Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay yêu cầu các trường sư phạm giảm chi tiêu hoặc ngừng tuyển sinh ở những ngành đã đủ nhân lực. Việc cắt giảm này không còn mang tính khuyến cáo như trước mà là một yêu cầu bắt buộc bởi thực tế là từ năm 2013 đến nay, sau khi giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4000 sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Với tốc độ gia tăng như vậy, đến năm 2020, cả nước sẽ có tới 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp.
Giải quyết khủng hoảng thừa sinh viên ngành sư phạm - (Chương trình thời sự của VTV tối 29/5)
Câu chuyện về hai vợ chồng chị Thúy (huyện Kim Động, Hưng Yên) là một ví dụ điển hình. Tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Hưng Yên ngành Văn - Sử đã 7 năm, chị Thúy chưa bao giờ được đứng trên bục giảng với tư cách một giáo viên chính thức.
Chồng chị Thúy đi dạy 5 năm rồi cũng phải nghỉ làm vì không chờ được biên chế. Hiện nay vợ chồng chị đang mở tiệm Internet và quán ăn vặt để sinh sống qua ngày.
Tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng giờ đây 2 vợ chồng chị Thúy phải mở cửa hàng ăn và tiệm Internet để sinh sống qua ngày - (Ảnh cắt từ clip)
Thất nghiệp có thể là tương lai của rất nhiều sinh viên ngành sư phạm sắp ra trường vì ngay cả các trường miền núi cũng không thiếu giáo viên. Trường cao đẳng sư phạm Thái Nguyên mỗi năm tuyển hơn 500 sinh viên hệ cao đẳng, tuy nhiên biên chế bậc THCS hiện đã thừa hơn 300 chỉ tiêu.
Ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa..., tình trạng thừa giáo viên cơ hữu cũng rất nan giải. Theo quy định, các trường có ngành sư phạm phải cắt giảm tối thiểu 10 - 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước nhưng với 108 cơ sở đào tạo trên cả nước thì số lượng giảm đi cũng không đáng kể. Do đó, cơ cấu lại các cơ sở đào tạo là một giải pháp cấp bách.
Đến năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp - (Ảnh cắt từ clip)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra giải pháp: "Chúng ta có thể sáp nhập bằng cách thành lập các trường cộng đồng để đào tạo đa ngành hoặc chuyển các trường sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học".
Em Nông Thị Dung, sinh viên trường cao đẳng sư phạm Thái Nguyên cho biết khả năng tìm việc của mình rất khó, bởi vậy sau khi ra trường, em sẽ làm trái ngành, công nhân hoặc bán tạp hóa - (Ảnh cắt từ clip)
Cuộc khủng hoảng thừa nhân lực sư phạm hiện nay một lần nữa cho thấy hậu quả của việc đào tạo không gắn với thị trường lao động. Hàng chục ngàn người phải từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, những sinh viên sắp ra trường cũng nhìn thấy nguy cơ lãng phí tiền của, công sức học tập suốt mấy năm trời.