Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng bài toán mua nhà trả góp với thu nhập 20 triệu đồng dù khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, do mua theo hình thức trả góp nên khách hàng cần phải cân nhắc một số yếu tố như lãi suất vay của ngân hàng, sự ổn định của công việc, mức độ gia tăng thu nhập trong tương lai… để có thể chắc chắn rằng sẽ trả được khoản nợ, thậm chí là trả được nợ trước thời hạn.
Đặc biệt, để có thể mua được nhà, hàng tháng mỗi người nên tiết kiệm khoảng 50% thu nhập. Chẳng hạn, với mức thu nhập 20 triệu/tháng, bạn có thể tiết kiệm khoảng 10 triệu mỗi tháng. Như vậy, sau 1 năm, bạn sẽ tiết kiệm được 120 triệu đồng. Sau khoảng 5 năm bạn có 600 triệu đồng. Số tiền này có thể giúp mua trả góp được một căn hộ giá rẻ dưới 2 tỷ đồng với tỷ lệ vay ngân hàng 70%.
Như vậy, với thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng, phải sau ít nhất 5 năm tiết kiệm, bạn mới có thể tính đến chuyện mua nhà.
Với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chỉ nên nghĩ đến mua nhà sau 5 năm tích lũy. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)
Khi mua nhà trả góp, người mua đặc biệt cân nhắc và tìm hiểu thông tin chính xác về mức lãi suất hàng năm. Thông thường, con số lãi suất mà ngân hàng đưa ra trong vòng từ 6-12 tháng là rất hời. Nhưng từ 1-5 năm, mức lãi suất sẽ tăng theo thời gian. Vì vậy đòi hỏi việc tính toán kỹ càng để không quá căng thẳng vì nợ nần.
Các chuyên gia đưa lời khuyên, bạn chỉ nên mua nhà khi có 50% vốn tự có và vay ngân hàng 50% giá trị căn hộ. Điều này giúp bạn không quá áp lực và nặng gánh với con số đang nợ cũng như trả lãi hàng tháng.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group, nguyên tắc 50/50 thứ hai cần tuân thủ là số tiền trả góp không quá 50% mức thu nhập hàng tháng. Hơn 50% còn lại dùng để chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống; tái tạo lại sức lao động để tiếp tục kiếm tiền. Với số tiền có thể chi trả khoảng 10 triệu đồng/tháng thì mức vay khoảng 1 tỷ đồng là hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn cần lập kế hoạch chi tiêu chi tiết để cân đối và kiểm soát được việc quản lý chi tiêu. Trước tiên, hãy liệt kê tất cả các khoản chi phí sinh hoạt, trong đó chia ra khoản nào thiết yếu, khoản nào không thiết yếu để có thể dễ dàng cắt bỏ.
Các khoản chi thiết yếu bao gồm như tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống… Còn lại những khoản không cần thiết như: giải trí, mua sắm, du lịch… nên hạn chế để tạo thói quen chi tiêu hợp lý cũng như đạt được dự định trong thời gian sớm nhất.