Thủ đoạn bảo lãnh hàng loạt giáo viên "bản ngữ" rởm vào Việt Nam dạy tiếng Anh

Hoàng Lam, Theo Tiền Phong 08:30 28/11/2023
Chia sẻ

Lập hồ sơ khống hoạt động của nhiều công ty, làm giả tài liệu là cách thức để các đối tượng làm thủ tục bảo lãnh người nước ngoài không đủ điều kiện ở lại Việt Nam làm giáo viên Tiếng Anh tại các trung tâm, cơ sở giáo dục ở Thanh Hóa.

Khởi tố bị can thêm 2 giám đốc

Liên quan đến vụ án hình sự làm giả hồ sơ, tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, để dạy Tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá vừa khởi tố bị can đối với 2 giám đốc của 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố bị can đối với Trần Thị Minh (SN 1987, ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) là Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông và giáo dục Global và Trần Văn Ba (SN 1980, ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) là Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Hoàng Hà, về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép".

Liên quan đến vụ án, trước đó, tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân (SN 1984, trú phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) là Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV; đồng thời, khởi tố bị can đối với 3 nhân viên của Lê Thị Hồng Vân.

Thủ đoạn bảo lãnh hàng loạt giáo viên bản ngữ rởm vào Việt Nam dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can đối với Lê Thị Hồng Vân

Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 12/2017, Lê Thị Hồng Vân thành lập và là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục PPV. Đến năm 2019, Vân tiếp tục đứng tên người đại diện pháp luật Công ty TNHH giáo dục Quốc tế Apple. Cả hai công ty đều hoạt động trên lĩnh vực giáo dục (thành lập và tổ chức hoạt động các trung tâm dạy Tiếng Anh).

Mặc dù từ năm 2018 đến giữa năm 2020, 2 công ty của Vân đã bảo lãnh đủ số người nước ngoài (25 trường hợp) so với nhu cầu thực tế làm việc của 2 công ty. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Vân thấy nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh có nhu cầu thuê người nước ngoài dạy Tiếng Anh; mặt khác Vân nắm được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trung tâm ngoại ngữ liên kết với các cơ sở giáo dục để dạy Tiếng Anh cho học sinh nên Vân tiếp tục sử dụng danh nghĩa 2 công ty do Vân làm giám đốc để làm hồ sơ, thủ tục bảo lãnh khoảng hơn 100 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cho các cơ sở giáo dục thuê lại nhằm hưởng lợi.

Quá trình thực hiện, Vân nhận thấy, nếu chỉ sử dụng 2 công ty của Vân bảo lãnh cho quá nhiều người nước ngoài, sẽ bị các cơ quan chức năng nghi ngờ nên khoảng tháng 7/2021, Vân liên hệ với Trần Thị Minh, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và giáo dục Global và Trần Văn Ba, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Hoàng Hà tại địa bàn tỉnh Thanh Hoá (đều hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và có mối quan hệ trước đó với Vân) để bàn, thống nhất với Minh và Ba kế hoạch bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam (hoặc chuyển đổi từ công ty khác trong nước sang công ty của Ba và Minh). Sau đó, Vân sẽ quản lý, sử dụng danh nghĩa công ty của Minh và Ba ký "hợp đồng hợp tác" với các đơn vị khác nhưng bản chất là đem số giáo viên nước ngoài cho thuê lại dạy Tiếng Anh để hưởng lợi.

Nhiều trung tâm ngoại ngữ, trường học sử dụng giáo viên Tiếng Anh rởm?

Sau khi bàn bạc, thống nhất với Ba và Minh, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến đầu năm 2023, Vân đã sử dụng công ty của Minh và Ba làm thủ tục bảo lãnh cho 30 trường hợp khác, nâng tổng số người nước ngoài do Vân bảo lãnh lên khoảng 180 người.

Để có thể mời, bảo lãnh được cho số người nước ngoài nêu trên, Lê Thị Hồng Vân đã lập hồ sơ giải trình khống hoạt động của 4 công ty lên gấp nhiều lần so với thực tế. Căn cứ vào hồ sơ bảo lãnh, Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thanh Hoá đã tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của 4 công ty này.

Quá trình nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, một số hồ sơ của người nước ngoài không đủ điều kiện như: không có hợp pháp hoá lãnh sự, không có chứng chỉ Tiếng Anh theo quy định, bản dịch chứng chỉ bằng cấp không phải là ngôn ngữ Anh... nên bị trả lại. Vân đã chỉ đạo Đỗ Thị Vân, Phạm Thị Hiền và Hoàng Thị Phương là nhân viên của Lê Thị Hồng Vân làm giả một số tài liệu, sau đó chuyển các tài liệu được làm giả bằng bản scan cho các đối tượng làm dịch vụ ở thành phố Hà Nội để dịch thuật và công chức hoàn thiện hồ sơ. Sau đó những hồ sơ này được nộp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.

Trong tổng số khoảng 180 người nước ngoài nhập cảnh, Vân chỉ sử dụng 20 người làm việc tại 4 công ty trên, số còn lại một phần Vân cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thuê lại hoặc thoả thuận với người nước ngoài để người nước ngoài tự đi tìm kiếm công việc trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn thu phí (phí bảo kê lao động).

Qua xác minh, Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hoá truy tìm, xác định được 25 người nước ngoài do Vân bảo lãnh; trong đó có 6 trường hợp đang tạm trú tại địa bàn tỉnh Thanh Hoá, 19 trường hợp đang tạm trú thuộc các địa bàn tỉnh ngoài; ngoài ra, có 6 trường hợp đã xuất cảnh, số còn lại chưa xác định được hiện đang tạm trú ở địa phương nào.

Ngoài khởi tố 6 bị can, cơ quan chức năng Thanh Hoá cũng đã làm việc với các cá nhân, đơn vị sử dụng lao động trên, mở rộng điều tra và làm rõ trách nhiệm xử lý theo quy định.

Mỗi trường hợp người nước ngoài được nhập cảnh, Vân cho Ba và Minh 2 triệu đồng; đối với các trường hợp chuyển đổi từ công ty khác sang, Vân thống nhất trả cho Minh và Ba từ 5-7 triệu/trường hợp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày