Thu được tín hiệu radio bí ẩn từ thiên hà cách đây 1,5 tỉ năm ánh sáng: Người ngoài hành tinh hay có đáp án nào khác?

J.D, Theo Helino 12:08 10/01/2019
Chia sẻ

Các nhà khoa học mới phát hiện ra một tín hiệu radio "lạ" từ một thiên hà cách đây 1,5 tỉ năm ánh sáng. Vấn đề nằm ở chỗ đây mới là lần thứ 2 họ thấy tín hiệu tương tự như vậy thôi.

Trên hành trình đi tìm sự sống ngoài Trái đất, con người vấp phải một số hiện tượng mà đến nay vẫn còn là bí ẩn với khoa học. Một trong số đó là FRB (Fast radio burst) - những tín hiệu radio rất mạnh và nhanh, được cho là đến từ một địa điểm bí ẩn trong vũ trụ, thậm chí là tác phẩm của người ngoài hành tinh.

Thu được tín hiệu radio bí ẩn từ thiên hà cách đây 1,5 tỉ năm ánh sáng: Người ngoài hành tinh hay có đáp án nào khác? - Ảnh 1.

Trên thực tế thì khoa học đã từng bắt được rất nhiều FRB. Tuy nhiên, chỉ có một trong số đó có quy luật lặp lại - đó là FRB 121102 hồi tháng 9/2018. Nhờ thế mà chúng ta có thể lần đầu tiên truy về nguồn gốc phát ra tín hiệu.

Và mới đây theo BBC đưa tin, khoa học đã lần thứ 2 tìm được một FRB lặp như vậy. 

"Cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1 FRB lặp được biết tới," - trích lời Ingrid Stairs, nhà vật lý thiên văn từ ĐH British Columbia (Canada). 

"Phát hiện ra thêm một FRB lặp nữa cho thấy ngoài kia chúng có thể phổ biến hơn ta tưởng. Và khi chúng xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta có thể giải được một trong những câu đố khó nhằn nhất về vũ trụ: đó là thứ gì đã tạo ra FRB, và chúng đến từ đâu."

Thu được tín hiệu radio bí ẩn từ thiên hà cách đây 1,5 tỉ năm ánh sáng: Người ngoài hành tinh hay có đáp án nào khác? - Ảnh 2.

Đài quan sát thiên văn CHIME tại Canada

Tín hiệu lần này được đặt tên là FRB 180814.J0422+73, và nó xuất hiện từ tháng 8/2018. Nó lặp lại khoảng 6 lần, và các tín hiệu được Đài quan sát thiên văn CHIME (Canada) thu được. Tổng cộng, CHIME nhận được 13 FRB, trong đó có tín hiệu lặp lần này. 

Điều khiến khoa học ngạc nhiên nhất là hiệu quả của đài thiên văn CHIME. Nó thậm chí còn chưa hoạt động hết công suất, mà thành quả thu được đã rất tuyệt vời 

Với FRB 121102, nhờ quy luật lặp lại của nó mà khoa học có thể lần về nguồn gốc. Đó là một thiên hà cách chúng ta 3 tỉ năm ảnh sáng. Và bởi các tín hiệu có tính chất phân cực, có vẻ như FRB 121102 đã đi qua một vùng mang từ trường rất lớn.

Còn FRB 180814.J0422+73, nguồn gốc của nó là một thiên hà cách chúng ta 1,5 tỉ năm ánh sáng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết thứ gì đã tạo ra FRB 121102, cũng như các tín hiệu FRB không lặp khác. Lần này cũng vậy, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh vài điểm khá thú vị. 

Đầu tiên, CHIME là đài quan sát tối tân, với nhiệm vụ truy tìm các FRB tại bán cầu Bắc, cũng giống như ASKAP tại Úc đang làm ở bán cầu Nam.

Thứ hai, với CHIME và ASKAP, chúng ta có thể xây dựng được nguồn dữ liệu khổng lồ dành cho các tín hiệu FRB lặp. Dần dần, việc truy tìm nguồn gốc cũng như danh tính của từng tín hiệu sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thu được tín hiệu radio bí ẩn từ thiên hà cách đây 1,5 tỉ năm ánh sáng: Người ngoài hành tinh hay có đáp án nào khác? - Ảnh 3.

Ngoài ra, các tín hiệu do CHIME thu được đều ở tần số thấp nhất trong lịch sử - khoảng 400 megahertz. Điều này có nghĩa giới hạn thu tín hiệu của các đài quan sát đã được kéo giãn. Đồng thời, con số 400 megahertz đã khiến một vài lý giải trước kia gặp rắc rối.  

"Không rõ nguồn gốc của các FRB này là gì, chỉ biết rằng tần số của chúng có dải khá rộng. Đã từng có một vài mô hình chứng minh chẳng có thứ gì sản sinh được sóng radio ở dưới tần số đó, nhưng nay đã bị hủy bỏ," - trích lời Arun Naidu từ ĐH McGill (Canada).

Một điểm thú vị khác là cả 13 tín hiệu do CHIME thu được đều có bằng chứng cho thấy chúng di chuyển theo hướng phân tán, lệch so với quỹ đạo ban đầu. Yếu tố này có thể cung cấp thêm thông tin về nơi chúng phát ra. 

"Có thể là một đám vật chất, giống như những thứ còn sót lại của một vụ nổ siêu tân tinh," - Cherry Ng, chuyên gia thiên văn học từ ĐH Toronto chia sẻ. "Hoặc cũng có thể là ở hố đen khổng lồ nơi trung tâm của dải thiên hà."

Cũng theo Naidu, chúng ta sẽ cần thêm những quan sát mới trong tương lai để có nhận định rõ ràng hơn về các FRB. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Tham khảo: Science Alert, BBC
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày