Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop

Duy Phan, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 06/12/2017
Chia sẻ

Sự lên ngôi của những chuyên trang website nghe nhạc miễn phí hay tư duy nghe nhạc miễn phí đang tiếp tục giết chết thị trường băng đĩa nhạc Việt Nam trong thời điểm hiện tại, dù chỉ cách đây hơn vài năm thị trường này cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của băng đĩa lậu.

Hơn 10 năm trước là thời gian thịnh hành của những chiếc đầu đĩa CD và DVD, của máy nghe nhạc CD cầm tay. Đây là cách duy nhất mà khán giả có thể tiếp cận được sản phẩm âm nhạc chất lượng từ người nghệ sỹ mình yêu thích. Thu nhập của các nghệ sỹ bên cạnh những buổi biểu diễn và các hợp đồng quảng cáo như thời điểm hiện tại, còn chủ yếu đến từ doanh thu của những album được phát hành dưới dạng CD.

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, việc nghe nhạc trên các trang nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến ở Việt Nam cũng như thế giới. Nhà nhà, người người có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm âm nhạc chỉ sau một cú click đơn giản vào website hay ứng dụng trên điện thoại. Theo thống kê của tạp chí danh tiếng Billboard, doanh thu hiện nay của một nghệ sỹ được đến từ 46% bởi các website âm nhạc trực tuyến, 6% đến từ Youtube, 38% đến từ việc download các ca khúc và chỉ có 9% đến từ doanh thu bán CD. Sự lên ngôi của các website âm nhạc trực tuyến đã tạo ra một thời kỳ mới cho làng nhạc đó là thời kỳ của những ca sỹ triệu views.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 1.

Sự lên ngôi của các website âm nhạc miễn phí tại Việt Nam đang giết chết thị trường băng đĩa CD.

Tuy nhiên, điểm khác biệt ở Việt Nam là đa phần các trang web âm nhạc đều cho phép khán giả được nghe miễn phí và không có dấu hiệu các đơn vị này chi trả cho các chi phí bản quyền. Các trang web âm nhạc trực tuyến cũng bỏ ngỏ về vấn đề bản quyền bởi điều có lẽ dường như họ quan tâm chỉ là lưu lượng truy cập (traffic) của website nhằm thu hút được nhiều nguồn quảng cáo nhất có thể.

Chính vì thế, những trang nhạc online miễn phí này đã góp phần tiếp tay dần dần "khai tử" đĩa CD ra khỏi thị trường nhạc Việt. Điều này chính xác như những gì nữ ca sỹ Mỹ Tâm nhận định trong thời gian gần đây: "Bản thân tôi thấy các trang nhạc online Việt Nam hiện tại không coi trọng bản quyền của nghệ sĩ". Đó là lý do nữ ca sĩ nghiêm khắc siết chặt các vấn đề liên quan đến bản quyền để bảo vệ những "đứa con tinh thần" của mình.

Thực trạng cho thấy, số lượng bán ra các album được phát hành dưới dạng CD đều không đảm bảo sẽ giúp các ca sỹ hoàn vốn do sự lên ngôi của các trang nghe nhạc trực tuyến. Bản thân họ cũng không phải sở hữu tiềm lực về tài chính quá mạnh. Vì vậy hiện nay, các ca sỹ trẻ ưa chuộng phát hành online các ca khúc đơn (single) phát hành trực tuyến hơn là phát hành một album hoàn chỉnh để sản xuất CD. Đây có thể gọi nôm na là chiến lược "bỏ con tép, bắt con tôm". Với một sản phẩm được phát hành hoàn chỉnh dưới dạng CD, ca sỹ phải tốn rất nhiều chi phí lẫn thời gian từ chọn bài, mua bài, thiết kế album và quảng bá sản phẩm.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 2.

Mỹ Tâm vẫn phát hành CD truyền thống giữa thị trường nhạc online phát triển. Cô nghiêm khắc siết chặt các vấn đề liên quan đến bản quyền để bảo vệ "đứa con tinh thần"

Trong khi đó, việc phát hành một bản nhạc online cũng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức. Với các ca khúc phù hợp với thị trường, được khán giả ưa chuộng bởi các nhạc sỹ trẻ có tên tuổi, sẽ giúp họ đạt được lượng views cao. Chỉ cần như thế, thu nhập của họ có thể kiếm được gấp đôi, gấp ba lần những gì họ có thể thu lại được khi phát hành CD. Từ đó, ca sỹ trẻ dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn từ việc nhận các show diễn, hợp đồng quảng cáo.

Chính vì thế, sự ra đời của các album được phát hành dưới dạng CD có thể nói là đếm trên đầu ngón tay, và thị trường CD trong làng nhạc Việt cứ thế mà chết dần, chết mòn. Phát hành CD hay DVD chỉ còn là cuộc chơi của những nghệ sỹ lớn trong làng giải trí như Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng. Bản thân họ đều là những cái tên đứng đầu, tiềm lực tài chính mạnh lẫn sở hữu lượng fan khủng và mạnh sẵn sàng chi trả để mua các sản phẩm. Ca sỹ Thảo Trang nhận định: "Lỗi không nằm ở bất kỳ ai mà lỗi nằm ở thời thế, nhất là khi người Việt đã quen dần với xu hướng nghe nhạc miễn phí".

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 3.

Bản quyền – Câu chuyện chưa có hồi kết ở Việt Nam

Khác với các quốc gia khác trên thế giới, khán giả Việt Nam đại đa số vẫn còn xa lạ với vấn đề nghe nhạc phải trả tiền bản quyền. Nhất là đề tài này cũng chỉ mới xuất hiện một cách nghiêm túc trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây nhờ những vụ việc nổi tiếng như Taylor Swift từng rút hết các tác phẩm trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến như Apple Music nhằm phản đối chính sách nghe nhạc miễn phí suốt 3 tháng của ứng dụng này. Đối với một tác phẩm thì đây là một thời gian quá dài. Theo cách tính của ứng dụng này thì mỗi lượt nghe của các ca khúc sẽ được nằm ở khoảng $0.006 đến $0.0084 USD (phụ thuộc vào giá trị đồng tiền của từng quốc gia).

Trên thực tế, không chỉ Taylor Swift mà cả những "đàn anh lớn" như Cold Play cũng đã quyết định rút các album ra khỏi các ứng dụng hay website nghe nhạc trực tuyến, điều này góp phần làm tình hình doanh thu bán đĩa của họ rất khả quan.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 4.

Taylor Swift là một trong những nghệ sỹ tiên phong trong việc phản đối trào lưu âm nhạc phải miễn phí. Cô nói: "Tôi phản đối suy nghĩ âm nhạc không có giá trị và nên được miễn phí"

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của xứ người, nơi mà vấn đề tác quyền luôn được đề cao và khán giả cũng ý thức được việc mua các sản phẩm gốc, nghe nhạc có trả tiền là một chuyện cần phải làm. Chính vì thế, song song với việc ra mắt trực tuyến, các nghệ sỹ như Adele, Taylor Swift của nền âm nhạc US-UK cho đến Kpop như Big Bang, Girls’ Generation đều phát hành CD trong những dịp ra mắt sản phẩm mới.

Còn về xứ ta, từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước do một vài yếu tố khách quan, khán giả Việt chỉ có thể tiếp cận với âm nhạc quốc tế với những chiếc băng cassette được sao chép bản chính từ nước ngoài miễn phí hoặc được bán với giá vô cùng rẻ. Thời gian sau này, thị trường băng đĩa lậu, sự lên ngôi của các forum âm nhạc, website nghe nhạc trực tuyến miễn phí càng củng cố thêm suy nghĩ: "Âm nhạc là phải miễn phí".

Chúng ta thường hay nhìn vào thị trường âm nhạc của những quốc gia lân cận và tự hỏi sẽ đến thời điểm nào nền âm nhạc của Việt Nam sẽ phát triển như vậy. Một trong những câu trả lời cho câu hỏi đó là: Khi khán giả Việt bắt đầu trả tiền khi nghe nhạc, bên cạnh việc các ca sỹ cần mang đến những sản phẩm chất lượng. Chỉ khi và khi khán giả ý thức được về vấn đề bản quyền, về chuyện nghe nhạc cần phải trả tiền thì đó là lúc các nghệ sỹ sẽ tạo nên động lực cho các nghệ sỹ Việt Nam tạo ra những album chất lượng.

Nếu xem âm nhạc như một món ăn tinh thần thì ca sỹ và ekip chính là những người đầu bếp tạo ra món ăn đó. Hãy tưởng tượng một nhà hàng bạn cực kỳ yêu thích, bỗng nhiên các khách hàng đều xuất hiện và thưởng thức các món ăn miễn phí. Vậy làm sao nhà hàng đó có thể duy trì và hoạt động để mang đến cho bạn một món ăn ngon nhất? Âm nhạc dù mang giá trị tinh thần nhưng nó không đồng nghĩa với chuyện miễn phí.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 5.

Dù vậy, vẫn không ít khán giả trẻ vẫn có những suy nghĩ khác với số đông. Đại đa số sẵn sàng đặt mua những CD gốc của các sao quốc tế hay của các nghệ sỹ Việt Nam như Mỹ Tâm, để sưu tầm và ủng hộ nghệ sĩ. Nhất là theo tình hình cập nhật với album vol 9, Mỹ Tâm vừa bán ra được hơn 5.000 bản trong buổi ra mắt, chưa kể số lượng pre-order trực tuyến cũng đang tăng lên theo từng giờ. Đây có thể nói là một trong những tín hiệu tích cực về việc tôn trọng bản quyền của lớp khán giả mới của Việt Nam.

Tại sao thị trường âm nhạc vẫn cần đĩa CD?

Ví các album của các ca sỹ như một con người thì CD chính là phần linh hồn của sản phẩm đó. Tất cả những concept độc đáo, ấn tượng và câu chuyện đều được truyền tải vào một chiếc đĩa CD. Nó giúp cho một sản phẩm sẽ tồn tại lâu hơn trong tâm trí của người nghe.

Đơn cử như các sản phẩm của ca sỹ Mỹ Tâm. Một sự thật là Mỹ Tâm hầu như không đăng tải bất kỳ album nào lên các website nghe nhạc miễn phí, cho dù nó đã được phát hành từ rất lâu như album Yesterday and Now. Trong rất nhiều gia đình, "album quốc dân" này vẫn tồn tại đâu đó trên những kệ CD.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 6.

Những người yêu nhạc thực thụ họ yêu thích được nghe một album phát hành dưới dạng CD hơn là trực tuyến. Vì sao ư? Vì những bài hát được phát hành dưới dạng CD đều định dạng với chất lượng âm nhạc cao nhất đồng thời thể hiện rõ nét nhất câu chuyện, thông điệp âm nhạc mà người nghệ sỹ muốn truyền tải. Cảm giác nghe một album dưới định dạng CD vẫn mang đến một cảm giác "đã" hơn khi nghe nhạc miễn phí trên các website nghe nhạc trực tuyến.

Ngoài ra, cảm giác chạm tay vào một album thực nó vô cùng sung sướng. Bởi đó là lúc chúng ta hiểu ra được là mình đang trân trọng thành quả, thể hiện tình yêu và góp phần giúp ca sỹ yêu thích có động lực ra sản phẩm mới.

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó các website âm nhạc trực tuyến đột ngột bị xoá sổ bởi những hackers, các ca khúc cũ biến mất hoàn toàn. Lúc ấy, những album phát hành bằng đĩa CD chính là những "di sản" mà các ca sỹ để lại khi họ biến mất.

Thói quen nghe nhạc online miễn phí – con đường bức tử đĩa CD ở Vpop - Ảnh 7.

Với nghệ sỹ, CD còn mang đến một giá trị tinh thần to lớn cho bản thân họ. Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cho biết dù bản thân anh rõ ràng không sống nhờ doanh thu của việc phát hành CD, nhưng nó mang đến giá trị tinh thần to lớn với anh và những người yêu mến mình khi anh giải nghệ.

Trên thực tế, một album có chất lượng hiện nay được định dạng dưới dạng CD đôi khi chỉ bằng 2-3 ly trà sữa mà một bạn trẻ có thể chi trả. Trà sữa thì có thể uống hết chỉ trong một lần, nhưng việc mua một album có chất lượng sẽ giúp bạn giữ được một giá trị đến cả đời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày