Quá khứ bất hảo “đánh rơi” tuổi trẻ
Thanh xuân, tuổi trẻ vốn dĩ là khoảng trời nhiều mơ mộng, lưu dấu quãng thời gian đẹp nhất, nhiều lưu luyến nhất trong cuộc đời mỗi con người. Ấy vậy, chỉ vì những phút ham chơi bồng bột, mà 1 nam thanh niên đã đánh mất cơ hội trải nghiệm cuộc sống tự do, trả giá sau song sắt từ khi tuổi chưa chớm đôi mươi.
Chúng tôi gặp nam phạm nhân ấy trong một chuyến công tác đầu Xuân năm 2021, tại trại giam Đắc Tân (bộ Công an), được nghe những lời tự sự đầy sự ăn năn, tiếc nuối.
Ngồi trong căn phòng nhỏ, Tô Xuân Định (SN 1989) bắt đầu nhớ lại những ký ức năm nào đã đưa đẩy đến những ngã rẽ tối tăm. Là con thứ 3 trong một gia đình nghèo khó tại Đắk Nông, học hết lớp 6, Định nghỉ ở nhà để phụ bố mẹ làm rẫy cà phê. Chính những tháng ngày không đến trường ở thời tuổi trẻ nông nổi ấy đã khiến Định gặp gỡ và quen với bạn xấu, dẫn đến va chạm, mâu thuẫn và gây thương tích cho người khác vào cuối tháng 8/2008.
Quá sợ hãi, Định đã cùng nhóm bạn trốn sang Đà Lạt (Lâm Đồng). Hai người bạn thì thuê một căn phòng trọ để tá túc, còn Định ở nhờ nhà chị gái và xin làm công việc trông coi quán net để kiếm sống qua ngày. Được khoảng 10 ngày, vì đã hết tiền tiêu xài mà chưa có lương, Định cùng 2 người bạn lên kế hoạch cướp tài sản.
Sau khi thuê xe máy, anh ta vào tiệm điện thoại, giả vờ xem hàng rồi giật và chạy mất. Chỉ trong khoảng một tiếng sau, anh ta cùng đồng bọn đã bị bắt. Những tháng ngày tự do dần khép lại sau song sắt ở tuổi 19.
Phạm nhân Tô Xuân Định trải lòng với PV Người Đưa Tin Pháp Luật
Liên tiếp những ngày sau đó, Tô Xuân Định luôn tìm cách quậy phá, không chấp hành những quy định cải tạo, phải chuyển hết trại giam này đến trại giam khác.
“Lúc đó, mới bị bắt, đã 'sở hữu' tới 4 tội liền: Cướp tài sản; Cướp giật tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý gây thương tích, tôi chẳng nghĩ được gì nhiều. Nhìn án 17 năm tù, chỉ nghĩ: “Thôi xong! Như này thì còn gì nữa đâu?!”… Thế là nản. Lúc đó, chưa xác định được tư tưởng, cũng chẳng nghĩ đến chuyện giảm án, tôi chỉ muốn tỏ ra bướng bỉnh, phá phách càng nhiều để thể hiện sự bất mãn của bản thân”, nam phạm nhân ngậm ngùi nhớ lại.
Phải đến gần 7 năm sau, khi bản thân cũng đã lớn hơn một chút, được gia đình thăm gặp, nhắn nhủ và được sự quan tâm, động viên của ban Giám thị trại giam, phạm nhân Định mới bắt đầu nghĩ đến chuyện sẽ nghiêm túc cải tạo để có thể tìm được cánh cửa “ngày trở về” tốt đẹp hơn.
Tháng 3/2017, phạm nhân Tô Xuân Định được chuyển về trại giam Đắc Tân, gần gia đình hơn, cũng là một động lực để Định yên tâm cải tạo.
Những tiếc nuối của thanh xuân dang dở
Suốt cuộc trò chuyện, phạm nhân Tô Xuân Định cứ chốc chốc lại đưa tay ngăn dòng xúc động trên đôi mắt. Những lầm lỗi của một thời tuổi trẻ vẫn khiến nam phạm nhân này day dứt khôn nguôi.
“Chỉ tiếc rằng mình ít học, không hiểu biết về pháp luật, giao du với bạn xấu rồi cùng làm ra những chuyện sai trái. Vì một phút bồng bột mà đánh mất cả tuổi thanh xuân! Bao nhiêu năm bố mẹ nuôi nấng mình, mà chưa từng một ngày phụng dưỡng, đã phải vào đây, bố mẹ lại càng thêm lo lắng, hao mòn sức khỏe… Năm nay, các cụ cũng đã 70 tuổi rồi, tôi chỉ mong sớm được trở về để chăm sóc, phụng dưỡng bậc sinh thành.
Nhiều lần, tôi đã khóc khi bố mẹ vào thăm, nhất là trong suốt mười mấy năm qua, gia đình cũng đã trải qua không ít biến cố, em trai út trong nhà thì bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên trí não không tỉnh táo. Là con trai lớn mà tôi lại không thể ở bên cùng gánh vác. Càng mong ngóng ngày về, tôi lại càng thêm tiếc nuối vì những ngày đầu mới vào trại, bản thân cứ cố chấp, quậy phá mà không nhận ra việc cải tạo thật tốt mới có thể rút ngắn thời hạn trả án” - Hai bàn tay của Định hết ghì chặt rồi lại không ngừng đan vào nhau khi nhắc đến những sai lầm của mình.
Khi chúng tôi nhắc đến chuyện tình cảm, đôi mắt người đàn ông cụp xuống: “Lúc trước khi gây án, tôi cũng đã có người yêu. Những tưởng, tôi sẽ sớm lấy vợ, sinh con, cứ như vậy, có một gia đình nhỏ ấm áp. Nhưng cuối cùng, vì những phút sai lầm, bốc đồng mà đánh rơi tất cả. Thanh xuân con gái có thì, tôi không thể ích kỷ bắt người ta đợi mình, nên xác định trước để thoải mái tư tưởng”.
“Thực ra, tôi cũng tự biết, mình vào đây, ở ngoài cũng chẳng có ai trông chờ được ngoài gia đình mình. Những năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, hoặc nhìn thấy trên tivi, sách báo cảnh gia đình sum họp, là trong lòng tôi lại như có từng đợt sóng cồn cào. Thuở nhỏ, tôi ít khi quây quần bên gia đình, vì còn khá ham chơi. Nhưng như vậy thì bây giờ lại càng quý trọng và mong mỏi những khoảnh khắc đoàn viên hơn…”, kể đến đây, giọng người đàn ông 32 tuổi chùng xuống.
Sau những phút giãi bày, Định kết thúc cuộc trò chuyện bằng một nụ cười chất phác, đôi mắt hướng về phía cửa sổ của căn phòng nhỏ, như hướng đến một tương lai đang chờ đợi.
Chỉ mong có một công việc tử tế
"Tôi đã rời xa thế giới tự do ngoài kia gần 13 năm, xã hội bên ngoài chắc chắn cũng đã có nhiều đổi thay. Mặc dù vẫn mong mỏi được về nhà từng ngày một, nhưng tôi cũng không khỏi hoang mang, không biết, khi trở về, mình có thể kịp thời hòa nhập không? Bố mẹ nuôi mình suốt bao nhiêu năm rồi, chỉ mong ngày về, kiếm được công việc làm ăn tử tế, để bù đắp cho bố mẹ trong suốt thời gian qua", nam phạm nhân như đang tự dặn mình.