Tia cực tím từ máy sấy móng tay có thể làm hỏng DNA, gây đột biến tế bào tăng nguy cơ ung thư

TT, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:30 27/01/2023
Chia sẻ

Các nhà nghiên cứu cho biết máy sấy sử dụng tia cực tím (UV) để làm kho gel sơn móng tay có thể dẫn đến nguy hiểm, thậm chí cả nguy cơ ung thư.

Sơn móng tay là hình thức làm đẹp phổ biến được các chị em yêu thích trong nhiều năm trở lại đây. Và để tiết kiệm thời gian chờ đợi, làm cho gel, sơn móng tay nhanh khô và bền lâu, hầu hết các cơ sở làm đẹp sử dụng máy làm sấy chuyên dụng.

Thế nhưng, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học California ở San Diego đã phát hiện ra rằng bức xạ phát ra từ máy sấy móng tay bằng tia cực tím (UV) - được sử dụng để làm khô gel - có thể làm hỏng vật liệu tế bào và di truyền. Thậm chí tia này có thể gây đột biến vĩnh viễn trong tế bào người liên quan đến nguy cơ ung thư. Nghiên cứu đã được bình duyệt và đăng trên chuyên san Nature Communications ngày 17/1, theo CNN.

Maria Zhivagui, một nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego, đã nói rằng bản thân sẽ không làm móng gel sau khi thấy kết quả trong phòng thí nghiệm.

Tia cực tím từ máy sấy móng tay có thể làm hỏng DNA, gây đột biến tế bào tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 1.

Máy sấy sơn móng tay phát tia cực tím có thể làm hỏng DNA (Ảnh DALL-E)

Khi đang làm tiến sĩ, Maria đã bị hấp dẫn bởi việc làm móng gel. Làm móng kiểu này sẽ kéo dài hơn so với đánh bóng bình thường. Trong một thông cáo báo chí của trường đại học, cô cho biết mình có thói quen làm móng gel từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, "khi tôi thấy ảnh hưởng của bức xạ phát ra từ thiết bị sấy gel, có thể làm hỏng và gây đột biến các tế bào ngay cả sau một buổi sấy 20 phút thì tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi thấy điều này rất đáng báo động và quyết định ngừng sử dụng nó", Zhivagui nói thêm.

"Theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, chưa ai thực sự nghiên cứu các thiết bị này và cách chúng ảnh hưởng đến tế bào người cho đến nay", đồng tác giả nghiên cứu Ludmil Alexandrov, giáo sư kỹ thuật sinh học cũng như y học tế bào và phân tử, cho biết. Alexandrov quyết định thực hiện nghiên cứu sau khi đọc được một trường hợp thí sinh cuộc thi sắc đẹp trẻ tuổi mắc ung thư da hiếm gặp trên ngón tay.

Các nhà nghiên cứu đã chiếu ánh sáng UV từ máy sấy móng tay vào tế bào người và chuột. Ba lần chiếu 20 phút liên tiếp khiến 65-70% tế bào chết đi. Số tế bào còn lại cũng bị tổn thương ADN, gây các đột biến mà diễn tiến có thể dẫn đến ung thư da.

Tia cực tím từ máy sấy móng tay có thể làm hỏng DNA, gây đột biến tế bào tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 2.

"Chúng tôi cũng thấy rằng một số tổn thương DNA không được sửa chữa theo thời gian và nó dẫn đến đột biến sau mỗi lần tiếp xúc với máy sấy sơn móng tay UV. Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng phơi nhiễm có thể gây ra rối loạn chức năng ty thể, dẫn đến đột biến và gây ung thư", Ludmil Alexandrov cho biết.

"Tổng hợp lại, kết quả thí nghiệm của chúng tôi và bằng chứng trước đó cho thấy rằng bức xạ UV phát ra từ máy sấy sơn móng tay tương tự như giường tắm nắng, có thể gây ung thư", các tác giả nghiên cứu kết luận.

Đèn sấy móng tay UV được sử dụng để làm khô hoặc "chữa bệnh" sơn móng acrylic hoặc gel. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các tiệm làm móng và cũng có thể mua trực tuyến. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi các thiết bị là có nguy cơ thấp khi được sử dụng theo chỉ dẫn của nhãn.

Tia cực tím từ máy sấy móng tay có thể làm hỏng DNA, gây đột biến tế bào tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 3.

Máy sấy móng tay UV sử dụng phổ ánh sáng UV cụ thể (340-395nm), trong khi giường tắm nắng sử dụng phổ ánh sáng UV khác (280-400nm)

Một trong những hạn chế của nghiên cứu là là việc phơi nhiễm ánh sáng UV lên các dòng tế bào khác với phơi nhiễm thực tế trên người và động vật. Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu quy mô lớn hơn để đánh giá chính xác nguy cơ ung thư da ở bàn tay của những người thường xuyên sử dụng máy sấy sơn móng tay. Những nghiên cứu như vậy có thể mất một thập kỷ.

Máy sấy sơn móng tay UV hoạt động như thế nào?

Máy sấy sơn móng tay UV chứa nhiều bóng đèn phát ra bước sóng UV từ 340-395nm.

Các bước sóng này chịu trách nhiệm làm khô sơn móng tay, được gọi là gel, nhờ vào một quá trình hóa học, trong đó oligome (gel trước khi tiếp xúc với tia UV) cứng lại thành polyme (gel lâu dài).

FDA (Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cho biết mọi người nên tránh dùng máy sấy móng tay UV nếu đang sử dụng một số loại thuốc hoặc chất bổ sung khiến cơ thể nhạy cảm hơn với tia UV, chẳng hạn như kháng sinh, thuốc tránh thai, estrogen... Cơ quan này cũng khuyên bạn nên loại bỏ mỹ phẩm, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc da trước khi sử dụng máy sấy móng tay và thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 khi dùng máy sấy móng tay UV.

Theo Euronews, Washingtonpost, Usnews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày