Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phát đi cảnh báo khẩn về những chiêu trò nhắm trực tiếp đến học sinh, sinh viên. Những thủ đoạn lừa đảo không còn dừng lại ở việc giả mạo cơ quan nhà nước hay ngân hàng, mà giờ đây đã chuyển sang lợi dụng chính sự thiếu cảnh giác của người trẻ để chiếm đoạt tài sản.
Đăng tải trên fanpage chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có công văn số 2089/BGDĐT-KHCNMT gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo nội dung công văn, các cơ sở giáo dục cần tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên… nhằm nhận diện kịp thời các thủ đoạn mới của tội phạm.
Một trong những hình thức đang phổ biến là dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động đứng tên cá nhân. Những đối tượng xấu sau đó sẽ dùng những tài khoản này để thực hiện các hành vi phi pháp, khiến người đứng tên trở thành trung gian vô tình tiếp tay cho tội phạm. Ngoài ra, tình trạng đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc lừa người trẻ giao nộp thông tin nhạy cảm cũng đang diễn ra với tần suất ngày càng cao, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh, sinh viên,... cảnh giác với thủ đoạn dụ dỗ mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh minh hoạ)
Đáng chú ý, Bộ Công an trước đó cũng đã cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi và nhắm thẳng vào phụ huynh có con trong độ tuổi học sinh.
Cụ thể, tội phạm mạng đã tạo lập các website, fanpage Facebook giả mạo danh nghĩa trường đại học, trung tâm đào tạo, các chương trình trại hè quân đội, công an hay khóa huấn luyện kỹ năng sống. Tận dụng tâm lý muốn con cái được trải nghiệm và rèn luyện môi trường kỷ luật của nhiều phụ huynh, những đối tượng này dựng nên các kịch bản thuyết phục để dụ dỗ người dân chuyển tiền tham gia khóa học, từ đó chiếm đoạt trắng trợn.
Bộ Công an nhấn mạnh: Người dân cần hết sức tỉnh táo, chỉ đăng ký và chuyển tiền cho các đơn vị tổ chức khi đã xác minh rõ ràng danh tính, uy tín và tính pháp lý của tổ chức đó. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng là bước thiết yếu để tránh sập bẫy những kẻ lừa đảo núp bóng tổ chức giáo dục.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường, người dân được khuyến khích nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an nơi gần nhất. Ngoài ra, có thể phản ánh sự việc thông qua ứng dụng VNeID - một kênh tương tác chính thức giữa người dân và lực lượng chức năng trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Cơ quan chức năng kêu gọi các nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội cùng đồng hành, nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân và cảnh giác trước mọi hành vi bất thường trên mạng. Đặc biệt, người trẻ cần hiểu rõ rằng không ai có thể giúp mình làm giàu dễ dàng chỉ bằng vài thao tác đăng ký tài khoản hay cung cấp thông tin cá nhân - nếu có, rất có thể đó là một cái bẫy.