Thử làm việc này suốt 1 tháng, kết quả khiến cô vợ sợ hãi đến mức cả đời không dám làm lần 2

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 13:23 29/03/2025
Chia sẻ

Đúng là cứ phải ghi chép chi tiêu thì mới thấy mình tiêu nhiều hơn mình nghĩ cả trăm lần.

Chúng ta vẫn nhắc tới việc ghi chép chi tiêu như một bước cơ bản, bắt buộc phải làm trên hành trình quản lý tài chính cá nhân. Điều này cũng dễ hiểu thôi, có ghi chép chi tiết, cẩn thận thì mới biết mình đã tiêu tiền vào những việc gì; mới có dữ liệu để nhìn vào mà cắt giảm cho hợp lý.

Với mục tiêu ấy, cô vợ trong câu chuyện dưới đây cũng thử ghi chép chi tiêu trong 1 tháng, nhưng kết cục lại có phần không được như kỳ vọng.

Hoảng sợ khi nhìn lại những con số, không ngờ lại tiêu nhiều đến thế

Trong bài tâm sự của mình, cô viết: "Sau 1 tháng thử ghi chi tiết các khoản chi, thì mình thật sự sợ hãi. Tháng sau không dám nghĩ tới việc ghi chi tiết như thế này nữa luôn. Nhà mình 5 người , 2 vợ chồng , 1 bé học lớp 3 , 1 bé học lớp 2 và 1 bé gần 6 tháng. Tiền học thêm mình đã đóng theo khoá, tiền tiêm ngừa mình đã mua theo gói rồi nên không có trong đây.

Nhìn lại thấy mình tiêu hoang thực sự".

Thử làm việc này suốt 1 tháng, kết quả khiến cô vợ sợ hãi đến mức cả đời không dám làm lần 2- Ảnh 1.

Bức ảnh ghi chép chi tiêu do cô chia sẻ. Cô cho biết thêm rằng phí giao lưu và tiền đi lại hơi nhiều vì vợ chồng thường xuyên phải gặp gỡ đối tác, cũng như đi công tác bằng máy bay

Nhìn bức ảnh này, nhiều người phỏng đoán thu nhập của gia đình cũng phải ở mức "rất khá". Ngoài khoản giao lưu và đi lại hơi cao, thì các khoản chi tiêu khác cũng khá ổn rồi. Bên cạnh đó, nhiều người cũng động viên cô vợ này nên "đối mặt với cảm giác sợ hãi" để tiếp tục ghi chép chi tiêu. Cứ cố đối mặt khoảng 2-3 tháng rồi sẽ tìm được cách chi tiêu hợp lý.

"Mom này vui tính ghê, ghi chi tiết ra thấy sợ hãi quá nên không ghi nữa luôn haha. Nhưng nên cố mẹ nó ạ, duy trì vài tháng là hết sợ, là có động lực chi tiêu hợp lý đấy chứ ai lại sợ quá nên bỏ ngang thế bao giờ không" - Một mẹ vừa đùa vừa động viên.

"Mình cũng có thói quen ghi ra 3 năm nay rồi, cuối tháng nhìn lại hoảng luôn. Nhưng vẫn cứ phải ghi để biết mình đã tiêu những gì" - Một người khác đồng cảm.

"Có tiền đi lại, giao lưu với đám tiệc hơi cao thôi. Nhưng nếu để phục vụ công việc kiếm tiền thì cũng khó mà giảm được mẹ nó ạ. Chứ còn lại thì mình thấy các khoản đều hợp lý rồi ấy" - Một người nhận xét.

Cách quản lý chi tiêu hiệu quả mà không cần ghi chép từng khoản chi

Ghi chép chi tiêu là việc nên làm để quản lý chi tiêu, nhưng đương nhiên, đó không phải là phương án duy nhất. Nếu không muốn ghi chép chi tiêu, dù vì bất cứ lý do gì, bạn có thể cân nhắc áp dụng 3 gợi ý dưới đây.

1 - Lập ngân sách chi tiêu theo ngày

Sau khi nhận lương, bạn hãy trừ đi hết các khoản chi cố định hàng tháng (như tiền tiết kiệm, tiền ăn, tiền thuê nhà, phí dịch vụ, xăng xe,...). Với con số còn lại, hãy chia nó cho 30 là sẽ ra được hạn mức chi tiêu của 1 ngày. Và bạn chỉ cần nhớ hạn mức chi tiêu theo ngày thôi, hôm nay tiêu lố, ngày mai phải tiết chế lại để không bội chi. Cứ vậy mà làm, chừng 1-2 tuần là quen ngay.

2 - Lập ngân sách chi tiêu theo tuần

Tương tự như cách lập ngân sách chi tiêu theo ngày, nhưng thay vì chia con số còn lại sau khi trừ đi hết các khoản cố định, bạn hãy chia cho 4, để tìm ra được hạn mức chi tiêu trong vòng 1 tuần.

Thử làm việc này suốt 1 tháng, kết quả khiến cô vợ sợ hãi đến mức cả đời không dám làm lần 2- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cách này có lẽ sẽ phù hợp với những "mầm non" đang tập hình thành thói quen tiết kiệm hơn, vì nới lỏng thời gian đặt hạn mức chi tiêu theo tuần thay vì theo ngày, việc cân đối chi tiêu sẽ dễ thở hơn phần nào. Khi đã dần quen với việc quản lý chi tiêu, cách 1 vẫn tối ưu hơn trong việc hạn chế tình trạng đầu tháng sống như bà hoàng, cuối tháng ngồi húp mì tôm.

3 - Chia tiền vào nhiều tài khoản, mỗi tài khoản dùng cho đúng 1 nhu cầu

Nếu đã áp dụng cả cách 1 và cách 2 mà vẫn thấy không hiệu quả, tình trạng âm tiền hàng tháng vẫn cứ tái diễn, phương án cuối cùng chính là đặt hạn mức chi tiêu cho từng nhu cầu, có bao nhiêu nhu cầu thì dùng bấy nhiêu tài khoản ngân hàng/ví điện tử. Mỗi tài khoản, mỗi ví điện tử chỉ "đựng" tiền của 1 nhu cầu, chi tiêu cho nhu cầu nào thì dùng nguồn tiền tương ứng để thanh toán.

Việc này nhằm đảm bảo bạn không bị nhập nhằng giữa các khoản chi, các nhu cầu. Chứ hạn mức rõ ràng, mà tiền cứ gom chung một chỗ, quả thực cũng rất khó quản lý.

Ví dụ: Bạn thường xuyên đặt đồ ăn trên app và thanh toán bằng thẻ/ví điện tử, vậy thì hãy chuyển số tiền ăn tương ứng trong tháng vào thẻ/ví điện tử đã liên kết với app đặt đồ ăn. Tương tự với nhu cầu mua sắm online. Với các khoản chi nhỏ lẻ khác như tiền đổ xăng, tiền gửi xe, tiền nạp điện thoại, bạn có thể rút ra thành tiền mặt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày