Càng gần cuối năm, chuyện lương thưởng ở các ngành nghề nhận được nhiều sự quan tâm chú ý. Một trong số đó là ngân hàng. Có quan điểm, dân ngân hàng "sống nhờ lương, giàu nhờ thưởng", khi mà mức lương hàng tháng lên tới 30 triệu đồng, nhận thưởng Tết đến 6 tháng lương. Nhưng chỉ những người dấn thân vào ngành rồi mới hiểu được thế nào là "có tiếng nhưng không có miếng". Những áp lực mà dân ngân hàng có lương tháng hàng chục triệu đồng trải qua, không phải ai cũng có thể chịu được.
Làm giao dịch viên ngân hàng được khoảng 2 năm, Ngân Nguyễn (25 tuổi, Hà Nội) cho biết: "So với bạn bè cùng tuổi đang làm văn phòng, thì mức lương mình nhận được mỗi tháng tương đối cao. Chế độ lương thưởng mỗi dịp lễ cũng tốt. Bạn bè mình thường trêu ai sướng bằng mình khi đi làm ngồi điều hòa, cuối tháng nhận lương cao, trông có vẻ có tiền".
Chia sẻ những điều này, Ngân Nguyễn chỉ ngậm ngùi cười, và cho biết rằng đây chỉ là "cái mác" mà mọi người gắn cho dân ngân hàng. Sự thật thì, để nhận được mức lương cao và đãi ngộ tốt, thì công sức bỏ ra và áp lực phải chịu hàng tháng là vô cùng lớn.
Ở vị trí khác, nhân viên hỗ trợ tín dụng Lê Tùng Lâm (28 tuổi) cũng sở hữu mức lương khá cao trong ngành. Nhưng Lâm cho biết, để nhận được mức lương như hiện tại thì anh đã phải đánh đổi những ngày tháng sống không có lương, phải ra ngoài liên tục để tìm kiếm khách hàng, doanh số áp cao chót vót, đến nỗi đêm đi ngủ mà vẫn còn mơ đến việc chạy doanh số.
"Sợ nhất là lúc chạy doanh số" - đây là lời chia sẻ từ rất nhiều dân ngân hàng khi được hỏi về nỗi sợ của người làm trong ngành. Ngoài ra, Ngân Nguyễn chia sẻ thêm:
"Môi trường làm việc ở ngân hàng rất áp lực, vì cái mà nhân viên phải đối mặt là hàng loạt giao dịch trong một ngày, và hàng đống số liệu quay cuồng. Chưa kể đến việc giám sát từ cấp trên, sự cạnh tranh từ đồng nghiệp. Thưởng của dân ngân hàng có sự phân hóa rất rõ rệt, đặc biệt giữa những người vượt doanh số và cấp quản lý. Đấy là lý do tại sao, mỗi dịp cuối năm, có những người làm ngân hàng được thưởng 6 tháng lương, có người lại chỉ 1-2 tháng, hay chỉ vài triệu.
Dân ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều áp lực để đạt được mức lương tốt (Ảnh minh họa: Pinterest)
Không chỉ ở vị trí giao dịch viên, mà hầu hết những vị trí làm trong ngân hàng đều phải trải qua khoảng thời gian học tập và rèn giũa rất cực khổ. Hồi mới ra trường, vào làm ngân hàng, mình phải học hỏi lại từ đầu, vì phải đi sâu vào những nghiệp vụ chuyên môn rất nặng. Phải học cách xử lý tình huống phát sinh, sổ sách, chứng từ, làm báo cáo,... Giờ làm việc của ngân hàng chỉ đến 5h chiều, nhưng hầu như lúc nào 8-9h đêm mình mới ra khỏi văn phòng, có hôm còn đến 10h do chờ giải ngân. Ngày nghỉ còn phải tranh thủ sắp xếp chứng từ.
Còn chuyện doanh số thì không cần bàn cãi. 1 giao dịch viên 2 năm như mình thì doanh số áp xuống mấy chục tỷ, cả năm chỉ dành thời gian để chạy về đích. Hơn nữa, hồi mới vào nghề mình còn gặp phải những sai sót về tiền thật, tiền giả, và phải bỏ kha khá tiền để đền bù sự cố này. Bài học trong ngành càng làm thì càng nhiều. Làm ngân hàng cực lắm mà nói chẳng mấy ai tin!" - Ngân thở dài.
Vị trí giao dịch viên mà Ngân đang đảm nhiệm hầu như là làm việc ở văn phòng. Nhưng Tùng Lâm thì khác, nếu không chịu khó ra ngoài kiếm khách hàng thì khả năng đạt doanh số gần như bằng không. Và nếu không đạt doanh số thì lương tháng chỉ quanh quẩn 10 triệu:
"Công việc của mình chủ yếu là phải tự tìm kiếm khách hàng và thuyết phục họ tham gia sử dụng tín dụng. Việc xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp. Chính vì thế, chi phí để duy trì những mối quan hệ này là khoản không nhỏ, như quà cáp lễ Tết, hay những buổi ăn uống giao lưu. Cũng đã có khoảng thời gian lương mình 30 triệu nhưng phải tốn đến 35 triệu cho khoản chi phí đối tác này. Muốn có lương cao thì phải đầu tư. Để giữ được vị trí này và có được mức lương, thưởng cao, mình đã không quản nắng mưa để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, áp lực về số chưa bao giờ là dễ chịu!".
Tuy cảm thấy áp lực khi làm trong ngành ngân hàng, nhưng Ngân Nguyễn cho biết, một trong những lý do cô tiếp tục làm ngân hàng là do thưởng Tết. "Nhiều lúc cảm thấy bản thân rất mệt mỏi, không thể duy trì tiếp được công việc. Nhưng nghĩ đến mức lương và chế độ thưởng của vị trí này thì mình vẫn làm tiếp, vì suy nghĩ muốn ổn định. Chịu áp lực cao thì cũng đổi lại có nhiều chế độ đãi ngộ hơn.
Ví dụ, tiền thưởng cuối năm sẽ bao gồm thưởng cá nhân xuất sắc, thưởng chi nhánh vượt doanh số, thâm niên công tác, và có nhiều mức thưởng khác nhau. Đánh đổi những ngày quay cuồng với công việc thì cũng được đổi lại mấy tháng thưởng Tết. Được thưởng cao nhất là quản lý các chi nhánh, trưởng phòng ban và cá nhân vượt doanh số cao. Còn trung bình thì cũng chỉ 1-2 tháng lương. Ngoài ra, chế độ thưởng cũng có theo quý, theo dịp lễ trong năm, chia làm nhiều lần thưởng khác nhau.
Lương thưởng cuối năm là niềm an ủi với những người làm ngân hàng (Ảnh minh họa: Pinterest)
Làm ngân hàng cũng được học hỏi rất nhiều, tạo được những mối quan hệ chất lượng. Hơn nữa, khi càng có thâm niên trong nghề lại càng khó bỏ, vì không nỡ. Trải qua khoảng thời gian khổ cực, để quen nghề quen việc, để có mức lương như hôm nay, nhiều bạn bè làm ngân hàng cũng giống mình, rất ít khi nghỉ việc. Với nhu cầu hiện tại, việc làm ngân hàng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho mình".
Tùng Lâm chia sẻ thêm: "Nguồn thu nhập của dân ngân hàng không chỉ đến từ lương thưởng. Nếu chịu khó học hỏi và có tư duy về tài chính, cách vận hành dòng tiền, thì khả năng nâng cao được thu nhập là điều không khó. Như mình làm bên mảng tín dụng, nắm bắt rất rõ cách mà tín dụng hoạt động thế nào để khi sử dụng dòng tiền vay trước không rơi vào tình trạng nợ xấu. Từ đó, tận dụng được ưu điểm của nguồn vốn này. Ngoài ra, khi làm ngân hàng bạn cũng sẽ nhận được một số ưu đãi khác về mặt lãi suất. Vậy nên, chuyện lương thưởng của ngân hàng cao không phải là không có, nó chỉ xảy ra với số ít người nên mới thành chuyện lạ!".