Hồi cuối năm 2017, đài quan sát Pan-STARRS-1 tại Hawaii đã cho công bố một phát hiện hết sức đáng chú ý đối với giới thiên văn học. Đó là tảng thiên thạch có số hiệu1I/2017 U1, được đặt tên là Oumuamua.
Oumuamua có hình dạng giống một điếu cigar biết bay - một hình dáng được đánh giá là hết sức kỳ lạ. Nhưng quan trọng hơn, đây là thiên thạch có nguồn gốc từ bên ngoài hệ Mặt trời đầu tiên mà khoa học xác định được trong lịch sử.
Chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi tìm ra Oumuamua, vô số nghiên cứu liên quan đã được thực hiện nhằm tìm hiểu về kích cỡ, và các đặc tính của nó.
Với hình dáng hết sức đặc biệt, nhiều chuyên gia - trong đó có cả Stephen Hawking - tỏ ra nghi ngờ rằng đây có thể là tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh. Thậm chí, họ còn sử dụng công nghệ Breakthrough Listen của dự án Breakthrough Starshot để nghe ngóng tín hiệu radio phát ra từ đây, dù kết quả không cho thấy gì khác biệt.
Dư luận quên đi tảng thiên thạch cigar, nhưng giới khoa học thì không bỏ cuộc. Và mới đây, 2 chuyên gia đến từ Trung tâm Vật lý Thiên văn của ĐH Harvard (CfA) đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh rằng: Oumuamua có dấu hiệu được tạo tác từ một nền văn minh khác.
Cụ thể, nghiên cứu này do tiến sĩ Abraham Loeb và giáo sư khoa học của ĐH Harvard - Frank B. Baird Jr. thực hiện. Baird cũng chính là chủ tịch hội đồng cố vấn cho dự án săn tìm người ngoài hành tinh với quy mô lớn nhất lịch sử Breakthrough Starshot.
Nguồn gốc của nghiên cứu xuất phát từ việc thiên thạch Oumuamua đột nhiên tăng tốc khi tiến vào sâu bên trong hệ Mặt trời vào năm ngoái. Theo 2 chuyên gia, họ đặt giả thuyết sự tăng tốc này là do thiên thạch vốn là một cánh "buồm ánh sáng", và có thể tăng tốc với tác động từ bức xạ và gió Mặt trời.
Những con tàu mini được đẩy lên vũ trụ bằng laser của dự án Breakthrough Starshot
Loeb cho biết, một vật thể rắn mang vết nứt có độ dày chưa đầy 1mm cũng là đủ đón bức xạ và di chuyển xuyên suốt dải ngân hà. Con người đã từng chế tạo loại buồm này và phóng vào vũ trụ. Như những con tàu thuộc dự án Breakthrough Starshot đều được trang bị thiết kế này.
"Giả sử như Oumuamua là một vật thể nhân tạo, thì khả năng nó chính là một dạng buồm ánh sáng, tách ra từ con tàu của một nền văn minh cao cấp hơn và đang trôi nổi trong không gian," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
"Một giả thuyết khác, đó là Oumuamua có thể là một con tàu với đầy đủ chức năng, được gửi tới Trái đất một cách có chủ đích từ một nền văn minh xa xôi ngoài kia,"
Loeb trước đó đã từng một lần chia sẻ quan điểm tương tự. Trong một bài phỏng vấn với Universe Today, ông cho rằng Oumuamua có thể là thành tựu công nghệ ngoài Trái đất, được gửi đến nhằm thăm dò hệ Mặt trời của chúng ta - cũng giống như cách con người gửi tàu thăm dò đến chòm Alpha Centauri vậy.
Theo Loeb, ông hoàn toàn có lý do để tin tưởng vào giả thuyết này: "Nếu giả sử quỹ đạo của Oumumua là ngẫu nhiên, thì nó là sự ngẫu nhiên quá hiếm. Dựa trên các tính toán vào năm 2009, quỹ đạo ấy chỉ xuất hiện với tỷ lệ 10^15 (15 số 0) vật thể. Tỷ lệ ấy quá thấp, trừ phi Oumuamua là một con tàu có nhiệm vụ rõ ràng. "
Được biết ở thời điểm phát hiện ra Oumuamua, nó đang di chuyển với vận tốc lên tới 95.000km/h. Đáng chú ý, tảng thiên thạch không di chuyển vòng quanh Thái dương hệ như những thiên thể khác, mà nó lại lao vào khoảng giữa sao Thủy và Mặt trời, phóng qua Trái đất, sau đó hướng ra khỏi hệ.
Quỹ đạo của Oumuamua
Về nghiên cứu của 2 chuyên gia Harvard, thì đó vẫn chỉ là giả thuyết. Oumuamua có phải là tàu của người ngoài hành tinh hay không, chúng ta chưa thể có kết luận. Chỉ biết rằng trong vòng 4 năm tới, Oumuamua sẽ vượt qua Hải Vương tinh, và chính thức thoát khỏi hệ Mặt trời.
"Càng tìm hiểu về Oumuamua, chúng tôi càng thấy phấn khích hơn," - Karen Meech, nhà thiên văn học từ ĐH Hawaii cho biết.
"Tôi thực sự ấn tượng về những gì chúng ta thu được chỉ từ một tảng thiên thạch."