Trong một group chia sẻ về cách quản lý tài chính cá nhân, một người dùng đã kể lại kế hoạch chi tiêu hàng tháng của mình và đặt ra thắc mắc: Không biết như vậy là đã ổn hay chưa?
Được biết, người dùng này là một cô gái hơn 30 tuổi ở TP.HCM. Cô chưa kết hôn, đang sống cùng bạn trai và 1 bé mèo. Hiện tại, cặp đôi này không tốn tiền thuê nhà. Các khoản chi tiêu chung khác, cả hai đều chia đôi, mỗi người góp một nửa.
Các khoản chi của cô gái này trong 1 tháng, bao gồm tiền “góp gạo thổi cơm chung” với bạn trai và cả khoản chi đầu tư cho bản thân
Cô giải thích về các khoản chi trong bảng liệt kê phía trên như sau:
- Hoá đơn: Điện nước, internet, điện thoại, phí quản lý khu dân cư. - Nhà cửa: Chi phí thuê người dọn dẹp.
- Ăn uống: Chi phí mua thực phẩm về nhà tự nấu và mang cơm đi làm; mỗi tháng chỉ “ăn sang” 1-2 bữa.
- Mèo: Chi phí mua hạt, thịt, pate, đồ chơi. - Đi lại: Chi phí đặt xe công nghệ. - Sức khỏe: Chi phí tập Yoga 3 buổi/tuần. - Giải trí: Chi phí đăng ký Netflix, Youtube, Spotify, mua sách; thi thoảng đi xem phim, kịch, ca nhạc. - Mua sắm: Chi phí shopping 2 lần/năm.
- Quà cáp: Mua quà cho bố mẹ 2 bên, cho bản thân, nhân viên,...
- Du lịch: Mỗi năm đi 3 chuyến, 1 chuyến to và 2 chuyến nhỏ.
“Tổng chi phí của mình chiếm khoảng 19% thu nhập, 81% còn lại là đầu tư và tiết kiệm” - Cô chia sẻ.
Nhìn vào file tổng kết chi tiêu mà cô gái này chia sẻ, không ít người trầm trồ vì cô đang chi tiêu hợp lý với mức thu nhập, cộng thêm thói quen tiết kiệm và đầu tư là chẳng “chê” được gì nữa, cũng không có khoản chi nào phải sửa.
Dành khoảng chừng 5 phút “soi” thật kỹ file quản lý chi tiêu của người dùng ẩn danh này, bạn sẽ “bỏ túi” được kha khá bí quyết cho riêng mình đấy.
1 - Cách tạo file quản lý chi tiêu
Quản lý chi tiêu không khó. Nếu bạn thấy nó khó, lý do có thể chỉ đơn giản vì bạn chưa biết cách tạo file quản lý chi tiêu dễ hiểu mà thôi. Dễ hiểu ở đây nghĩa là chỉ cần nhìn vào file, bạn sẽ biết được khoản chi này tốn bao nhiêu tiền theo tháng, theo năm và nó chiếm bao nhiêu % thu nhập.
Ảnh minh họa
Tất cả những điều đó, cô gái ẩn danh này đều làm được và đó là lý do file quản lý chi tiêu của cô rất dễ hiểu. Đáng học hỏi!
2 - Có ngân sách rõ ràng cho việc hưởng thụ cuộc sống
Đừng “sơ hở là đi chữa lành” vì tâm hồn bạn có thể vui trong chốc lát, còn ví của bạn sẽ “đau khổ” dài lâu đấy. Việc hưởng thụ hoàn toàn không sai nếu bạn có kế hoạch rõ ràng, ngân sách cụ thể.
Tùy vào mức thu nhập mà ngân sách hưởng thụ của mỗi người sẽ khác nhau. Trong trường hợp của cô gái này, cô chi 50 triệu/năm cho việc đi du lịch - tương đương 5% thu nhập. Một năm có 12 tháng, cô đi du lịch 3 chuyến/năm, nghĩa là trung bình 3 tháng đi chơi một lần.
3 - Phân bổ đều đặn các khoản chi
Có thể thấy ngoài các chi phí cố định như ăn uống, đi lại, tiền sinh hoạt phí cho bản thân và bạn trai, tiền nuôi mèo, cô gái này còn đầu tư cho chăm sóc, cải thiện sức khỏe (học Yoga); đồng thời có các hoạt động giải trí lành mạnh khác (xem phim, nghe nhạc,...). Bên cạnh đó, ngân sách cho việc mua sách chỉ chiếm 2% thu nhập - Một tỷ lệ quá lý tưởng với một người phụ nữ.
Ảnh minh họa
Tất cả các nhu cầu trong cuộc sống đều được đáp ứng, mà không có khoản chi nào vượt quá 5% thu nhập. Rõ ràng, không phải tự nhiên mà cộng đồng mạng vỗ tay, khen cô gái này chi tiêu quá khéo.
4 - Kỷ luật với bản thân
Thử tính toán nhanh thế này: Mỗi tháng, cô chi tiêu hết khoảng 15,5 triệu đồng - tương đương với 18,5% thu nhập => Thu nhập hàng tháng: 15.500.000 x 100/ 18,5 = ~83,7 triệu đồng.
Trong bài đăng của mình, cô gái này có viết: “Bạn bè hay trêu mình sao sống tiết kiệm thế. Câu cửa miệng của mình là “thôi tháng sau nhé, tháng này hết tiền rồi…”.
Thu nhập 83,7 triệu đồng/tháng, mà chỉ chi tiêu 15,5 triệu đồng/tháng, không khó để nhận ra tính kỷ luật của cô gái này. Có kế hoạch chi tiêu, lập ngân sách cụ thể cho từng khoản chi chỉ là bước đầu, nhưng có bám sát và tuân thủ các kế hoạch đã đề ra hay không mới là điều quan trọng.
Và thường thì chúng ta luôn thất bại ở bước thứ 2 này, vì thiếu tính kỷ luật - Yếu tố cốt lõi làm nên sự khác biệt giữa người “vén khéo” với người vụng chi.