“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea

Bài và ảnh: Phạm Thế Hưng, Theo Helino 21:35 30/05/2019
Chia sẻ

Lễ hội Goroka ở Papua New Guiea thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm, thật may là tôi đã có cơ hội được chứng kiến một lần.

Vốn là người thích đi du lịch và đã đi qua hơn 50 quốc gia, được trải nghiệm nhiều nơi đặc biệt, nhưng mỗi khi nghe ai đó nói đến từ “thổ dân” là trong đầu tôi lại nghĩ ngay đến Papua New Guinea (PNG). Đất nước này luôn bí hiểm với những câu chuyện ngàn năm tục “ăn thịt người”, hay hình ảnh người thổ dân nam với nắp chụp cong. 

“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 1.

Papua New Guinea là vùng đất ít được thám hiểm nhất trên thế giới, không chỉ về địa lý mà còn về cả văn hóa.

Dù chỉ có khoảng 5 triệu dân, nhưng đất nước này có tới hơn 850 ngôn ngữ và hơn 1000 nhóm văn hóa khác nhau. Như vậy đã đủ để thấy sự phong phú đa dạng về măt văn hóa của người dân ở đây. Theo truyền thuyết và một số ghi chép trong lịch sử của Papua New Guinea, thời quá khứ các bộ lạc đã có nhiều mâu thuẫn, dẫn đến những trận chiến liên miên, chính vì vậy lễ hội các bộ lạc thổ dân này được ra đời để coi như một dịp tăng tình đoàn kết giữa các bộ lạc của nhà nước Papua New Guinea.

“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 3.

Có hẳn một cơ quan của nhà nước Papua New Guinea chuyên về tổ chức các lễ hội. Trong đó, lễ hội thổ dân Goroka Show là lễ hội lớn nhất trong năm, được tổ chức 3 ngày liên tục vào dịp quốc khánh đất nước này giữa tháng 9 hàng năm. Dù đã lên kế hoạch trước 2 năm, đến tận tháng 9 năm ngoái nhân dịp đi công tác ở Sydney (Úc), tôi mới dành được một tuần nghỉ phép để tham dự lễ hội Goroka Show này.

Theo tìm hiểu trên Internet, tôi khám phá ra cách để gặp và trò chuyện với thổ dân Papua New Guinea, và biết là thực sự đất nước này còn rất nguy hiểm cho khách du lịch. Hàng năm đều có các báo cáo về tình hình bất ổn ở nước này do kinh tế kém phát triển, người dân còn đói nghèo, thất nghiệp nhiều. Tuy nhiên ở các lễ hội và các điểm công cộng vào ban ngày ở Papua New Guinea thì cũng khá an toàn cho du khách.

Từ Sydney xuống máy bay ở Brisbane, tôi làm thủ tục lên máy bay của Air Niugini. Hãng hàng không quốc gia của Papua New Guinea này còn rất thô sơ, không có check-in online, bù lại, toàn bộ nhân viên đều là người Úc nên thủ tục làm việc khá nhanh. Sau hơn 3 tiếng bay, máy bay hạ cánh xuống cảng quốc tế của sân bay Jacsons International Airport tại thủ đô Port Morseby, tôi cần đi bộ hơn 300 mét sang cảng hàng không quốc nội để đáp chuyến bay tiếp theo đến Goroka.

Chỉ một đoạn ngắn cuốc bộ này thôi nhưng tôi cũng khá lo lắng, do trước đó tôi đã đọc nhiều bài review trên MXH của các khách du lịch khác. Một nữ du khách châu Âu đã gọi đoạn đường đi bộ này là “The walk of fear”, tức là “Con đường của sự sợ hãi”. Du khách miêu tả đoạn đi bộ này khá nguy hiểm do bên ngoài sân bay, thậm chí có cả ảnh chụp một người bản địa như đang tiến lại để dọa du khách. Tôi quyết định đi thật nhanh và phải đi nép vào cùng một đoàn du khách đông người khác. Khi thấy vài vị cảnh sát đứng gần đó, tôi cũng có an tâm hơn, nhưng để bảo có thoải mái không thì tôi sẽ trả lời là không.

Nói về khách sạn ở Goroka thì cả thành phố này chỉ có lẻ tẻ vài khách sạn từ 3 sao trở lên. Trước khi bay 3 tháng tôi đã thử tìm kiếm khách sạn ở đây trên các website phổ biến như booking.com, Agoda... nhưng đều đã kín chỗ. Các bài review trên TripAdvisor hoặc Lonely Planet đều cho biết trong dịp lễ hội thổ dân thì việc tìm được phòng khách sạn là rất khó. Chỉ có vài khách sạn chính ở thành phố này thì các công ty du lịch đều đã đặt kín phòng cho khách của họ từ nhiều tháng trước.

Tôi có liên hệ với vài công ty du lịch ở Hà Nội để nhờ bên đối tác của họ ở Úc hoặc Papua New Guinea để đặt phòng cho tôi nhưng đều thất bại, không thể đặt được dù chỉ 1 phòng cho 3 ngày lễ hội thổ dân ở Goroka. Tôi đành tự phải liên hệ với đối tác công việc của mình có trụ sở ở Port Morseby tìm hộ, đồng thời tự mình đọc thêm các review của các người du lịch trước và tự gửi email đến vài nhà nghỉ, khách sạn nhỏ ở đây. Cuối cùng, tôi đã đặt được 4 đêm ở khu ký túc xá của Papua New Guinea National Sports Institute với giá khoảng 50 USD/ đêm (khoảng hơn 1 triệu VNĐ/ đêm). Dù phòng ở đây không khép kín nhưng tôi vẫn lựa chọn vì lễ hội được diễn ra ở ngay khu sân bóng của học viện thể thao này.

Các phòng ký túc xá đều được chăng lưới B40.

Tôi có ghé thăm khu chợ lớn nhất của Goroka, nơi bán các loại nông sản người dân tự trồng, kèm theo vài hàng quần áo lặt vặt. Không có hàng ăn trong chợ cũng như trên các con phố. Nếu bạn muốn ăn hàng ư, duy nhất chỉ có vào các khách sạn mà gọi. Ngoài đường phố có vài hàng bán bánh kẹo, nước giải khát nhưng hàng hóa đều bày sau lớp lưới B40, khách mua đưa tiền qua ô lưới, người bán đưa hàng qua khe nhỏ bên cạnh. Đường phố đầy người, nhưng có vẻ việc chính của họ là ra đường và ngắm những người khác. Một điều đặc biệt ở đây là người dân ăn trầu thường xuyên, có rất nhiều hàng bán trầu cau.

Như đã nói ở trên, an ninh ở Goroka được cảnh báo là không an toàn cho du khách. Ngay khi xuống sân bay là đã có người ở khách sạn ra đón, đưa tôi cùng vài du khách khác ở cùng khách sạn về nơi ở cách sân bay tầm 10 phút di chuyển bằng ô tô. Trong mấy ngày ở đây, tôi chưa bao giờ dám đi bộ một mình cách xa khách sạn quá 500 mét. Lần đi chợ trung tâm, tôi phải thuê một nhân viên khách sạn dẫn đi. Hàng ngày cứ sau 5 giờ chiều là tất cả các du khách ở trong khách sạn, nếu muốn đi ra ngoài ăn tối ở khách sạn khác phải đi taxi do khách sạn gọi hộ. Cả 5 ngày 4 đêm ở Goroka, tôi chỉ ăn ở một nơi duy nhất là trong khách sạn nơi tôi ở.

Đổi lại cho tất cả những sự mất an ninh, xa xôi, không thuận tiện, bay mấy chặng tốn kém tiền nong là được chứng kiến cuộc tranh tài đặc sắc của những bộ lạc thổ dân trong lễ hội. Khoảng 100 bộ lạc cử các nhóm nhảy múa đến tranh tài trong suốt 3 ngày. Mỗi bộ lạc đều có trang phục riêng, bài nhảy múa riêng. Điểm chung của họ có lẽ là sự hoang dã từ trang phục họ mang, đến những bài hát họ hát, toàn bộ cơ thể và khuôn mặt của họ đều được vẽ kín đặc những hình hoạ tiết đặc trưng.

“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 7.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 8.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 9.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 10.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 11.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 12.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 13.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 14.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 15.
“Thiên biến vạn hoá” với Goroka Show – Lễ hội thổ dân của đất nước bí hiểm nhất thế giới Papua New Guinea - Ảnh 16.

Trên chuyến bay về từ Port Morseby, tôi có chia sẻ với mấy bạn tiếp viên Air Niugini xem các bức ảnh tôi đã chụp. Một bạn nữ tiếp viên nói bạn ấy rất bận công việc và chỉ mong có lần được mặc bộ trang phục với mũ tết bằng lông chim thiên đường, vòng cổ tết bằng vỏ sò như các thiếu nữ tôi chụp trong lễ hội này.

Phạm Thế Hưng - 4.2019.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày