Sử dụng đồ công nghệ luôn đi kèm vô số rủi ro, linh kiện bên trong có thể "chết yểu" bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may gặp trường hợp như vậy, chắc hẳn phần lớn người dùng đều lựa chọn giải pháp sửa chữa hoặc thay thế, tuyệt đối không thể đứng nhìn thiết bị bất động và nằm đắp chiếu.
Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ rằng cứ cầm tiền và đem tới cửa hàng sửa chữa là mọi chuyện đều xong xuôi hết nhé. Hãy cảnh giác trước những chiêu "độc" lừa đảo khách hàng tại những trung tâm chộp giật dưới đây...
Phán bừa
Khi máy tính thường xuyên bị treo, rất có thể RAM đang gặp vấn đề. Nhưng lúc mang đến chỗ thợ sửa, nhất định sẽ có nơi phán bừa rằng dàn máy của bạn đã hỏng CPU, hỏng mainboard... và chi phí thay thế rất lớn so với việc lỗi RAM.
Chiêu thức kể trên hay được dân sửa chữa áp dụng với những người dùng thiếu kinh nghiệm, con gái hoặc khách hàng trung niên mù mờ… Vậy làm sao để hạn chế tình trạng này và phân biệt kẻ xấu đang "bắt mạch" sai căn bệnh đây nhỉ?
Lời khuyên được đưa ra là bạn nên tìm tới những trung tâm thực sự uy tín, được đông đảo người dùng hoặc thành viên tại các diễn đàn công nghệ tin tưởng.
Hỏng thêm bộ phận khác
Trường hợp này cũng khá thường gặp cho dù bạn mang thiết bị đến đâu đi nữa. Một ví dụ thực tế như sau: chiếc laptop gặp chuyện, bạn phải đem bảo hành/sửa chữa. Nhân viên kỹ thuật nói rằng cần giữ máy lại để thay ổ cứng. Bạn đồng ý. Nhưng khi nhận lại thì trên màn hình có một vết xước dài. Đồng thời, vỏ ngoài của máy cũng bị "bầm dập" không rõ nguyên nhân.
Tất nhiên, điều này chỉ cho thấy cảm nhận bên ngoài và chưa kể tới những hư hỏng "khó đỡ" của phần cứng. Đấy chính là hậu quả của thói làm việc tắc trách, cẩu thả của một số nhân viên thiếu chuyên nghiệp. Có thể họ đã giải quyết xong vấn đề chính nhưng cũng đồng thời tạo nên rất nhiều ức chế khác nữa.
Lời khuyên: bạn nên làm cam kết với bên sửa chữa/bảo hành về tình trạng thiết bị trước khi giao máy. Sau khi nhận lại, bạn tiến hành kiểm tra thật kỹ càng và yêu cầu cửa hàng phải bồi thường nếu có "tai nạn" xảy ra.
Luộc đồ
"Cơn ác mộng" khiến người dùng sợ hãi nhất khi phải đem máy đi sửa là luộc đồ (thay thế linh kiện gốc bằng linh kiện kém chất lượng). Rất nhiều chi tiết trong hệ thống có thể bị tráo đổi như CPU, RAM, HDD, Webcam, màn hình… Khách hàng "dính chưởng" phần lớn đều không hiểu biết về máy tính. Thậm chí, nếu bạn có vốn tin học kha khá thì cũng chưa chắc phát hiện bị luộc đồ đâu nhé.
Để hạn chế tình trạng trên, khi đến "bệnh viện" bạn nên nhờ người thân am hiểu theo cùng và yêu cầu nhân viên kỹ thuật viết phiếu phát sinh sự cố. Tấm phiếu này phải ghi lại đầy đủ cấu hình máy, bao gồm số serial của từng bộ phận, tình trạng máy, bộ phận nào hư, bộ phận nào không hư, thời gian giao nhận và thông tin khách hàng. Tất cả phải có xác nhận của trung tâm và giao một bản sao cho bạn giữ.
Phá hoại
Máy tính gặp trục trặc, bạn cần mang "cấp cứu" ngay. Nhưng vì lòng tham của mình, không ít cửa hàng cố tình "phá hỏng" một số bộ phận khác, làm khách hàng phải bỏ thêm chi phí sửa chữa. Họ sẽ ghi nhớ tình trạng ban đầu của máy rồi thêm bớt những tụ điện, đổi trật tự IC, đảo chiều, cắt mạch… nhằm khiến mọi người không thể phát hiện vấn đề nằm tại đâu, ngay cả khi bạn đem máy tới "bệnh viện" khác.
Rút cục, bạn đành phải quay lại cửa hàng ban đầu và họ ung dung sửa chữa những chỗ đã phá hoại hoặc yêu cầu thay mới linh kiện. Tất nhiên, khách hàng sẽ phải móc ví khá nhiều tiền nữa rồi.
Lời khuyên: bạn hãy áp dụng những lời khuyên trong phần "Luộc đồ" phía trên.
Cho ký vào nơi kém quan trọng. Lột chữ ký, lột tem
Đối với khách hàng am hiểu kỹ thuật, họ vẫn có thể bị "thuốc" mà chẳng hề hay biết. Những trung tâm nhố nhăng thường cho người dùng ký vào những nơi không cần thiết như vỏ máy hoặc những khu vực, bộ phận dễ tháo tem.
Sau đấy, kẻ xấu sử dụng máy sấy tóc hơ vào và thoải mái bóc tem dễ dàng. Hoàn tất khâu luộc đồ hay phá hoại, họ đàng hoàng dán lại tem vào vị trí cũ, thậm chí có nơi còn làm giả chữ ký. Tiếp đó, kịch bản quen thuộc được lặp lại: "Anh/chị ơi, chỗ này của máy anh/chị cũng hỏng rồi nhé. Cần thay thế…" đi kèm khoản chi phí không nhỏ chút nào.
Lời khuyên: bạn nên dùng phần mềm đọc lại cấu hình máy, model, số serie của mỗi linh kiện rồi ghi vào phiếu biên nhận. Muốn yên tâm hơn, bạn hãy yêu cầu phía cửa hàng sửa chữa viết cam kết không luộc đồ, không làm hỏng linh kiện…