Trong bối cảnh dịch cúm mùa, cúm A ghi nhận nhiều ca mắc mới, nhiều gia đình có xu hướng tìm mua thuốc Tamiflu về trữ trong nhà để khi cần có thể sử dụng luôn. Nhu cầu mua thuốc quá lớn khiến cho giá thành của loại thuốc này bị đẩy lên cao, thậm chí tại nhiều nhà thuốc đã có tình trạng "cháy hàng".
Trước tháng 7, giá thuốc Tamiflu rơi vào khoảng 450 nghìn/hộp, thì hiện nay nhiều cửa hàng thuốc chào bán với giá 580 nghìn đồng, thậm chí có nơi còn bán với giá 800 nghìn đồng cho 1 hộp 10 viên Tamiflu.
Thực tế, câu chuyện "thuốc Tamiflu lại cháy hàng và được thổi giá lên cao" vẫn diễn ra hàng năm mỗi mùa dịch cúm. Nhưng để hiểu rõ Tamiflu là thuốc gì, công dụng thế nào, có nên tự ý sử dụng hay không... các gia đình nên lắng nghe ý kiến của chuyên gia y tế dưới đây.
Tamiflu, có tên gốc là Oseltamivir, là loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn các tác động của các loại virus cúm A, B trong cơ thể bệnh nhân. Theo Drugs.com, loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị cúm khi phát bệnh trong vòng 2 ngày hoặc thấp hơn.
Tốt nhất, hãy bắt đầu dùng Tamiflu càng sớm càng tốt nếu bạn bắt đầu có những triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng, chảy nước mắt, nghẹt mũi… Tuy nhiên không phải ai cũng dùng được loại thuốc này, nhất là mỗi người đều có cơ địa khác nhau sẽ dễ phát sinh phản ứng phụ.
Trong những trường hợp sử dụng khẩn cấp hoặc quá liều cho phép, bạn phải gọi ngay cho trung tâm y tế gần nhất để họ có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần ghi chú lại danh sách những loại thuốc đã từng dùng, bao gồm các loại thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: Các gia đình không nên dự trữ Tamiflu trong nhà vì tỉ lệ người cần uống Tamiflu rất thấp. Cúm là bệnh có thể tự hết, những đối tượng có diễn tiến suy hô hấp nhanh thì mới cần uống loại thuốc này. Hơn nữa, thuốc Tamiflu cần phải uống đúng thời điểm thì mới có thể đem lại hiệu quả tốt, nếu uống quá 48 tiếng, đặc biệt là sau 72 tiếng từ khi mắc bệnh thì thuốc gần như không đem lại tác dụng gì cả.
Đáng nói, Tamiflu có thể đem lại tác dụng phụ nguy hiểm nếu uống quá liều, có thể khiến người bệnh trầm cảm, có suy nghĩ bi quan khi dùng sai cách... Hơn nữa, Tamiflu cũng rất khó uống đối với trẻ nhỏ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định Tamiflu không phải thần dược, không nên dự trữ và càng tuyệt đối không được tự ý uống loại thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ bị cúm, việc bố mẹ nên ưu tiên làm không phải là cho con uống Tamiflu mà cần phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đưa ra khuyến cáo về các nhóm người không nên tùy tiện sử dụng Tamiflu, nếu dùng phải thông qua khuyến cáo của bác sĩ:
- Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Tamiflu.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
- Người đang dùng các loại thuốc khác như thuốc kê toa, không kê toa, thảo dược hay thực phẩm chức năng…
- Người già và trẻ nhỏ tuyệt đối không được tự sử dụng.
- Đã tiêm chủng ngừa trong 2 tuần gần nhất.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim, phổi, thận hay bất kỳ các bệnh lý nào khác.
Ngoài ra bạn cũng nên cẩn trọng với các tác dụng phụ của Tamiflu như buồn nôn, nôn ói, đau đầu hay đau nhức toàn thân. Tuy nhiên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc, vì thế bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ/dược sĩ trước khi quyết định uống nhé.