tế đa dạng, với tỷ lệ cao nhất là du khách từ Hàn Quốc, Ấn Độ, tiếp đó là Trung Quốc, châu Âu, Úc, Nga, Mỹ và Canada.
Từ năm 2017, các hãng tàu quốc tế như Celebrity Cruises, Royal Caribbean đã chọn cảng Cái Mép - Thị Vải là điểm dừng chân cho hành trình du lịch châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2024, đã có 50 chuyến tàu biển cập bến tại cụm cảng này, với lượng khách dao động từ 2.000 - 5.000 người/chuyến.
Để có một bến cầu cảng chuyên đón khách du lịch trong và ngoài nước, Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây, đã thống nhất quy hoạch cảng tàu khách quốc tế tại Bãi Trước của Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 10ha, cầu cảng dài 420m có thể tiếp nhận du thuyền chở tới 6.000 khách. Dự án còn có nhà ga hành khách, bến thủy phi cơ, khu mua sắm miễn thuế, trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn, bến du thuyền….
Nhiều giải pháp đồng bộ cũng được triển khai để khai thác hiệu quả du lịch đường biển. Trong đó, trọng tâm là phát triển các sản phẩm chuyên biệt cho khách tàu biển, kết nối nhanh giữa cảng và các tour trong ngày, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình kiểm tra, làm thủ tục nhập cảnh ngay tại cảng, bảo đảm nhanh chóng và thân thiện.
Tạo vùng tam giác du lịch chiến lược sau hợp nhất
Sau hợp nhất, với sự kết nối thuận lợi qua sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc và tuyến đường ven biển, Bà Rịa - Vũng Tàu nay là TP Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm du lịch đường biển liên vùng để định vị là điểm trung chuyển hoặc điểm dừng đầu tiên trên hành trình của các siêu du thuyền quốc tế.
Du lịch đường thủy mang đến trải nghiệm mới cho du khách.
Theo các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là một phần quan trọng hình thành nên tam giác du lịch chiến lược sau hợp nhất. Trong đó TP Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm văn hóa, lịch sử, công nghiệp sáng tạo, MICE và đô thị thông minh; Bình Dương phát huy lợi thế là vùng công nghiệp công nghệ cao, logistics và du lịch làng nghề; còn Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đầu tàu về du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái và tâm linh quốc tế, golf...
Bên cạnh đó, việc đồng bộ chính sách cấp phép, xúc tiến, quản lý du lịch sau hợp nhất cũng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, giảm rào cản hành chính và tăng sức hút đầu tư vào các dự án du lịch quy mô lớn.