Tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ do rửa mũi không đúng cách

Mỹ Anh, Theo Trí Thức Trẻ 19:36 06/07/2022

Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại rửa mũi cho trẻ bằng đủ cách khác nhau mà chưa thực sự hiểu rõ phương pháp rửa nào là đúng, dẫn tới hậu quả không tốt đối với trẻ. Điển hình là biến chứng viêm tai giữa thường bị bỏ qua.

Trẻ em có nguy cơ bị viêm tai giữa rất cao

Viêm tai giữa ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa với nhiều thể lâm sàng diễn tiến theo thời gian, triệu chứng, căn nguyên và dấu hiệu thực thể như viêm tai giữa cấp tính, viêm tai giữa thanh dịch (viêm màng nhĩ đóng kín) và viêm tai giữa mạn tính.

Căn nguyên viêm tai giữa ở trẻ thường do trẻ có hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ, cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh, viêm họng, viêm amidan... hoặc do cha mẹ rửa cho trẻ sai cách sẽ thúc đẩy tình trạng viêm tai giữa xảy ra.

Tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ do rửa mũi không đúng cách - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tai giữa

Trẻ bị viêm tai giữa không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ sốt, quấy khóc, lười ăn, nôn ói, tiêu chảy, chảy dịch ống tai… và dẫn tới biến chứng nặng nề hơn như: thủng màng nhĩ, viêm chảy mủ mạn tính, giảm hoặc mất thính lực hoàn toàn…

Nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ do rửa mũi sai cách

Thấy trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi, nhiều bậc phụ huynh vội vàng rửa mũi cho con trong khi chưa nắm rõ được thao tác thực hành rửa mũi sao cho đúng. Đây là sai lầm phổ biến do các bậc cha mẹ thường chỉ quan tâm tới cách sử dụng, giá thành, thương hiệu, mẫu mã hay mua theo số đông mà không để ý tới việc tìm hiểu kỹ càng về dụng cụ rửa mũi, dung dịch rửa mũi đó có phù hợp với trẻ hay không?

Trẻ có nguy cơ bị viêm tai giữa khi:

Áp lực dòng chảy của dụng cụ rửa mũi quá nhẹ hoặc quá lớn, khó kiểm soát ổn định

Áp lực xịt mũi quá mạnh sẽ đẩy dịch từ mũi lên tai, đồng thời gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh còn có nguy cơ bị sặc vào phổi. Chưa kể đến việc áp lực dòng chảy lớn sẽ rửa trôi qua nhanh hơn, không kịp lưu lại mũi để làm loãng dịch nhầy nên làm sạch không hiệu quả. Áp lực xịt mũi nhẹ của một số loại bình rửa mũi cổ điển, bóng bóp tay… do dùng trọng lực (nghiêng đầu cho nước chảy) và lực bóp tay để kiểm soát dòng chảy rất khó sử dụng và khó kiểm soát ổn định được áp lực dòng chảy.

Tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ do rửa mũi không đúng cách - Ảnh 2.

Không kiểm soát được lực chảy của dụng cụ rửa mũi sẽ khiến dịch chảy ngược lên tai gây viêm tai giữa

Kích thước các "hạt" dung dịch do dụng cụ rửa mũi tạo ra không phù hợp

Áp lực được tạo ra bởi dụng cụ rửa mũi dù lớn cũng không thể đẩy dung dịch rửa mũi vào sâu bên trong mũi.

Phần trên và sau hốc mũi là nơi đọng dịch nhầy nhiều nhất, chỉ có các hạt có kích thước dưới 20 micromet mới tiếp cận được nhưng trên thực tế hầu hết các dụng cụ rửa mũi dù áp lực lớn tới đâu cũng chỉ tạo ra các hạt dung dịch có kích cỡ lớn 50 micromet nên chỉ tiếp xúc được một phần của khoang mũi và không loại trừ nguy cơ khiến trẻ tổn thương niêm mạc mũi, viêm tai giữa do dịch tràn lên vòi nhĩ.

Vậy nên, lựa chọn dụng cụ rửa mũi thích hợp cho trẻ phải đảm bảo áp lực dòng vừa phải và kiểm soát ổn định; khả năng tạo hạt dung dịch kích thước siêu nhỏ để len lỏi được vào sâu bên trong mũi; có đầu xịt chuyên dụng an toàn và dễ dàng thao tác.

Bác sĩ Nhi hướng dẫn cách rửa mũi đúng cách cho trẻ

Chắc hẳn các mẹ rất hoang mang khi có nhiều lựa chọn sản phẩm trên thị trường với công dụng làm sạch mũi cho trẻ. Vậy nên áp dụng cách nào để rửa mũi cho trẻ đúng cách? Hãy lắng nghe chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Tai Mũi Họng BVĐK Hồng Ngọc hướng dẫn rửa mũi đúng cách cho trẻ từ 1 – 3 tuổi bằng xi lanh tại nhà để tránh viêm tai giữa.

Mẹ không nên lạm dụng việc rửa mũi mà chỉ nên áp dụng rửa mũi cho trẻ tại nhà từ 3 – 5 ngày, nếu tình trạng không cải thiện cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cụ thể hơn.

Mẹ cần chuẩn bị: Thuốc co mạch Otrivin 0.05%; xilanh dung tích 3 – 5ml; nước muối sinh lý natri clorid 0,9%; dụng cụ hút mũi một chiều.

Bước 1: Rửa mũi ở tư thế ngồi và làm thông mũi bằng thuốc co mạch.

Trước khi rửa mũi, nhỏ Otrivin 0.05% từ 1-2 giọt vào mỗi bên mũi trẻ. Sau đó day nhẹ mũi trẻ và chờ 3 – 5 phút.

Bước 2: Dùng xilanh nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ.

Nước muối đưa vào mũi trẻ phải ở nhiệt độ 30 – 40 độ, các mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ nước muối bằng nhiệt kế hoặc nhỏ 1 – 2 giọt vào mu bàn tay nếu thấy nước muối không nóng, không lạnh là nhiệt độ phù hợp để nhỏ vào mũi trẻ.

Sử dụng xilanh nhỏ dung tích 3 – 5ml bơm nước muối để đưa vào dọc theo sàn mũi trẻ, bơm từ từ, nhẹ nhàng. Tuyệt đối không bơm với áp lực mạnh nhằm mục đích đẩy nước sang mũi bên kia vì có thể đẩy nước muối lên vòi nhĩ và lên tai gây viêm tai giữa.

Bước 3: Dùng dụng cụ hút mũi một chiều để hút dịch mũi

Day mũi trẻ từ 3 – 5 phút cho dịch mũi loãng ra. Đối với trẻ lớn, mẹ hướng dẫn trẻ xì mũi ra. Còn đối với trẻ nhỏ, mẹ dùng dụng cụ hút để đưa dịch mũi ra.

Lưu ý vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

Tần suất thực hiện: 2-3 lần/ tuần; Chọn đúng thời điểm: Không rửa khi bé vừa ăn no hay khi đang ngủ; Lựa chọn dung dịch rửa mũi an toàn (chọn đúng loại nước rửa mũi); Chọn dụng cụ rửa mũi phù hợp; Đảm bảo an toàn vệ sinh các vật dụng trước khi rửa mũi.

Mẹ không nên lạm dụng việc rửa mũi mà chỉ nên áp dụng rửa mũi cho trẻ tại nhà từ 3 – 5 ngày, nếu tình trạng không cải thiện cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cụ thể hơn.

Tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ do rửa mũi không đúng cách - Ảnh 4.

https://kenh14.vn/tiem-an-nguy-co-viem-tai-giua-o-tre-do-rua-mui-khong-dung-cach-20220706112727285.chn