Hết Tết rồi nhưng những câu chuyện về Tết thì có lẽ vẫn chưa ngớt hẳn được, một phần vì tâm hồn vẫn còn đang mải du xuân, một phần vì lương thưởng đã chi gần hết cho việc biếu Tết bố mẹ và sắm Tết cho bản thân.
Thế nên lúc này, "cầm hơi" chờ lương tháng 2 là tình trạng chung của không ít người. Nếu bạn cũng là một trong số đó, vậy thì đừng quá mong móng kỳ lương ngay sau Tết, bởi vì thưởng Tết càng to, lương tháng 2 sẽ càng nhỏ đấy!
Ảnh minh họa
Lý do của việc này gói gọn trong 1 câu: Truy thuế thu nhập cá nhân!
Nếu bạn chưa biết: Thuế TNCN là thuế trực thu, được tính căn cứ dựa trên thu nhập của người nộp thuế khi đã trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan.
Hiện nay, người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/ năm) mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ảnh minh họa
Trong trường hợp người lao động có một người phụ thuộc, mức lương phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Trường hợp có hai người phụ thuộc tương đương mức lương trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Theo Luật, tiền thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thế. Người lao động có nghĩa vụ đóng thuế TNCN cho khoản tiền thưởng này theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể như sau:
- Dưới 5.000.000đ: Phải đóng thuế 5%.
- Từ 5.000.000đ - 10.000.000đ: Phải đóng thuế 10%.
- Từ 10.000.000đ - 18.000.000đ: Phải đóng thuế 15%.
- Từ 18.000.000đ - 32.000.000đ: Phải đóng thuế 20%.
- Từ 32.000.000đ - 52.000.000đ: Phải đóng thuế 25%.
- Từ 52.000.000đ - 80.000.000đ: Phải đóng thuế 30%.
- Trên 80.000.000đ: Phải đóng thuế 35%.
Như vậy tính ra, tiền lương tháng 2 mà chúng ta được nhận sẽ bị trừ 2 khoản thuế TNCN: Một khoản dựa theo lương tháng 2, một khoản truy thuế từ khoản tiền thưởng Tết.
Giờ thì bạn đã hiểu vì sao thưởng Tết càng cao, lương tháng 2 càng thấp rồi chứ?! Biết trước điều này để đỡ hụt hẫng, hoang mang và có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm trong 2 tuần tới, trước khi "ting ting" lương về.