Tôi ở Sài Gòn đã được 6 năm, đủ để biết quán nào bán cơm tấm sườn bì chả với nước mắm ngon "cực phẩm", đủ để tan tầm biết nên chạy vào hẻm nào mà né kẹt xe. Sài Gòn trong tôi là thành phố của những toà nhà cao tầng, của những ồn ã bất tận, của những cuộc vui náo nhiệt thâu đêm suốt sáng. "Thành phố không ngủ" này thực sự như một người trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê và luôn có thừa năng lượng.
Tôi cứ nghĩ mình đã đủ hiểu về Sài Gòn cho đến một ngày bị kéo vào hành trình khám phá thành phố với một người bạn đến từ Hà Nội. Hoá ra, Sài Gòn vẫn có rất nhiều những điều nho nhỏ giản dị, đáng yêu mà bấy lâu nay tôi đã bỏ quên. Hoá ra, đằng sau cái vẻ hào nhoáng, rực rỡ kia thì Sài Gòn vẫn có những bình lặng, những dịu êm mà chỉ cần bước chậm lại, bạn sẽ thấy thật lạ lẫm và mới mẻ.
Thử khám phá Sài Gòn như một người khách lạ, tôi nhận ra mình như "yêu lại từ đầu" hay là thêm một lần nữa, bị "cảm nắng" chính thành phố mình đang sống.
Dậy sớm có lẽ là điều khá xa xỉ với nhiều người trẻ, nhất là khi người ta sống ở Sài Gòn - thành phố của những cuộc vui thâu đêm. Nhưng mà sáng nay, bạn Hà Nội đã kéo tôi dậy từ sáng sớm để có một bữa ăn sáng đúng nghĩa chứ không phải là món sandwich mua vội ở cửa hàng tiện lợi. Quán sữa tươi Mười là điểm dừng chân đầu tiên của 2 đứa. Gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ là một tiệm nhỏ vừa là gian bếp lẫn chỗ bày bán cùng ít ghế nhựa làm chỗ ngồi cho khách. Góc nhỏ này đã ở đây hai mươi năm có lẻ, chứng kiến biết bao buồn vui của những vị khách ghé đến mỗi sáng.
1 ly sữa cho tôi, cà phê cho bạn cùng 2 chiếc bánh ngọt là đủ cho một bữa sáng đơn giản nhẹ bụng. Sữa tươi ở quán ngon, nhưng điều đáng nhớ nhất có lẽ là cảm giác sáng sớm ngồi nép mình ven đường, lơ đãng ngắm dòng người qua lại trên con đường Phùng Khắc Khoan. Lúc này, cảm giác như mọi thứ đều trôi thật chậm rãi, thư thái. Nắng lên, dòng người cũng dần đông đúc hơn nhưng cảm giác nhẹ nhõm kia vẫn còn theo tôi đến cả ngày dài.
Chúng tôi dành phần còn lại của buổi sáng để đi dạo quanh Hào Sỹ Phường - con hẻm đã có lịch sử hơn 100 năm giữa lòng Sài Gòn. Ở nơi đây dường như mọi thứ trôi qua chậm hơn. Người ta tận hưởng cuộc sống không vội vã, không khói bụi, không tiếng ồn, dù chỉ cách đường lớn có vài bước chân. Những ngôi nhà mang màu của thời gian, những nét văn hóa được gìn giữ qua hàng trăm năm ở con hẻm này đã đem đến một hình ảnh Sài Gòn đầy thi vị.
Khi hầu hết người lớn đã lao ra đường với cuộc sống mưu sinh thì trong hẻm chỉ còn lại người già, trẻ con và đám chó mèo lơ đãng ngủ gật. Vài ông cụ, bà cụ ngồi uống trà, mỉm cười khi thấy đám trẻ lạ mặt ngó nghiêng xung quanh với đôi mắt tò mò, lạ lẫm. Vài bản nhạc Hoa du dương vang lên trong cái không gian chầm chậm đặc sệt mùi thời gian. Ở Hào Sỹ Phường, người ta cứ ngỡ đang lạc vào bối cảnh một bộ phim TVB nào đó chứ không phải đang ở giữa Sài Gòn. Thế nhưng chính sự giao thoa văn hóa thú vị ấy đã tạo nên một Sài Gòn rất riêng, rất thơ.
Lâu lắm mới đi dạo nên trên đường về, tôi còn đừng lặng hồi lâu khi phát hiện ra một tiệm cắt tóc nhỏ nằm dưới một tán cây ven đường. 1 chiếc gương, một chiếc ghế, một ông thợ với vài ba cây kéo thế là, có ngay một "tiệm hớt tóc" nằm đó, lắng nghe bao nắng mưa của thời gian.
- Khoẻ hông anh Ba, hổm rày tới giờ mới thấy ghé lợi.
- Tóc dài quá rầu mà nay mới ghé được, mơi con gái tui cưới đó, cũng phải tóc tai sao cho coi được chứ đúng không chú?
Những câu chuyện cứ thế rôm rả theo từng tiếng kéo xoèn xoẹt đều tay. Giữa thành phố lớn rộng lớn là vậy nhưng mà, ai rồi cũng có cho mình 1 góc riêng, để sẻ chia với nhau những câu chuyện không đầu không cuối.
Ở Sài Gòn đã 6 năm vậy mà, tôi chưa một lần nghe đến cà phê vợt cho đến khi được một người bạn Hà Nội đòi dẫn đi thử. Bạn đọc được trên blog của một travel blogger người Úc rằng đây là điều must try ở Sài Gòn. Hoá ra, thành phố này vẫn còn rất nhiều bí mật mà lắm khi, phải tình cờ có một mối duyên nào đó bạn mới có thể chạm đến để hiểu và rồi thêm yêu Sài Gòn thật nhiều.
Mấy chục năm về trước, văn hoá cà phê Sài Gòn chỉ có một cách pha thông dụng là dùng vợt thiếc. Cafe đã xay nhuyễn được đổ vào chiếc vợt dài rồi nhúng vào siêu nước đang được đun sôi bằng bếp củi. Sau đó, người pha dùng muỗng khuấy đều, tạo bọt rồi đậy nắp nồi siêu lại, chờ khoảng 5-10 phút rồi rót ra. Cafe vợt ngày ấy đã từng hoà cùng cùng nhịp sống với nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Rồi cũng đến một ngày, văn hoá thưởng thức cà phê này bị thời gian nhấn chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho các loại hình cafe du nhập từ phương Tây. Quán cà phê của ông bà Ba nằm trong con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đã mở bán suốt 60 năm nay, kiên trì gìn giữ cho Sài Gòn một nét văn hoá thưởng thức rất đẹp và rất "nghệ". Rất nhiều những vị khách đã gắn bó với nơi này từ thời trai trẻ đến đầu đã có hai thứ tóc. Đến tận bây giờ thì mỗi ngày họ vẫn đến quán, cafe, đọc báo, để như được sống lại trong không gian Sài Gòn xưa. Ngồi giữa những hoài niệm về thời gian, tôi thấy mình như được sống chậm lại, lắng đọng hơn để có thể cảm nhận được thật sâu, thật lâu vẻ đẹp của quá khứ ẩn sau lớp bụi mờ.
Cuối ngày, chúng tôi thư thả dạo bước ở phố Tây Bùi Viện. Nhưng khác mọi ngày một chút, tôi không hoà mình và cuộc vui mà chỉ lặng lẽ ngắm nhìn những ánh đèn sáng rực rỡ lung linh từ xa. Rồi ngồi giữa những du khách nói đủ thứ tiếng, đủ mọi màu da và ăn một tô phở nóng hổi để thực sự cảm thấy là "khách lạ" ở chính thành phố của mình.
Cùng tôi ghi lại hành trình yêu Sài Gòn như một vị khách lạ chính là chiếc điện thoại Samsung Galaxy A71. Những kỉ niệm đẹp về một ngày rất lạ được ghi lại trọn vẹn và đủ đầy. Đủ để nhắc nhớ tôi rằng đôi khi hãy thử nhìn mọi thứ ở một góc nhìn khác, ở một tâm thế khác để biết rằng, thành phố tôi đang sống thật sự đẹp biết bao nhiêu. Còn bạn, bạn có dám một lần thử "yêu thêm lần nữa" Sài Gòn của mình?