Thời đại học tự chủ: Em trở thành sinh viên, tiền vay học phí của chị chưa trả xong

MINH GIẢNG thực hiện, Theo Tuổi trẻ Online 16:48 11/12/2022
Chia sẻ

“Gia đình tôi cứ nghĩ đây là trường công, học phí rẻ bởi điều kiện kinh tế gia đình cũng không khá giả. Khi đã trúng tuyển và đóng tiền học phí, tôi thực sự hoang mang”... Đó là tâm sự của nữ sinh viên quê Bình Thuận.

Thời đại học tự chủ: Em trở thành sinh viên, tiền vay học phí của chị chưa trả xong - Ảnh 1.

Ông Trần Diệp Tuấn - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM - trao học bổng cho sinh viên trong lễ khai giảng năm học 2022-2023 - Ảnh: U.M.P.

Đó là tâm sự của Nguyễn Phùng Bảo Minh (quê Bắc Bình, Bình Thuận), hiện là sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 2020, Minh đậu vào trường vì ao ước sẽ làm một nhân viên y tế tương lai và một phần vì học phí trường thấp hơn so với các trường khác.

Vay cho chị đi học giờ vẫn chưa trả xong

* Bạn có biết trường thu học phí cao khi xét tuyển?

- Năm 2020, tôi đăng ký xét tuyển vô trường, cũng là năm đầu tiên trường thực hiện tự chủ, học phí tăng nhiều lần so với trước đây. Riêng ngành điều dưỡng của tôi có học phí 40 triệu đồng/năm, tăng khoảng 3 lần so với trước khi trường tự chủ. Tôi hỏi ba mẹ liệu có thể lo được học phí không, ba mẹ tôi nói con cứ học, ba mẹ lo được tới đâu hay tới đó.

Tôi chọn trường công để có học phí vừa phải, đỡ cực cho ba mẹ nhưng cuối cùng đó là gánh nặng quá lớn. Năm đầu tiên, ba tôi mượn tiền người thân quen để đóng học phí cho tôi vì điều kiện lúc đó ba mẹ không có đủ tiền đóng học phí.

Thời đại học tự chủ: Em trở thành sinh viên, tiền vay học phí của chị chưa trả xong - Ảnh 2.

Sinh viên Nguyễn Phùng Bảo Minh - Ảnh: M.G.

* Ba mẹ cũng tính toán khả năng tài chính khi đồng ý cho bạn đi học khi biết học phí cao? Nguồn thu chính của ba mẹ bạn đến từ đâu?

- Mẹ tôi bán rau ở chợ, có đồng ra đồng vô nhưng để xoay xở sinh hoạt hằng ngày và trả dần lãi và gốc tiền vay ngân hàng. Ba tôi làm ruộng và chăm sóc 500 gốc thanh long. Chị tôi đi học ba mẹ cũng vay, đến nay chưa trả xong. Ngoài ra còn có món nợ ngân hàng ba mẹ tôi vay để trồng thanh long.

Mọi việc sẽ ổn hơn nếu như không có dịch COVID-19 khi nguồn thu từ thanh long ổn định. Tuy nhiên, hai năm qua thanh long mất giá, thậm chí không bán được. Ba tôi vừa không có nguồn thu, vừa phải gánh thêm nợ phân thuốc.

Học kỳ vừa rồi, ba mẹ tôi trả được một phần nợ ngân hàng nên đã được vay tiếp để đóng học phí cho tôi. Có kỳ ba mẹ chưa xoay được tiền học phí, tôi xin trường gia hạn thời gian và được trường cho kéo dài thêm một tháng.

Thanh long trồng được 5 năm, chị tôi ra trường cũng đã 5 năm nên năm nay gia đình tôi phải trả cả gốc lẫn lãi hai khoản vay này nhưng thực sự ba mẹ tôi chưa thể trả được, lại còn khoản học phí của tôi nữa.

* Trong lúc khó khăn này, bạn mong muốn điều gì?

- Tôi thực sự mong có nhiều hỗ trợ hơn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong điều kiện học phí tăng khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố. Chính sách cho sinh viên vay vốn nên linh hoạt hơn để giúp sinh viên yên tâm học tập.

Tôi thấy thủ tục vay vốn còn nhiêu khê và đôi khi không được vay, như trường hợp của tôi. Nếu không có các khoản vay này, nhiều sinh viên có thể sẽ không thể kham nổi học phí.

Không được vay vì không có xác nhận khó khăn

* Nhiều sinh viên đi làm thêm để trang trải phần nào chi phí học tập. Bạn có làm thêm không?

- Hai năm đầu tiên, hầu như học liên tục cả ngày nên tôi không thể đi làm thêm dù rất muốn. Qua năm thứ 3, đi lâm sàng nhiều nên có thời gian trống, tôi xin làm thêm ở một phòng khám. Lương cũng giúp tôi trang trải sinh hoạt phí.

Thường tôi chỉ ăn sáng hoặc trưa để giảm chi phí, buổi tối nếu đi làm sẽ được phòng khám cho ăn, nếu không đi làm thì người chị ở cùng phòng sẽ nấu cho ăn nên cũng đỡ chi phí rất nhiều.

* Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố mỗi năm chi hàng chục tỉ đồng cấp học bổng cho sinh viên. Bạn có liên hệ với trường để tìm kiếm sự hỗ trợ không?

- Có chứ. Không chỉ học bổng của trường mà còn có học bổng từ bên ngoài. Tuy nhiên đến nay tôi chưa nhận được học bổng nào vì không có giấy xác nhận gia đình khó khăn. Tôi đã gửi giấy tờ về địa phương nhiều lần nhưng họ không xác nhận nên tôi không thể tiếp cận học bổng hoặc các hỗ trợ dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Có lẽ vì gia đình tôi, và cả tôi có thu nhập hằng tháng trên 1,5 triệu đồng nên chính quyền không xác nhận khó khăn. Nguồn thu có nhưng ba mẹ tôi làm việc và phải trả nhiều khoản nợ khác nên thực tế thu nhập còn lại không bao nhiêu.

* Bạn có đăng ký vay vốn học tập để đóng học phí không?

- Tôi cũng đã hoàn thành hồ sơ, xác nhận sinh viên để làm thủ tục vay vốn học tập nhưng không được chấp nhận. Năm nay chính quyền nói gia đình tôi có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng nên không thuộc diện vay. Tôi không hiểu sao lại như vậy. Bạn tôi ở tỉnh khác vẫn vay vốn học tập và được duyệt cho vay bình thường.

Sinh viên khó khăn, hãy liên hệ với trường

Ông Trương Văn Đạt - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết mỗi năm trường trích 15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Ngoài ra còn có nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm mỗi năm khoảng vài tỉ đồng.

Bên cạnh các học bổng theo quy định, trường cũng giải quyết nhiều trường hợp đột xuất như chưa có giấy xác nhận gia đình khó khăn, tai nạn, thiên tai. Có những khoản chi không đúng theo quy định (trường không được chi), trường sẽ tìm nguồn từ các nhà tài trợ để kịp thời hỗ trợ sinh viên.

"Các thông tin hỗ trợ sinh viên được trường phổ biến công khai, rộng rãi. Có thể sinh viên chưa nắm được nên chưa liên hệ khoa, phòng công tác sinh viên để được hỗ trợ. Trường luôn luôn hỗ trợ sinh viên. Khi có khó khăn, các bạn cần liên hệ với khoa, phòng ban chuyên môn để trình bày" - ông Đạt nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày