Ngưng hết lại mà ngắm "thiên thạch quả óc chó" tông trúng Mặt trăng 2 lần trong chưa đầy 24h

J.D, Theo Helino 15:11 03/08/2018
Chia sẻ

Chỉ trong vòng 24h, 2 viên thiên thạch đã tạo nên những đốm sáng kỳ lạ ngay trên cung trăng - vệ tinh 4 tỷ năm tuổi của Trái đất.

Số lượng thiên thạch có mặt trong vũ trụ bao la kia là vô kể, không thể đong đếm nổi. Và cũng bởi nhiều như vậy, tỷ lệ chúng va chạm vào các hành tinh, sao và thiên thể khác là vô cùng lớn.

Điều này đúng ngay cả với Trái đất. Ước tính mỗi năm, lượng thiên thạch rơi xuống hành tinh của chúng ta có tổng khối lượng phải lên tới hàng chục ngàn tấn. Nhưng chúng ta sẽ không cảm nhận được gì cả, bởi vì hầu hết là những viên "đá trời" cực nhỏ - chỉ cỡ hạt đậu thôi, và đã bị đốt cháy bằng sạch trước khi chạm đến mặt đất rồi.

Mặt trăng thì khác! Vệ tinh 4 tỷ năm tuổi của Trái đất không có khí quyển, nên luôn phải chịu đựng sự tấn công của thiên thạch.

Không rõ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng ít nhất thì kính thiên văn vũ trụ của ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu) đã ghi lại được 2 vụ va chạm của thiên thạch vào Mặt trăng chỉ trong vòng 24h đồng hồ.

Ngưng hết lại mà ngắm thiên thạch quả óc chó tông trúng Mặt trăng 2 lần trong chưa đầy 24h - Ảnh 1.

2 sự kiện xảy ra vào ngày 17 và 18/7, nhưng chỉ mới được công bố. Thiên thạch va vào dường như đến từ Alpha Capricornids - trận mưa sao băng thường niên trên Trái đất và Mặt trăng khi cả hai đi qua cái đuôi của sao chổi 169P/NEAT. 

Để theo dõi kỹ hơn, mời bạn xem qua video dưới đây.

Ngắm thiên thạch đâm vào Mặt trăng 2 lần trong 24h

Bạn nghĩ sao? Trông nhỏ bé quá đúng không? Nhưng đó là vì bạn chưa biết rằng kích thước của những viên thiên thạch ấy chỉ bằng quả óc chó thôi. Vậy mà vụ va chạm cũng đủ để khiến bề mặt cung trăng loé sáng. 

Trên thực tế, Mặt trăng có thể thường xuyên chịu đựng những đợt tấn công của thiên thạch (bề mặt thủng lỗ chỗ là minh chứng cho điều đó). Tuy nhiên, những vụ va chạm thường rất nhanh nên rất khó theo dõi. Chỉ cần một cái chớp mắt, bạn bỏ lỡ nó liền. 

Đó là lý do vì sao ESA phải lập ra MIDAS (Hệ thống phát hiện và phân tích va đập trên Mặt trăng). MIDAS là sự kết hợp giữa 3 đài quan sát trên khắp Tây Ban Nha, nhằm xác định được những khoảnh khắc lóe sáng trên Mặt trăng như khi 2 viên "thiên thạch óc chó" va phải. 

Ngưng hết lại mà ngắm thiên thạch quả óc chó tông trúng Mặt trăng 2 lần trong chưa đầy 24h - Ảnh 3.

Bề mặt thủng lỗ chỗ là minh chứng cho thấy Mặt trăng từng phải chịu rất nhiều va đập từ các thiên thể.

Việc quan sát được những tình huống như vậy có thể cung cấp những thông tin rất có giá trị, như tần suất thiên thạch va vào Mặt trăng là bao nhiêu chẳng hạn. 

"Chúng ta có thể xác định có bao nhiêu thiên thạch rơi trúng, tần suất va chạm, và từ đó tính toán được tỷ lệ trên chính Trái đất," - Jose Maria Madiedo, nhà thiên văn từ ĐH Huelva (Tây Ban Nha) cho biết.

Để việc phát hiện được dễ hơn, các chuyên gia chỉ tập trung MIDAS vào nửa tối của Mặt trăng. Sự tương phản ở đây là rõ ràng, và chúng ta cũng dễ dàng phát hiện hơn. 

Tham khảo: ESA, Science Alert
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày