Coco Chanel từng nói tỏ vẻ khinh khỉnh khi nhắc tới Elsa Schiaparelli: ''Người Ý đó chỉ may được quần áo thôi'' (Ý nói Schiaparelli chỉ là một thợ may không hơn không kém). Trong khi ấy, Giorgio Armani nhiều lần "đá thúng đụng nia" khi thương hiệu Dior lại bổ nhiệm Gianfranco Ferré - một kiến trúc sư người Ý, lên vị trí giám đốc sáng tạo của hãng năm 1988.
Đó chỉ là 2 trong số những ví dụ trực diện sinh động và hài hước, ngoa ngoắt và hay hớm về mối quan hệ khó tả của người Ý và người Pháp. Người Ý tin rằng họ có một di sản nghệ thuật, ẩm thực và kiến trúc vượt trội hơn so với Pháp, còn cư dân nước Pháp chỉ là những kẻ cơ hội và láu cá hơn mà thôi.
Một ví dụ khác cũng hấp dẫn không kém. Năm 2012, có hơn 150.000 người Ý đã ký vào đơn kiến nghị yêu cầu bảo tàng Louvre của Pháp trả lại kiệt tác nàng Mona Lisa về quê hương Florence. Số là bởi tác giả của nó, danh hoạ Ý - ngài Leonardo da Vinci, đã bán bức tranh cho người Pháp khi ông tới nơi đây.
Có quá nhiều lý do để người Ý cảm thấy họ "trên phân" so với người Pháp. Người Ý luôn tự hào bởi nghệ thuật thời kì Phục Hưng, nhận thức được rằng mình đang sống ở nơi khởi đầu cho cuộc hồi vinh của đế chế La Mã cổ đại - nơi sản sinh những anh tài đặt cho thời trang tại quốc gia này nền móng vững bền hiếm nơi nào "kèn cựa" được.
Sự đối nghịch còn thể hiện ở phong cách thiết kế. Trong khi hàng loạt thương hiệu cao cấp của Ý "lồng lộn" với chủ nghĩa tối đa, thì phong cách tối giản lại là cốt lõi mà nhiều NTK Pháp hướng đến.
Sở hữu bề dày văn hoá kém phong phú hơn, vậy mà làng mốt của đất nước hình lục lăng lại ngang nhiên khai sinh ra khái niệm Haute Couture, tạo ra những luật chơi khắt khe cho bất cứ thương hiệu nào muốn tham gia trình diễn như: sở hữu công xưởng may đo tại Pháp với ít nhất 15 người thợ may, mỗi năm ra mắt tối thiểu 2 BST gồm ít nhất 50 thiết kế vào mỗi mùa thời trang... khiến làng mốt Ý chịu phận đàn em.
Sau một khoảng thời gian dài tham gia các show thuộc khuôn khuôn khổ Haute Couture của Pháp, giới chuyên môn ở Ý nhận thấy mình đã "đủ lông đủ cánh" để tự tạo nên sân chơi riêng. Từ năm 2012, Dolce & Gabbana trở thành thương hiệu đầu tiên "nổ súng" khai màn khái niệm may đo cao cấp của riêng đất nước hình chiếc ủng.
Theo đó, những buổi trình diễn Alta Moda (thời trang nữ), Alta Sartoria (thời trang nam) và Alta Gioielleria (trang sức thượng cấp) được tổ chức với nguồn kinh phí khiến người ta phải kinh khiếp. Thành công trong việc thúc đẩy danh tiếng khiến Stefano Gabbana ngày càng cao ngạo, để rồi vào tháng 9/2020, nam NTK này đã thẳng thừng nhận xét chiếc váy của Dior trong một tính từ gọn lỏn: "Cheap" (Rẻ tiền).
Thú chơi ngông, xa hoa và có chút điên rồ của bộ đôi Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã biến đây trở thành sự kiện đe doạ tới khái niệm Haute Couture. Những nỗ lực đáng ghi nhận của bộ đôi NTK này đang dần tách hình ảnh thời trang Ý ra khỏi làng mốt nước Pháp.
Năm 2017, tới lượt Versace tuyên bố rút lui khỏi những show diễn Haute Couture. Phân khúc Atelier (cao cấp tương đương Haute Couture) của hãng sẽ tiếp tục được sản xuất, nhưng được trình diễn tại các show chỉ dành cho khách VVIP tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Hong Kong và New York. Để người có tiếng nói trong xã hội mặc đồ Atelier xuất hiện trên thảm đỏ, trong những chuyến công du hay là những bữa tiệc là cách hiệu quả nhất để quảng bá sản phẩm.
Khi mà hai cái tên "cứng cựa" trên đã tìm được hướng đi đúng đắn, người Ý có quyền tin vào một tương lai không xa khi vị thế riêng làng mốt nước này được khẳng định và phát triển phồn thịnh.
Và nếu ai đó cho rằng cuộc chiến của đôi bên thật vớ vẩn, rằng tại sao không thử bắt tay làm "huề". Quên đi! Khi mà còn tính ganh đua và cạnh tranh khốc liệt, cuộc chiến thời trang cam go này sẽ còn là tiền đề để các nhà mốt "vắt não", tạo nên những tuyệt phẩm mới trong tương lai. Những cuộc chơi quá bình yên, không có tính cạnh tranh mới chính là những cuộc chơi "cơm nguội", dễ gây buồn ngủ nhất.
Ảnh: Cosmopolitan, Elle, Harper's BAZAAR