Thủ khoa thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội 2024 đạt 95,85 điểm

Hà Cường/VTC News, Theo VTC News 21:06 15/12/2023

Đại học Bách khoa Hà Nội công bố kết quả thi Đánh giá tư duy đợt 1 năm 2024, thí sinh đạt điểm cao nhất 95,85/100, điểm trung bình 52,48/100.

Theo thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nộị, trong đợt 1, tổng số 2.707 thí sinh dự thi. Thí sinh đạt điểm cao nhất 95,85/100, điểm trung bình 52,48/100, trung vị tại 52,14/100. Có 3 thí sinh đạt trên 90 điểm, 27 thí sinh đạt trên 80 điểm.

Tỷ lệ thí sinh đạt trên 70 điểm khoảng 5,28%, đạt trên 60 điểm chiếm 23,86% và đạt trên 50 điểm chiếm 57,26%.

Thủ khoa thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội 2024 đạt 95,85 điểm - Ảnh 1.

Phổ điểm kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2024

Kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2024 (TSA2024) được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tại 9 cụm thi: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.

Điều đặc biệt trong kỳ thi TSA2024 và các năm tiếp theo là thí sinh sẽ được công bố cả điểm TSA thành phần, gồm: Toán, Đọc hiểu, Khoa học/Giải quyết vấn đề.

Trong số 2.757 thí sinh dự thi đợt 1 có 85 thí sinh dự thi không có CCCD gắn chíp sẽ cần làm thêm các thủ tục để nhận được kết quả thi. Trong các lần tổ chức thi tiếp theo, việc đem CCCD có gắn chíp khi đến dự thi sẽ là lưu ý nhiều hơn đến với thí sinh dự thi.

Thủ khoa thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội 2024 đạt 95,85 điểm - Ảnh 2.

Lịch đăng ký dự thi của các đợt thi đánh giá tư duy năm 2024

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đợt thi năm nay được bố trí sớm hơn mọi năm với mục tiêu để những học sinh tự tin về kiến thức của mình có thể tham gia thi sớm.

Ngoài ra, còn một mục tiêu khác là giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi và đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Cấu trúc của bài thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2023, gồm 3 phần: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học, trong đó, nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt. Đặc biệt, phần Tư duy Khoa học đã "xóa nhòa ranh giới" giữa các tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.

"Thí sinh không nên thi hai đợt thi gần nhau vì sẽ không nâng lên được năng lực, kết quả thi nhiều. Việc học kiến thức nền tảng là rất quan trọng, đề thi không 'mẹo' nhưng hỏi nhiều kiến thức khá rộng. Với số lượng câu hỏi nhiều và ở 3 cấp độ tư duy, thí sinh phải hết sức khẩn trương và có chiến lược làm bài tốt", ông Điền cho biết.