Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?

Dương - Design: Huy Minh, Theo Thanh niên Việt 22:00 10/09/2024
Chia sẻ

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đã khiến nhiều người trẻ lo lắng máy móc sẽ thay thế mình trong tương lai.

Từ lâu, trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là thuật ngữ xa lạ. Nhưng từ năm 2023, khái niệm này ngày càng được thảo luận nhiều hơn với sự lên ngôi của hàng loạt sản phẩm như ChatGPT, DALL-E, Bard,... Từ phân tích dữ liệu lớn đến tự động hóa các quy trình làm việc, AI không chỉ là xu hướng mà còn là một làn sóng mạnh mẽ đang thúc đẩy sự thay đổi trong mọi ngành nghề.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng giao phó nhiều nhiệm vụ cho các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo. Trước hết là việc dịch thuật, hỗ trợ kỹ thuật, chuẩn bị phân tích, tạo văn bản, thiết kế đơn giản. Còn trong tương lai thì sao? Liệu ai có thể bị mất việc làm vì tiến bộ khoa học và công nghệ này?

Không chỉ tầng lớp người đi làm, mà sinh viên - những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng không khỏi hoang mang trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. “Tôi có bị thay thế?”, “Tôi phải rời khỏi đường đua việc làm?”, hay “AI sẽ đưa tôi trở thành người dẫn đầu xu hướng không?”,... là những băn khoăn của họ trước làn sóng trí tuệ nhân tạo lớn mạnh từng ngày.

Nỗi lo bị bỏ lại phía sau

Bạn Thu Quỳnh (20 tuổi, sinh viên chuyên ngành Thiết kế) nhận định: “Mình nghĩ AI hoàn toàn có thể thay thế công việc hiện tại của bản thân và nhiều người khác”.

Dù còn đang đi học nhưng Thu Quỳnh đã có hơn 1 năm kinh nghiệm làm thực tập đúng chuyên ngành Thiết kế. Từ trải nghiệm đi làm, Thu Quỳnh nhận thấy hiện nay có nhiều công cụ chỉnh sửa ảnh và video cho những người không chuyên về lĩnh vực Thiết kế. Do đó, cô e ngại về lâu dài sự phát triển của AI có thể khiến lĩnh vực bản thân đang theo đuổi bị ảnh hưởng.

“Vẫn có nhiều anh chị đi trước nói với mình rằng những sản phẩm thiết kế yêu cầu trình độ cao thì AI không thể thay thế con người. Mình cũng thấy một số ‘sản phẩm' do AI tạo ra đều cần con người chỉnh lại nếu muốn sử dụng được trong môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mình nghĩ trí tuệ nhân tạo phát triển theo từng ngày. Bản thân không nên chủ quan mà cần tìm cách kết hợp giữa chúng vào công việc, như thế mình mới không bị bỏ lại phía sau” , Thu Quỳnh chia sẻ.

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 1.

Có chung tâm trạng, Hà My (21 tuổi, sinh viên chuyên ngành Báo chí) cho biết cô thường xuyên theo dõi những thông tin về trí tuệ nhân tạo để cập nhật diễn biến mới nhất. Công việc làm thêm hiện tại của Hà My là viết nội dung cho công ty quảng cáo. Sở dĩ cô quan tâm đến sự phát triển của AI vì lo ngại một ngày trí tuệ nhân tạo có thể khiến thu nhập hay sự nghiệp của mình bị ảnh hưởng.

“Sự ra đời của Chat GPT chính là một ví dụ cho thấy AI có thể thay thế những người làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Mọi người đang sống trong thời đại mới, nơi AI tiếp quản mọi thứ và một số lao động có thể nhanh chóng bị thay thế. Đó cũng là lý do khiến mình cố gắng mỗi ngày, nỗ lực tìm được thế mạnh riêng trước khi thực sự bước chân vào thị trường lao động", cô nàng nói.

Hà My và Thu Quỳnh không đơn độc khi có tâm trạng hoang mang trước sự lớn mạnh của AI. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, nhiều nhân sự trên toàn cầu đã bày tỏ lo ngại rằng các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo có thể khiến họ mất việc, hoặc cắt giảm tiền lương. Sự lo lắng này xuất phát từ nghiên cứu mới đây của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, cho thấy việc đưa trí tuệ nhân tạo vào lực lượng lao động sẽ khiến nhiều người mất việc vào cuối thập kỷ này, đặc biệt là đối với "những lao động tri thức". Cũng theo báo cáo này, đến năm 2030, ít nhất 12 triệu người lao động cần phải thay đổi công việc khi các ngành đang làm bị thu hẹp nhiều hơn 25%, so với dự đoán hồi tháng 2/2021.

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 2.

Vẫn lạc quan trước cơn sóng trí tuệ nhân tạo

Trái ngược với quan điểm trên, có những bạn trẻ lại bày tỏ sự lạc quan, cho rằng dù phát triển đến đâu, AI cũng khó vượt qua con người trên đường đua của thị trường lao động.

Theo quan điểm của bạn Tuấn Nguyễn (19 tuổi, sinh viên chuyên ngành Ngân hàng), AI chỉ có thể thay thế một số ngành nghề đơn giản, có tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, giới hạn mà AI không thể chạm đến nằm ở cảm xúc và biểu cảm của con người. Kỹ năng sống, yếu tố mà nhiều người trẻ “truyền tai nhau" cần trau dồi để đứng vững ở thị trường lao động, cũng chính là điểm khiến nhân sự khác biệt so với phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Anh chàng chia sẻ: “Chẳng hạn, khi bạn đặt ra một câu hỏi, một phép tính được lập trình, một công việc được lặp lại với AI,... chúng có thể mang đến kết quả nhanh chóng. Bởi AI có khả năng tổng hợp trí tuệ của con người và đưa ra đáp án ngay lập tức. Công việc nào có tính lặp đi lặp lại thì sẽ bị máy móc thay thế. Lịch sử đã chứng minh những điều này qua các cuộc cách mạng công nghệ.

Tuy nhiên, sự giao tiếp giữa người và người, sức sáng tạo là điều mà AI không thể có. Dù là nhân sự làm trong bất cứ ngành nghề nào, nếu công việc của bạn không quá lặp đi lặp lại, nhiều tính sáng tạo thì không việc gì phải lo sợ AI.

Mình nghĩ mọi người cần nắm bắt công nghệ và sử dụng chúng, nhưng không phụ thuộc. Song song, chúng ta nên trau dồi kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống xung quanh để khắc phục được sự khô cứng, vô cảm, thiếu sáng tạo mà những sản phẩm của AI không thể mang lại".

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 3.

Là sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, Đức Hùng (22 tuổi) cho biết thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều cuộc tranh luận cho rằng ngành IT g có thể bị chính… AI đánh bại.

Đứng trước những ý kiến này, anh chàng bày tỏ nhiều nhân sự IT bị sa thải khi đạt đến một trình độ và độ tuổi nhất định, khiến mọi người nghĩ rằng ngành nghề này đã bị bão hoà. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ đến từ sự phát triển của AI mà còn vì nhiều lý do khác như suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp tinh gọn bộ máy nhân sự,... Không chỉ riêng Công nghệ thông tin mà tại nhiều lĩnh vực khác, tình trạng nhân sự bị sa thải hay cắt giảm tiền lương cũng diễn ra, do đó không thể đổ tại AI khiến dân văn phòng IT mất việc.

Đức Hùng bày tỏ: “Với những người học IT thì biết đặc trưng của ngành này là phải luôn học hỏi công nghệ mới. AI giờ mới ở mức đang phát triển và công việc của lập trình viên cũng không phải thiếu. Tất nhiên, những công việc nào lặp đi lặp lại, đơn điệu sẽ bị AI thay thế. Bản thân ngành IT mà có những công việc kiểu này thì cũng sớm muộn bị thay thế thôi, nên điều mình cần làm là bình tĩnh, tập trung học tập và trau dồi kiến thức mới.

Lập trình viên giờ đòi hỏi nhiều kỹ năng như critical thinking, communication, clarification... chứ không đơn giản chỉ viết code. Không có sản phẩm AI nào có thể giúp chúng mình đi làm rõ yêu cầu với khách hàng trước khi code. Mình cũng chưa thấy sản phẩm AI có thể giúp mình tìm debug và trao đổi với phòng ban khác. Thế nên nhìn chung, dù AI có ra đời và lớn mạnh thì cơ hội vẫn luôn có cho những người chăm chỉ, biết tận dụng thời cơ".

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 4.

“Cộng sinh” hay “chịu thua” trước AI?

Không thể phủ nhận, AI đang mang đến những công cụ tuyệt vời, giúp con người nhẹ gánh trong cả công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, AI phát triển quá nhanh cũng khiến nhiều người lo âu vì nỗi sợ một ngày nào khi thức dậy, trước mắt họ là quyết định buộc thôi việc vì một sản phẩm trí tuệ nhân tạo nào đó. Viễn cảnh này có dễ xảy ra?

Trước câu hỏi này, anh Nguyễn Tiến Huy (Creative technologist, Điều hành Pencil Group - một công ty về truyền thông và công nghệ) nhận định, thật ra con người… không bị thay thế bởi AI mà chỉ những người biết dùng AI sẽ thay thế những người không biết dùng AI. Như hơn trăm năm trước khi máy dệt ra đời thì nhiều người nghĩ nó sẽ thay thế thợ dệt nhưng đến nay vẫn cần có người vận hành máy dệt và vẫn còn có những người thợ dệt thủ công. Sự khác biệt chỉ là chúng ta sẽ dùng AI như thế nào.

"Để không bị AI thay thế, chúng ta phải biết dùng nó chứ đừng để AI dùng mình. Người để AI dùng mình là người chỉ cung cấp dữ liệu cho AI học mà không biết dùng AI cho đời sống và công việc của mình dựa trên hiểu biết cách giao tiếp với AI. Người không có 3 loại tư duy: học tập liên tục, tư duy sáng tạo và tư duy phản biện thì sẽ dễ bị bỏ lại phía sau, dù là AI hay là công cụ nào khác", anh Huy nêu quan điểm.

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 5.

Theo anh Nguyễn Tiến Huy, thật ra con người… không bị thay thế bởi AI mà chỉ những người biết dùng AI sẽ thay thế những người không biết dùng AI.

Trong khi đó, chị Ai Huỳnh (Người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Đông Nam Á và Thung lũng Silicon; từng đảm nhiệm vị trí COO của công ty Percolata, một startup AI gọi vốn 10 triệu đô la (series A) ở Palo Alto,...) chia sẻ, AI sẽ thay thế các nghiệp vụ mang tính chất lặp đi lặp lại, mất thời gian của con người. Nhưng AI cũng tạo ra thêm nhiều ngành nghề mới. “Giống như từ khi smartphone và social media thông minh hơn, thì từ 2019 đến nay chúng ta có thêm nghề data analyst, livestreamer, giao hàng công nghệ, kinh doanh online, các hình thức mới và hiện đại hơn của digital marketing…", chị nói.

Đồng quan điểm, sếp Hoàng Nam Tiến (Nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT,...) bày tỏ theo các nhà nghiên cứu, những công việc lặp đi lặp lại trên 3 lần, thì trí tuệ nhân tạo và robot có khả năng làm tốt hơn chính chúng ta. Những nhóm công việc có thể bị ảnh hưởng: Giao dịch viên ngân hàng, kế toán, làm lập trình (coding), kiểm thử phần mềm (testing), call center... thực tế chứng minh người máy làm tốt hơn con người.

"Chưa bao giờ từ self-learning (tự học), life long learning (học tập suốt đời) lại đúng như thế. Rất nhiều người có trình độ, kinh nghiệm, trải nghiệm… trong một lĩnh vực cụ thể, sẽ phải đi học thêm về những ngành nghề mới. Có 2 mặt luôn song hành, trí tuệ nhân tạo và người máy sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều người, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới", sếp Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 6.

Sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ theo các nhà nghiên cứu, những công việc lặp đi lặp lại trên 3 lần, thì trí tuệ nhân tạo và robot có khả năng làm tốt hơn chính chúng ta.

Better Choice Awards tri ân và tôn vinh những "Giá trị Đổi mới sáng tạo" về sản phẩm, dịch vụ, thành tựu mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo ra điểm khác biệt khi không đi tìm "lựa chọn tốt nhất phân khúc", mà hướng tới nhu cầu thực tế của người dùng để giúp họ tìm ra thương hiệu, sản phẩm phù hợp nhất.

Giải thưởng đã bắt đầu mở cổng bầu chọn công khai vào ngày 9/9/2024, sau buổi họp báo tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu. Thời gian đóng cổng bình chọn đến hết ngày 20/9/2024. Nhanh tay bầu chọn cho thương hiệu bạn yêu thích chiến thắng đề cử tại Better Choice Awards 2024 thông qua website: https://betterchoice.vn/
Thời đại "cộng sinh" với AI để tồn tại: Người trẻ cần làm gì để không bị cơn sóng trí tuệ nhân tạo nhấn chìm?- Ảnh 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày