Bạn cho rằng để thể hiện với người khác mình thuộc tầng lớp quý tộc, thì người xưa sẽ làm thế nào? Khoác 1 bộ trang phục thật cầu kỳ, đội mũ kiểu cách hay đi dáng vẻ quý phái ư?
Những điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ đâu bởi sự thật là người xưa cũng "lắm chiêu" khi gây ấn tượng với những tầng lớp khác lắm.
Dưới đây là 1 vài những dấu hiệu mà chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, bạn cũng có thể biết được người đó thuộc tầng lớp quý tộc rồi.
Từ khoảng năm 3.000 TCN, khi vàng được biết nung chảy để dát mỏng, tạo hình thì trang sức vàng cũng ra đời từ đó.
Từ đây, với độ bóng sáng, tinh tế - vàng trở thành kim loại được yêu thích nhất trong nghệ thuật tạo tác nữ trang tại Ai Cập.
Và để chứng minh độ giàu sang, quyền quý, họ thường đeo những đôi hoa tai bằng vàng lớn được chạm khắc tinh tế cùng viên ngọc trai to.
Họ tin rằng trang sức chứa trong đó một sức mạnh thần bí, đem lại sự may mắn cho người đeo cũng như toát lên vẻ "chảnh" của chủ nhân bộ trang sức.
Những người ở thế kỷ 16 tin rằng, chỉ có người sống trong sự giàu sang, quý tộc thì mới sở hữu làn da trắng. Còn người ở tầng lớp thấp, lao động chân tay thì chắc chắn sở hữu làn da đen ngăm, "bẩn bẩn" mà thôi.
Vì thế mà ai có làn da trắng bệch sẽ được coi là người có sức khỏe tốt, quý phái. Và nữ hoàng Anh - Elizabeth I nổi tiếng với làn da trắng bệch được coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp thời bây giờ.
Nhưng bạn có biết để có làn da trắng đó, người xưa đã dùng gì không? Kem trộn tẩy trắng da ư? Không đâu - mà họ dùng 1 loại bột chì carbonat (thường sử dụng trong hội họa), giấm, lưu huỳnh, phèn hoặc tro thiếc để bôi lên mặt.
Phương pháp này đã cho họ 1 làn da trắng bệch - mịn ngay lúc đầu nhưng dần ngả sang vàng ố 1 thời gian sau đó.
Ít ai ngờ, việc làm bạn với những chất độc hại này khiến tầng lớp quý tộc xưa mau chóng kết bạn với Tử thần.
Những ca ngộ độc chì "xảy ra như cơm bữa" ở thời kỳ này. Người bị ngộ độc chì có thể bị tổn thương thần kinh, đau đầu, mất ngủ kéo dài... dần dẫn đến bị liệt hoặc thậm chí là tử vong.
Không chỉ làm mọi cách cho làn da mình được trắng sáng, các phụ nữ quý tộc thời thế kỷ XIV - XVI còn tìm đủ phương pháp để mình có vầng trán cao, rộng hết mức có thể. Vì sao ư? Đó là bởi theo người xưa, 1 vầng trán cao sẽ khiến họ trông sang trọng, quý phái và uyên bác hơn.
Và để có được vẻ đẹp này, tầng lớp quý tộc xưa đã tìm mọi cách để loại bỏ hàng lông mi của mình. Ngoài ra, họ còn cố gắng kéo hết tóc ra sau, lộ đường chân tóc để tăng phần quyến rũ nữa chứ.
Được phát minh từ thời kỳ Phục Hưng nhưng những đôi giày chopines chỉ thực sự nổi tiếng khi được các nhà quý tộc Ý thế kỷ XV - XVII lựa chọn.
Với mục đích tôn dáng và giúp người dùng đạt chiều cao lý tưởng mà những đôi giày chopines được thiết kế cao dựng đứng khoảng 18cm. Đặc biệt, có những đôi cao tới 50cm.
Sở dĩ những đôi giày này có chiều cao "khủng" như vậy là bởi chúng sẽ giúp bộ váy thướt tha của quý bà xưa không bị lấm bẩn trên đường phố, hay đi qua những vũng nước một cách an toàn.
Những đôi giày chopines này hầu hết được làm từ gỗ, bao phủ ngoài bằng vải nhung hay tơ lụa. Kỳ công hơn, những đôi giày được trang trí bằng vải ren bạc, thêu kim tuyến lấp lánh.
Tuy được trang trí có vẻ cầu kỳ như vậy nhưng đáng tiếc là những đôi giày chopine thường được giấu dưới lớp váy.
Một số học giả cho biết giày chopine khiến người dùng có dáng đi không hề trang nhã và mất cân đối, vì đi giày quá cao nên lâu ngày có thể gây ra chứng bệnh liên quan tới xương khớp.
Dẫu vậy, tầng lớp phụ nữ trung lưu và thượng lưu vẫn yêu thích giày chopine vì nó giúp họ thể hiện đẳng cấp xã hội của mình.
Nguồn: Cracked, Demodecouture